Bệnh dại: Một khi đã phát không có thuốc chữa

02/11/2016 09:34
Linh Phương
(GDVN) - Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%...

"Ajinomoto đồng hành cùng chuyên mục Sức khỏe" 

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Truyền nhiễm Trung ương hầu như năm nào bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều ca nhập viện do bệnh dại và 100 % bệnh nhân đã lên dại đều tử vong.

Không thể lơ là bệnh dại

Anh Đ.V.T. (39 tuổi, Ninh Bình) bị chó thả rông cắn, nhưng đã không đi tiêm phòng chỉ vì nghe lời  thầy lang là vết cắn đó của chó lành, không phải chó dại cắn. Để rồi, khi nhập viện thì đã lên cơn dại…

BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân T. được đưa đến Bệnh viện trong tình trạng sợ nước sợ gió vì lên cơn dại.

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Ảnh minh họa, nguồn: Interrnet.
 Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Ảnh minh họa, nguồn: Interrnet.

Điều đáng nói là trước khi nhập viện chừng 2 tháng, anh T. bị chó cắn, thế nhưng thay vì đến cơ sở y tế để tiêm phòng, anh đắp thuốc mua từ thầy lang. Họ dùng một loại lá cây thử trên da (tại vết chó cắn) của người bị chó, mèo cắn.

“Không hiểu họ căn cứ vào đặc điểm nào để phán con chó cắn bệnh nhân có bị nhiễm vi rút dại hay không chỉ qua vết cắn. Ngay cả với y học hiện đại hiện vẫn chưa thể chẩn đoán được liệu một người bị chó cắn thì có bị dại hay không”, BS Nguyễn Trung Cấp nói.

Mặc dù bệnh dại đã được người dân quan tâm hơn tuy nhiên, hiện nay bệnh vẫn rất nguy hiểm. Chỉ tính riêng năm nay, tại một số địa phương dịch xảy ra nhiều.

Ví dụ như ở Thanh Hóa, Theo Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết từ đầu năm 2016 đến hết tháng 6, trên địa bàn tỉnh này có 781 người dân bị chó dại cắn. Trong đó có 3 người ở các huyện Lang Chánh, Như Xuân và Đông Sơn (Thanh Hóa) tử vong.

Những người này không tiêm phòng sau khi bị chó cắn, đến khi phát bệnh dại mới đến các cơ sở y tế để cứu chữa nhưng không qua khỏi.

Những năm vừa qua, đàn chó nuôi, chó thả rông của người dân, nhất là ở khu vực các huyện miền núi Thanh Hóa không được tiêm phòng bệnh dại triệt để, khiến đàn chó phát bệnh, cắn người.

Bệnh cấp tính nguy hiểm

Theo PGS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. 

Theo thống kê của WHO, mỗi năm có khoảng 50.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại.

Các trường hợp tử vong do bệnh dại do không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại.

Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ.

Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh dại trên người, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người bị động vật cắn cần được tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại.

Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm, số tử vong do dại ghi nhận tăng cao trong giai đoạn 1990-2000 với hàng trăm trường hợp mỗi năm.

Cùng với con số tử vong đó, hàng năm có trung bình khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, phí tổn tiền vắc xin ước tính hơn 300 tỷ đồng mỗi năm, ngoài ra còn gây tổn thất đến sức khỏe, tinh thần của người dân.

Khu vực miền núi phía Bắc được coi là khu vực trọng điểm của bệnh dại với hơn 80% số ca tử vong do dại tập trung tại đây.

Trong những năm gần đây, Việt Nam với vai trò là quốc gia dẫn đầu trong công tác  phòng, chống bệnh dại trong khu vực ASEAN đã tích cực triển khai Nghị định số 05 năm 2007 của Chính phủ về việc phòng chống bệnh dại nhằm giảm thiểu tử vong do dại và hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh dại vào năm 2020 được nêu trong “Chiến lược loại trừ bệnh dại ASEAN” do Việt Nam là đầu mối xây dựng. Chiến lược này đã được Hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp ASEAN phê duyệt vào năm 2014.

Nhờ những nỗ lực đáng kể của ngành Y tế, ngành Thú y cũng như sự vào cuộc của chính quyền UBND các cấp, công tác phòng chống bệnh dại tại Việt Nam đã đạt kết quả nhất định, số tử vong do bệnh dại đã giảm xuống còn khoảng dưới 100 trường hợp tử vong/năm vào những năm 2010 trở lại đây.

Tuy nhiên, số tỉnh có ca bệnh dại không giảm và vẫn còn một số tỉnh, thành phố có số tử vong cao do dại. Từ đầu năm 2016 đến nay cả nước đã có 49 trường hợp tử vong xảy ra ở 20 tỉnh, thành phố.

Linh Phương