Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 7/11, Đại biểu Dương Trung Quốc nhận định, việc xử lý trách nhiệm kể cả người về hưu, nhất là đối với cán bộ cấp cao chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ từ người dân và Đại biểu Quốc hội.
Cụ thể, đối với trường hợp kỷ luật cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Ban Bí thư đã bỏ phiếu kín và 100% đồng ý thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011-2016.
Cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011-2016 đối với đồng chí Vũ Huy Hoàng.
Đây là hành động cho thấy sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI và gần đây nhất là Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII.
Theo quan điểm của Đại biểu Dương Trung Quốc, ngoài trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng, nhân dân mong đợi Đảng sẽ xử lý nghiêm khắc với những cán bộ khác nữa khi có dấu hiệu sai phạm, không loại trừ bất kỳ trường hợp nào.
“Điều tôi muốn nói nhiều hơn là làm sao ta phải xử được khi người ta đương quyền thì mới ngăn chặn được hậu quả.
Tôi cho rằng, trong hoàn cảnh này nên coi đây là khởi động cho việc không phải là xử lý hậu quả mà ngăn chặn hệ quả tiêu cực”, ông Quốc bày tỏ.
Ông Dương Trung Quốc đánh giá, việc xử lý kỷ luật với cán bộ cấp cao ngay cả khi đã nghỉ hưu sẽ được nhân dân đồng tình ủng hộ. ảnh: Ngọc Quang. |
Theo kết quả buổi làm việc ngày 2/11 của Ban Bí thư dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét thi hành kỷ luật trong công tác cán bộ đối với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chỉ rõ:
Với vai trò, trách nhiệm là Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, đồng chí Vũ Huy Hoàng chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương.
Thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam;
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho rằng, ông Vũ Đình Duy có dấu hiệu bỏ trốn. Hình thức này là hình thức tương tự như vụ Trịnh Xuân Thanh. Thứ nhất, là biểu hiện dấu hiệu chạy luân chuyển. Thứ hai là dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước nên gây ra hậu quả nhưng chạy chọt bằng cách nào đấy để không bị xử lý mà lại tiếp tục được luân chuyển và đề bạt. Sau vụ việc Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn thì đúng ra là phải rút kinh nghiệm trong việc quản lý. Ông Duy đi mà không có sự cho phép của cơ quan, không báo cáo tổ chức Đảng nhưng đi được thì rõ ràng có chỗ hổng trong thiết chế quản lý của mình. |
Quyết định điều động và đề cử đồng chí Vũ Quang Hải tham gia Hội đồng quản trị Tổng Công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu làm thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Sabeco, vi phạm Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.
Vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ trong một số trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền, gây hậu quả nghiêm trọng.
Chỉ đạo và thực hiện không đúng Quy chế làm việc của Ban cán sự Đảng, quy định của pháp luật trong việc thẩm định, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho đồng chí Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh.
"Trịnh Xuân Thanh thuộc trường hợp truy nã đến cùng" |
Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra dẫn đến một số đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương thực hiện không đúng các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý cán bộ, để một số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.
Các vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vũ Huy Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Ban cán sự Đảng, của Bộ Công Thương và cá nhân đồng chí.
Những sai phạm trên được chỉ ra cũng cho thấy rõ ràng trong công tác giám sát cán bộ vẫn có những lúc chưa đảm bảo sự chặt chẽ.
Ông Quốc chia sẻ: “Thôi thì chậm còn hơn không làm, làm để hướng đến ngăn chặn, để bảo vệ cán bộ, bảo vệ uy tín, quan trọng hơn là bảo vệ được Đảng của dân”.
Vị đại biểu đoàn Đồng Nai cũng chỉ ra vấn đề là Quốc hội khóa XIII đã đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm với ông Vũ Huy Hoàng, vậy thì sự việc sau khi xảy ra như vậy cũng cho thấy việc giám sát của Quốc hội chưa chặt chẽ.
Đánh giá của ông Dương Trung Quốc là có cơ sở khi nhìn lại mức phiếu mà Quốc hội đánh giá ông Vũ Huy Hoàng vào năm 2014: Tín nhiệm cao (156); Tín nhiệm (224); Tín nhiệm thấp (102). Năm 2013: Tín nhiệm cao (112); Tín nhiệm (251); Tín nhiệm thấp (118).
“Vừa rồi tôi đã phát biểu là dấu ấn của Quốc hội trong hoạt động Chính phủ ở đâu? Quốc hội nào có Chính phủ đấy. Nếu soi vào những hạn chế của Chính phủ thì có cái nào của Quốc hội không, đặc biệt trong phương diện hệ thống luật pháp Quốc hội ban hành và giám sát.
Với vụ ông Vũ Huy Hoàng thì điều quan trọng là đừng để xảy ra để phải giải quyết hậu quả. Để giải quyết hậu quả mang tính đặc thù, điển hình, chỉ làm một lần thì những với những người sai phạm đã về hưu khác thì có làm không?
Trừng trị người mắc sai phạm nhưng cũng phải rút kinh nghiệm những người góp phần để dung túng cho những cái sai đó”, ông Quốc nêu quan điểm.