LTS: Chỉ khi nào thực sự tự chủ thì các trường đại học mới phát huy được khả năng sáng tạo, nâng cao được chất lượng đào tạo.
Dù vậy vẫn có nhiều trường băn khoăn, không biết sẽ vượt qua những khó khăn về tài chính như thế nào để tồn tại và phát triển khi không còn được bao cấp.
Có lẽ câu chuyện dưới đây của GS.TSKH Hoàng Xuân Sính (nữ Tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam, nay đã 83 tuổi) - một trong những người sáng lập Đại học Thăng Long trong hoàn cảnh đầy khó khăn, để rồi vượt lên trở thành trường đại học được nhiều bạn trẻ yêu thích sẽ là bài học bổ ích cho nhiều cơ sở đào tạo.
Nhiều người vẫn nghĩ cái mác trường công lập hơn tư thục
Luật giáo dục đại học ban hành ngày 18/6/2012 đã quy định tại Điều 32 "Quyền tự chủ của trường đại học" trong các hoạt động tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế. Tiếp theo Luật giáo dục đại học, Điều lệ trường đại học ban hành ngày 10/12/2014 đã quy định cụ thể tại Điều 5 quyền tự chủ trong các lãnh vực kể trên cho các trường đại học công lập và ngoài công lập.
Ở Trường Đại học Thăng Long, chúng tôi hiểu tự chủ đại học với hai văn bản trên như sau. Lấy ví dụ đơn giản trong một gia đình, mẹ muốn dạy con gái biết quán xuyến việc nhà, nói với con: Từ giờ mẹ giao cho con việc chi tiêu cơm nước trong gia đình, với số tiền hàng tháng mẹ trích ra từ lương của bố mẹ và con, làm thế nào cho đủ ba bữa mỗi ngày, có đủ dinh dưỡng cho người có tuổi và cho em con đang ở tuổi cần ăn?
Ở đây độ tự do cho người con khá lớn, chỉ có một ràng buộc, đó là đủ chất dinh dưỡng cho người già và cho con trẻ, điều kiện này hợp lý được cô gái đồng tình ngay.
Nhưng nếu người mẹ lại đòi hỏi thêm những điều kiện khắt khe có khi còn bảo thủ về ăn uống, thì việc thực hiện sẽ rất khó khăn cho con gái.
Lúc đó con gái phải nói với mẹ: Mẹ ơi, quan niệm của mẹ về ăn uống như vậy không hợp với khoa học. Nó không những lạc hậu mà còn có hại cho sức khỏe.
Mẹ giao cho con gái làm chủ gia đình, nhưng hai mẹ con phải trao đổi với nhau, kinh nghiệm của mẹ và hiểu biết của con phải bổ sung thật tốt cho nhau, không có sự làm bừa của con và không có sự áp đặt của mẹ.
Chúng tôi đã hiểu tự chủ đại học với hai văn bản Luật giáo dục đại học và Điều lệ trường đại học như chuyện quán xuyến việc gia đình kể trên: Phải làm theo luật, nhưng luật phải sát với thực tiễn trong nước và ngoài nước, không duy ý chí "cho ít mà bắt làm nhiều", không phản khoa học, phải có sự hợp tác giữa các nhà làm luật, các cấp quản lý và các trường đại học.
Ở Đại học Thăng Long, chúng tôi đã làm gì với hai văn bản quy định tự chủ đó?
Trước hết ngồi viết lại quy chế tổ chức và hoạt động của trường sao cho nó chứa mọi quy định cho một trường đại học tư có trong hai văn bản đó (xin được phép lưu ý Thăng Long là một đại học tư), sau đó đưa thêm những quy định mà pháp luật không cấm và cần thiết cho sự phát triển của trường.
Chẳng hạn như thêm quy định "Các cổ đông không nhận cổ tức", vì chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng "Giáo dục luôn là thiếu hụt, là lạm chi" theo kinh nghiệm kinh điển của giáo dục thế giới.
Chỉ cần chúng ta nhìn ngân sách của đại học nước ngoài thì hiểu rõ ngay: Nếu bằng thu học phí thì ta chỉ có thể đào tạo bậc đại học, còn sau đại học gồm bậc cao học và tiến sĩ thì phải có nguồn tài chính khác, thu không đủ bù chi nếu chỉ có học phí.
GS.TSKH Hoàng Xuân Sính chia sẻ kinh nghiệm, muốn tuyển sinh tốt thì phải có cơ sở vật chất khang trang và giảng viên giỏi. ảnh: GDVN. |
Đối với tự chủ tài chính và tự chủ tổ chức-nhân sự, các trường ngoài công lập ít bị ràng buộc hơn so với các trường công lập vì không nhận được tài trợ nào của nhà nước.
Ít ràng buộc hơn nhiều, có vẻ như thoải mái hơn, nhưng trường ngoài công lập có những cái thua kém khách quan mà chúng tôi không biết đến bao giờ mới có thể khắc phục được.
Chẳng hạn đối với xã hội thì học trường tư là nỗi xấu hổ cho gia đình. Đối với nhà nước thì xin cấp đất để xây dựng tựa như xin chị Hằng cấp đất ở gốc cây đa.
Các yếu kém của khối tư thục dân lập bộc lộ rất rơ lúc tuyển sinh, phụ huynh đến trường và bảo thẳng chúng tôi: Nào là trường gì mà bao năm vẫn manh mún, hãy nhìn trường công họ hoành tráng rộng rãi, học trường dân lập thì không biết trả lời ra sao với hàng xóm khi họ hỏi con nhà bác vào trường nào?
Muốn tuyển sinh tốt, cơ sở vật chất phải tốt, giảng viên phải giỏi
Các trường ngoài công lập đều hiểu rằng tuyển sinh là khâu quan trọng bậc nhất của nhà trường.
Có thể nói không có sinh viên thì phá sản ngay lập tức vì trường không có nguồn tài chính nào khác là thu học phí.
Một năm, hai năm, rồi ba năm không đủ chỉ tiêu ... mọi tổ chức, mọi nhân sự, mọi học thuật phải thay đổi hết.
Điều này ai nấy đều nhận thức rõ. Cho nên phải nói rằng mọi mặt của nhà trường đều phụ thuộc vào khâu tuyển sinh.
Làm thế nào tuyển được đủ chỉ tiêu cho mỗi năm học?
Đó là bài toán đau đầu cho mỗi trường dân lập, cái giá phải trả cho tự chủ tài chính.
Để làm chủ tài chính, trước hết chúng tôi đã vạch ra một kế hoạch lâu dài trong 100 năm: 20 năm để xây dựng cơ sở vật chất, 40 năm cho việc xây dựng đội ngũ giảng dạy và 40 năm cho nghiên cứu khoa học.
Có thể có bạn đồng nghiệp nghĩ chúng tôi điên rồ.
Chúng tôi làm kế hoạch lâu dài đó để phân bố tài chính cho từng năm, từng giai đoạn, lúc nào dồn tiền để tập trung xây dựng trường, lúc nào là để xây dựng đội ngũ cán bộ, lúc nào để nghiên cứu.
20 năm qua, chúng tôi đã xây dựng xong cơ sở vật chất ban đầu, hàng năm vẫn có xây dựng thêm thắt để đáp ứng yêu cầu dạy và học. Nhưng hiện tại chúng tôi đang chuyển trọng tâm sang xây dựng đội ngũ giảng dạy nghĩa là tập trung tiền vào để tuyển người giỏi và đào tạo đội ngũ trẻ.
Qua kinh nghiệm, chúng tôi đã hiểu rằng: Muốn tuyển sinh được thì trước hết phải có cơ sở khang trang, tiếp đó là một đội ngũ giảng viên càng ngày càng giỏi.
Chúng tôi rất thấm thía về việc phải xây dựng cơ sở vật chất vì phụ huynh, khi cho con vào học, thường xem nhà vệ sinh trước khi cho con chính thức ghi tên vào trường.
Tới nay, có thể nói việc tuyển sinh của trường tạm ổn định, mỗi năm đủ chỉ tiêu, không bao giờ làm quảng cáo, không phải kéo dài thời hạn tuyển sinh.
Nhưng phải nói con số sinh viên vào trường cho thấy rất rõ mức độ tin cậy của xã hội: mỗi năm chúng tôi chỉ có khoảng 2000 sinh viên vào, có muốn hơn cũng chẳng được.
Xã hội chỉ cho điểm như vậy thôi, và chúng tôi biết phải cố gắng trong nhiều năm nữa thì con số 2000 mới nhích lên được.
Tại sao? Hạn chế ở đâu? Chúng tôi đã tìm được câu trả lời cho trường chúng tôi: Hạn chế lớn nhất do là một trường tư, và hạn chế thứ hai là thi tốt nghiệp chặt chẽ.
Đối với hạn chế thứ hai, chúng tôi đã phải tung giáo viên kèm cặp sinh viên kém mỗi khi kỳ thi tới để giảm bớt số sinh viên hỏng thi; nhưng với hạn chế thứ nhất thì bao nhiêu ngón võ đã được giở ra, nhưng vẫn không thấy có mấy tác dụng.
Tôi xin đơn cử một ví dụ: Chúng tôi tạo ra những lớp tài năng có nhiều học bổng và có ngay công ăn việc làm ở những nơi mà nhiều sinh viên tốt nghiệp mơ ước, nhưng cũng chẳng có mấy hấp dẫn với cả sinh viên và nhiều phụ huynh.
Với sinh viên thì vì phải học khó hơn lớp bình thường, với bố mẹ thì vì là trường dân lập, không oai như học trường công, xấu hổ với bạn đồng nghiệp vì con học trường tư!
Hiểu biết những hạn chế của mình, nên chúng tôi càng phải bền bỉ phấn đấu, và mong thời gian sẽ giúp xã hội hiểu chúng tôi hơn, sinh viên khi ra làm việc phải sống trong môi trường sắp tới cạnh tranh khốc liệt thì mới thấy phải học giỏi thì mới tìm được việc tốt.
Tự chủ đại học không phải là dễ, nó đòi hỏi nhà trường, các cấp lãnh đạo và xã hội phải có năng lực.
Trước hết, đội ngũ nhà trường từ lãnh đạo đến nhân viên và nhất là giảng viên (nòng cốt của trường) phải được đào tạo bài bản. Một giáo sư, ngoài giỏi chuyên môn, phải có quan hệ quốc tế để đưa nghiên cứu sinh của mình đến với những đề tài hay.
Lãnh đạo nhà trường phải có khả năng quản lý, thông thạo nhiều vấn đề, có cái nhìn trước mắt và lâu dài, có quan hệ rộng trong nước và quốc tế.
Lãnh đạo các cấp có năng lực để đưa ra những chính sách, những quy định hợp lý, không có những ràng buộc khiến các trường không hoạt động được. Ngoài ra cần nghiên cứu kỹ các trường đại học nước ngoài và các chính sách họ được hưởng từ nhà nước để so sánh với điều kiện trong nước.
Cho tới nay, tư duy "duy ý chí " vẫn ngự trị trong chính sách: Chẳng hạn nhìn trường đại học nước ngoài có cơ sở khang trang liền ra ngay một quy định về số m2 cho mỗi sinh viên của một trường, trong khi hầu như không có đại học nào trong nước thỏa mãn điều kiện quy định.
Xã hội cũng cần phải có năng lực để hiểu thế nào là một trường đại học. Ta cứ lấy ví dụ tuyển sinh năm ngoái thì thấy xã hội hiểu trường đại học thế nào.
Bộ Giáo dục đã nói đi nói lại trước ngày tuyển sinh là: 1/ phải để ý năm nay đề thi có khác với mọi năm, nên có thể vênh từ 2 điểm trở lên; 2/ thí sinh cần nghiên cứu tình hình lấy điểm tuyển sinh các năm trước của các trường mà mình muốn vào để từ đó chọn trường cho sát.
Tôi biết những trường hợp mà cả phụ huynh lẫn thí sinh lý luận rất chủ quan theo ý muốn của mình: 17 điểm nhưng vẫn nộp vào Bách khoa vì có người quen!
Giải thích mãi cũng không nghe. Gần đến ngày cuối, lại rút ra và nộp vào một trường cũng gần ngang ngửa với Bách khoa và cũng với lý luận là có người quen!
Tóm lại cả bố lẫn con đều muốn vào một trường công lớn cho oai với bạn bè hàng xóm và cứ nghĩ có người quen thì mình sẽ lọt! Vì thế mới có vỡ trận năm ngoái, cả xã hội làm loạn cả lên.
Chúng tôi cũng cố gắng tìm hiểu nước ngoài xem họ định nghĩa tự chủ đại học thế nào. May là có một văn bản của Pháp ra đời năm 2007, nghĩa là rất mới để ta tham khảo.
Văn bản đó mang tên "Luật về Tự do và Trách nhiệm của Đại học" hay "Luật Tự chủ Đại học" hay "Luật Pécresse" mang tên bà bộ trưởng đại học của Pháp, người đã làm bộ luật đó năm 2007. Chắc chắn các nhà làm luật về giáo dục của ta đã tham khảo văn bản này.
Khi Luật Tự chủ Đại học được trình bày ở Quốc hội Pháp, một loạt biểu tình của giáo sư và sinh viên đã nổ ra trong nhiều tỉnh vì tài chính của trường đại học về đào tạo và nghiên cứu có sự tham gia của giới doanh nghiệp để hỗ trợ cho ngân sách nhà nước, nhưng nó được Liên hiệp các Chủ tịch Hội đồng Quản trị các Đại học ủng hộ vì trong luật các Chủ tịch có nhiều quyền quyết định.
Cuối cùng Luật đã được Quốc hội thông qua, và quy chế tổ chức và hoạt động của mỗi trường đại học được làm dựa theo Luật đã ban hành.
Nếu ta tìm hiểu các đại học Pháp trên mạng thì ta sẽ thấy họ viết rõ ràng ngân sách của họ bao nhiêu, trong đó nhà nước cho bao nhiêu (với một đại học cỡ 25.000 sinh viên thì nhà nước rót vào khoảng 250 triệu euros/năm, chiếm hơn 90% ngân sách), phí ghi danh bao nhiêu, thuế đào tạo xí nghiệp được bao nhiêu, địa phương nơi họ đóng cho bao nhiêu, hợp đồng khoa học được bao nhiêu, tiền quyên góp được bao nhiêu...?
Với ngân sách như vậy, họ có bao nhiêu nhân viên, bao nhiêu giảng viên và giảng viên-nghiên cứu để phục vụ bao nhiêu sinh viên bậc đại học, bậc thạc sĩ, bậc tiến sĩ. Và cuối cùng là có bao nhiêu diện tích xây cho lớp học, cho phòng thí nghiệm, cho thư viện...
Và cùng với các thông tin trên, họ cũng cho biết quy chế tổ chức và hoạt động của trường viết dựa theo Luật Tự chủ Đại học đã ban hành.
Chúng tôi được biết rằng Luật Tự chủ Đại học của Pháp không phải là vĩnh viễn, trong nước Pháp vẫn có những phản đổi để có những thay đổi tốt hơn.
Chúng tôi mong rằng các nhà làm luật giáo dục của ta cũng không cứng nhắc, luôn theo sát hoạt động của các trường đại học để ngày càng có những bộ luật sát với thực tiễn Việt Nam hơn, nhưng không tách khỏi trào lưu thế giới. Nghe trong nước và đọc ngoài nước, đó là mong mỏi của tất cả chúng tôi.
Tiếp tục câu chuyện với nữ Tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam, bà chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện đào tạo sau đại học và Tiến sĩ, nhất là khi xin giấy phép của cơ quan quản lý cho liên kết với một trường đại học ở nước ngoài.