South China Morning Post ngày 12/11 dẫn nguồn tin Reuters cho biết, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong tuần tới sẽ đánh dấu cho một sự khởi đầu các nỗ lực của Trump thu hút sự hỗ trợ của Nhật Bản, chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á.
Trong bối cảnh một Trung Quốc đang trỗi dậy còn CHDCND Triều Tiên thì hung hăng hơn, trước phát biểu đòi Nhật Bản trả thêm tiền cho lính Mỹ đồn trú tại nước này, Trump đã khiến Nhật Bản lo lắng về độ an toàn của liên minh Nhật - Mỹ.
Tuy nhiên, một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc và một lời kêu gọi Nhật Bản đóng vai trò an ninh lớn hơn trong cuộc gặp Trump - Abe sẽ phù hợp với chính sách của Thủ tướng Nhật Bản, trong đó bao gồm việc cho phép quân đội Nhật hoạt động tự do hơn ở nước ngoài.
Dư luận Trung Quốc hả hê rằng, "chú hề" Donald Trump thắng cử có lợi cho họ hơn bà Hillary Clinton, ảnh: Andy Wong / AP. |
Shinzo Abe sẽ gặp Donald Trump ở New York vào thứ Năm tới trước khi sang Peru dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Một cố vấn của Trump xin giấu tên nói với Reuters, Trump đã tìm cách để Nhật Bản đóng một vai trò tích cực hơn ở châu Á.
Trong 100 ngày đầu tiên sau nhậm chức, Donald Trump sẽ tiếp tục nốt phần ngân sách đã được duyệt, trong đó có ngân sách quân sự bị cắt giảm, đồng thời chuẩn bị dự thảo chi tiêu ngân sách năm tài khóa tới, trong đó ông đề nghị tăng kinh phí xây dựng thêm hàng chục tàu chiến mới.
Cố vấn của Trump cho hay, động thái này sẽ giúp gửi thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh cũng như các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và đối tác khác về sự hiện diện của Mỹ ở châu Á trong thời gian dài.
Tuy nhiên các quan chức Mỹ hiện nay cảnh báo rằng, cho dù có tiền cũng không thể xây dựng các tàu chiến mới chỉ qua một đêm. Kể cả có tàu chiến mới, cũng phải có thời gian để đào tạo thủy thủ.
Nói bao giờ cũng dễ hơn làm, việc thuyết phục Quốc hội Mỹ chi thêm tiền cho quân sự không phải việc đơn giản, ngay cả khi đảng Cộng hòa kiểm soát cả lưỡng viện.
Cố vấn của Trump nói rằng, Tổng thống đắc cử muốn xoa dịu những "lo ngại vô căn cứ" của ông Shinzo Abe và tái khẳng định cam kết liên minh của họ.
Còn Thủ tướng Shinzo Abe biết rất ít về Trump. Ông hy vọng thông qua cuộc gặp tại New York tuần tới để xây dựng một mối quan hệ. [1]
Dư luận Trung Quốc hả hê vì "chú hề" Donald Trump chiến thắng
John Pomfret, một cựu phóng viên The Post tại Trung Quốc, tác giả một cuốn sách sắp xuất bản về quan hệ Mỹ - Trung từ 1976 đến nay hôm 11/11 bình luận trên The Washington Post cho biết, ông được mời tham gia một cuộc tọa đàm trên đài Phượng Hoàng, Hồng Kông, Trung Quốc về chủ đề bầu cử Tổng thống Mỹ thứ Tư tuần qua.
Mặt Trời vẫn mọc vào buổi sáng |
Ông cảm thấy rõ nềm sung sướng từ dư luận Trung Quốc về chiến thắng của Donald Trump mà truyền thông nước này quen gọi là "chú hề". Donald Trump được sử dụng làm ví dụ để chứng minh, nền chính trị Trung Quốc vẫn là ưu việt.
Đằng sau niềm vui sướng ấy, hầu hết các nhà phân tích Trung Quốc hoặc các nhà cựu ngoại giao nước này đều "phấn khởi" tin rằng, chính quyền Trump sẽ phải nhường lại Thái Bình Dương cho Trung Quốc, hạ cấp liên minh với Nhật, Hàn và ngừng đe dọa đánh thuế các mặt hàng nước họ.
Nhiều người trong chính phủ Trung Quốc không ưa Hillary Clinton, vì bà cựu Ngoại trưởng đã từng chỉ trích chính sách 1 con của Trung Quốc, là tác giả chiến lược tái cân bằng của Mỹ sang châu Á trong chính quyền Obama.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, quả thật Donald Trump có từng đe dọa xem lại liên minh với Mỹ - Hàn, các nhà phân tích Trung Quốc đã hý hửng với viễn cảnh một cuộc triệt thoái của Hoa Kỳ khỏi châu Á.
Nhưng hôm thứ Tư tuần qua, Donald Trump lên tiếng trấn an bà Park Geun-hye rằng, Mỹ sẽ bảo vệ Hàn Quốc khỏi bất kỳ cuộc tấn công nào từ CHDCND Triều Tiên.
Trump cũng đã đồng ý gặp ông Shinzo Abe vào tuần tới tại New York, tuyên bố sẽ trang bị thêm 70 chiến hạm tiên tiến cho hải quân Mỹ.
Nhân sự dự kiến cho Bộ trưởng Hải quân tiếp theo là Randy Forbes, ông ủng hộ tăng ngân sách quân sự và chống bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuần này, hai trong số các cố vấn thân cận của Trump trong chiến dịch tranh cử, một Giáo sư kinh tế tên là Peter Navarro nổi tiếng vì chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc, cùng với Alexander Gray, cố vấn của Forbes đã viết trên tạp chí Foreign Policy cho rằng, chính quyền Obama đã không đủ cứng rắn với Trung Quốc.
Hai ông cũng loan báo, Tổng thống Donald Trump sẽ theo đuổi chính sách "hòa bình thông qua sức mạnh" ở châu Á. Navarro và Gray gọi chiến lược "xoay trục" của Obama là thùng rỗng kêu to, đồng thời cam kết sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn với các hành động leo thang ở Biển Đông và Hoa Đông.
Michael Pillsbury, một cựu quan chức Bộ Quốc phòng làm cố vấn cho Trump cũng cáo buộc, chính quyền Obama đã bị Bắc Kinh lừa và đưa ra những gì ông tuyên bố là một âm mưu của Trung Quốc hòng thống trị toàn cầu. [2]
Cá nhân người viết cho rằng, những thông tin từ các cố vấn của Donald Trump liên quan đến chính sách mới của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ là đáng quan tâm, tham khảo.
Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý, Donald Trump là một doanh nhân thành đạt và sành sỏi trước khi bước lên vũ đài chính trị toàn cầu, cho nên thiên hướng chính sách của ông ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tư duy "chi phí tối thiểu, lợi nhuận tối đa."
Và là một tỉ phủ hàng đầu thế giới, chắc chắn Donald Trump sẽ tìm cách giữ túi tiền của mình cũng như của nước Mỹ, cho nên chiến tranh hay xung đột, đối đầu không phải là lựa chọn của ông.
Vì vậy các diễn biến tiếp theo trên Biển Đông nói riêng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung sẽ còn phải quan sát thêm từ nhiều khía cạnh và góc độ.
Tài liệu tham khảo: