Cùng với dạy chữ, dạy nghề cần dạy cách làm người cho học sinh
Cả nước có 42 giáo viên được tuyên dương giáo viên tiêu biểu năm 2016 do trong đó có 25 cô giáo và 17 thầy giáo.
Người nhiều tuổi nhất là cô giáo Phan Hồng An, sinh năm 1962, giáo viên Trường THCS Phước Thể (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) và người trẻ tuổi nhất là cô giáo Quảng Thị Thúy Ngân, sinh năm 1991, giáo viên Trường mầm non Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh).
Người công tác tại đảo lâu năm nhất là cô giáo Nguyễn Thị Hợi, sinh năm 1966, giáo viên Trường Phổ thông cơ sở Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh với thời gian công tác trên đảo là 29 năm 7 tháng.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gặp mặt 42 giáo viên tiêu biểu vùng biển đảo tiêu biểu (Ảnh: Xuân Tùng) |
Tại đây, các thầy cô giáo vui mừng khi được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gặp mặt và chia sẻ những khó khăn, vất vả trong quá trình bám đảo gieo chữ nơi các xã đảo, huyện đảo của Tổ quốc.
Các thầy cô giáo mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo của đất nước.
Bày tỏ sự xúc động và tự hào khi được đón tiếp các thầy cô giáo, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh công tác giáo dục và đào tạo là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý của xã hội.
Đảng, Nhà nước luôn dành sự ưu tiên cho công tác giáo dục và xem giáo dục là quốc sách hàng đầu của đất nước. Mỗi năm, Nhà nước đã dành từ 20% trở lên ngân sách cho ngành Giáo dục.
Phó Chủ tịch nước cho biết, năm 1945, nước ta có đến 95% người mù chữ, số người được học và biết chữ chỉ có 5%.
Suốt quá trình hơn 70 năm qua, ngành Giáo dục đến nay có quyền tự hào khi đã phổ cập xong tiểu học, cơ bản hoàn thành phổ cập trung học cơ sở và một số địa phương đã tiến đến phổ cập trung học phổ thông.
Trong đó hệ thống trường, lớp phổ thông đã được quan tâm đầu tư; đội ngũ giáo viên đã được bồi dưỡng và tỷ lệ học sinh đến trường, lớp ngày càng cao.
Song song với hệ thống phổ thông, hệ thống cao đẳng, đại học đã được Đảng, Nhà nước quan tâm.
Hiện nay, cả nước có hơn 400 trường đại học, cao đẳng. Bình quân có trên 200 sinh viên/1 vạn dân. Đây là một sự phát triển vượt bậc của ngành Giáo dục so với 70 năm trước đây.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tin tưởng và mong muốn các thầy cô giáo tiếp tục yêu quý nghề, bám trường, tiếp tục dạy tốt học tốt để truyền con chữ, kiến thức góp phần nâng cao dân trí cho nhân dân cả nước, trong đó có vùng biển đảo.
Cùng với dạy chữ, dạy nghề cần dạy cách làm người cho học sinh. Mỗi giáo viên là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ học sinh.
Người thầy “gieo” chữ trên đảo Song Tử Tây cảm thấy hạnh phúc và may mắn
Tại buổi gặp, câu chuyện tình nguyện dạy học ở đảo xa của thầy giáo Lê Xuân Quyết, trở về từ quần đảo Trường Sa, khiến người nghe vô cùng ấn tượng.
Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Quyết gửi đơn tình nguyện xin ra quần đảo Trường Sa dạy học. Sau vài tháng chờ đợi, tháng 6/2013 thầy Quyết xách ba lô xuống tàu ra đảo Song Tử Tây (tỉnh Khánh Hòa) nhận công tác.
Thầy giáo Lê Xuân Quyết chia sẻ cảm xúc (Ảnh: Xuân Tùng) |
Khi đó, đảo không có trường riêng, lớp học chỉ là nhà tạm đơn sơ mượn của bộ đội.
Không có quạt điện, học sinh ngồi học mồ hôi nhễ nhại, vừa học vừa lau mồ hôi lăn trên trán, nhưng ánh mắt vẫn rạng ngời niềm say mê với con chữ.
Chia sẻ về bản thân, thầy Quyết kể những ngày đầu sống ở đảo, chưa thích nghi với sự khó khăn và thiếu thốn về vật chất, thiếu thốn tinh thần, thậm chí nhiều đêm nằm khóc thầm vì nỗi nhớ da diết người thân, gia đình nơi đất liền.
Nhìn lại chặng đường hơn 4 năm dạy chữ trên đảo Song Tử Tây cảm thấy hạnh phúc và may mắn.
Với thầy Quyết giờ đây đảo là nhà, các cán bộ chiến sỹ và nhân dân, học trò trên đảo là gia đình lớn.