Tại cuộc làm việc giữa Phó Thủ tướng với lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung tại Hà Tĩnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết đến nay các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc kê khai, niêm yết, xác định thiệt hại; áp dụng định mức, tính toán giá trị thiệt hại, niêm yết công khai, hướng dẫn và giải đáp các thắc mắc của nhân dân.
Đến ngày 28/10/2016, đã có 3 tỉnh thực hiện việc báo cáo áp giá/định mức bồi thường để tính thiệt hại theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Hội nghị, các tỉnh đề nghị việc xác định giá trị bồi thường cho người dân cần tích cực triển khai để giải ngân ngay trong tháng 11/2016 giúp bà con có vốn khôi phục sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, ổn định sản xuất.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ trong việc xác định bồi thường, hỗ trợ người dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh tập trung quyết liệt để giải quyết các vấn đề này, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh từ nay đến cuối năm và sang năm sau.
Xác định trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh trước Chính phủ về vấn đề này nếu để xảy ra chậm trễ, gian dối trong kê khai…
Các tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân với chủ trương của Chính phủ trong việc bồi thường, hỗ trợ người dân bị thiệt hại, khẩn trương tổ chức chi trả cho người dân đúng đối tượng, khách quan, minh bạch, công bằng và thoả đáng.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đền bù, hỗ trợ thiệt hại đối với ngư dân miền Trung sau sự cố ô nhiễm môi trường biển. ảnh: vgp. |
Đối với việc bổ sung thêm định mức và đối tượng được bồi thường, hỗ trợ thì các địa phương cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng, báo cáo Bộ NN&PTNT để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm hàng thuỷ sản còn tồn kho đông lạnh không bán được.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phân loại, tiêu huỷ hay sử dụng nhu cầu khác đối với hàng thuỷ sản quá hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
Ngay trong tháng 11/2016, Bộ Công Thương có trách nhiệm phân phối, tiêu thụ những hàng hải sản đủ tiêu chuẩn sử dụng an toàn của các hộ kinh doanh trên địa bàn 4 tỉnh, Nhà nước hỗ trợ tiền điện và lãi vay ngân hàng cho các hộ kinh doanh nói trên.
Bộ Tài chính nghiên cứu các đề xuất của địa phương về xác định bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho nhân dân.
Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền rõ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về công tác bồi thường, hỗ trợ cho bà con đúng đối tượng, công khai, minh bạch, sớm nhất.
Các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền về môi trường biển đã an toàn, môi trường đã sạch, gỡ bỏ tâm lý e ngại của người dân đối với việc tiêu thụ thuỷ hải sản hiện nay.
Các địa phương làm tốt công tác vận động quần chúng để giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, tạo sự đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước của nhân dân, thực hiện tốt các chính sách đại đoàn kết trong quá trình thực hiện, không để xảy ra các vấn đề bức xúc hay bị động, bất ngờ tại địa phương.
Trước đó, sáng 31/10, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình và đoàn công tác Trung ương đã gặp gỡ với bà con ngư dân huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) về công tác bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Sau khi lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, trả lời của lãnh đạo các bộ ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn của bà con.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh quá trình thống kê bồi thường, hỗ trợ cho người dân thiệt hại phải làm chính xác, công khai, minh bạch trước nhân dân và có sự tham gia của các hộ gia đình, không để xảy ra kê khai không đúng đối tượng, số tiền bồi thường hay hỗ trợ.
Đồng thời, kiên quyết không nghe theo các đối tượng xấu kích động, gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Muốn vậy, rất cần sự đồng thuận, ủng hộ, thực hiện theo hướng dẫn của các cấp để thực hiện việc kê khai, chi trả tiền bồi thường nhanh chóng, chính xác, đúng quy định để ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, việc kê khai đền bù cần có sự đoàn kết chặt chẽ trong các tầng lớp nhân dân, không phân biệt lương giáo, giàu nghèo, ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp… mà vì mục tiêu chung là sớm thực hiện xong việc bồi thường và hỗ trợ để ổn định sản xuất, cuộc sống của nhân dân.
Phó Thủ tướng khẳng định quá trình hoạt động của Công ty Formosa sẽ được các cơ quan chức năng của Trung ương, địa phương giám sát chặt chẽ, có sự tham gia của nhân dân.
Trong quá trình sản xuất, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, tái phạm sẽ xem xét đình chỉ hoạt động.
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã và đang có giải pháp trong việc đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con, khuyến khích và hỗ trợ bà con mua sắm các thiết bị, tư liệu sản xuất như tàu thuyền lớn để vươn xa đánh bắt hải sản làm giàu cho gia đình, quê hương và góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước.