Nhuộm đỏ "linh hồn mâm lễ cưới" bằng phẩm không nguồn gốc

13/10/2011 11:03
Bài, ảnh: Phương - Nguyên
(GDVN) - Nhìn những mâm lễ ăn hỏi cao ngất với bánh xu xê xanh, đỏ tươi rói... sẽ ít ai ngờ rằng, sắc màu bắt mắt ấy có được là nhờ phẩm màu...
“Chỉ cần cho một ít phẩm này cho vào nước rồi hòa tan, tùy vào độ màu mình thích mà điều chỉnh cho phù hợp”, vừa đưa gói bột màu đỏ hoa hiên được buộc sơ sài trong núi nilon trắng, chị chủ cửa hàng tạp hóa, buôn bán các loại hóa chất dặn dò khi phóng viên hỏi mua phẩm nhuộm về làm bánh xu xê.

"Thích bánh màu nào có màu đó
"

Bánh xu xê từ lâu được xem là linh hồn của nhiều mâm lễ ăn hỏi của người dân Hà Thành. Vì thế, cứ vào mùa cưới, dốc Hàng Than (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại nhộn nhịp khách ra vào. Bên cạnh bánh cốm, đa phần khách đến đặt mua bánh xu xê để bày trên bàn thờ tổ hoặc làm mâm lễ vật chạm ngõ nhà gái trước ngày vu quy. Màu đỏ đặc trưng của bánh xu xê rất phù hợp với lễ hội, đình đám, cưới hỏi.

Chị An, quản lý bán hàng của tiệm bánh trên phố Hàng Than cho biết:  Những ngày đẹp trời, cửa hàng chị nhận trên dưới 10 đơn đặt hàng, trong đó, mỗi đơn ngót nghét khoảng 3 triệu đồng cho dịch vụ trọn gói đám cưới, hỏi.

Tuy nhiên, nếu có dịp đi đặt mua bánh xu xê, khi cầm trên tay những chiếc bánh màu xanh, đỏ tươi rói, không ít khách hàng sẽ băn khoăn: Màu đỏ bắt mắt của bánh có được từ đâu?
Bánh xu xê có mặt tại hầu hết các cửa hàng ở phố Hàng Than (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Bánh xu xê có mặt tại hầu hết các cửa hàng ở  phố Hàng Than (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đặt câu hỏi thẳng thắn về việc: "Có hay không phẩm nhuộm màu trong bánh xu xê xanh, đỏ...?", phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam không khỏi bất ngờ khi được những người làm bánh lâu năm tại Đình Bảng (Bắc Ninh), làng nghề làm bánh xu xê truyền thống, không hề giấu diếm khi cho biết: Màu vàng nhẹ của bánh phu thê (cùng “họ” với bánh xu xê) là màu tự nhiên được làm từ bột nếp và nước của quả dành dành, còn để tạo ra màu đỏ của bánh xu xê thì bắt buộc phải dùng... phẩm màu.

Trước thắc mắc của phóng viên "Loại phẩm này liệu có độc hại không?”, chẳng cần suy nghĩ, bác B - người có thâm niên làm bánh xu xê ở làng Đình Bảng gật đầu khẳng định chắc nịch: “Độc chứ!”. Theo bác B: “Làng chúng tôi hầu như không ai dám sản xuất loại bánh xu xê này, chỉ có trên Hà Nội thôi!”.

Theo chỉ dẫn của bác B., chúng tôi trở về Hàng Than – con phố chuyên cung cấp tất cả các dịch vụ, đồ dùng phục vụ cho đám cưới. Tại đây, hầu hết các quán bán hàng đều kiêm luôn khâu sản xuất các loại bánh khác nhau, bao gồm từ bánh cốm cho tới bánh xu xê, phu thê,… phục vụ dịch vụ cưới, hỏi.

“Em thích loại nào thì sẽ có loại đó, số lượng bao nhiêu cũng có. Thích màu nào, chị cho màu ấy. Giá tiền giống nhau: 5.000 đồng/chiếc”, chủ một quán trên phố Hàng Than mời chào khi thấy chúng tôi có nhu cầu đặt bánh cho lễ cưới sắp đến gần.
Bánh xu xê có thể có màu xanh hoặc đỏ tùy sở thích của gia chủ đặt hàng.
Bánh xu xê có thể có màu xanh hoặc đỏ tùy sở thích của gia chủ đặt hàng.
Khá niềm nở trong khâu chào hàng nhưng khi phóng viên ngỏ ý muốn xem nơi sản xuất, gương mặt người chủ quán lại trở nên cau có và khó chịu. Chị nói: “Ai cũng muốn giữ khách, chứ có phải làm một lần rồi để khách sợ mà bỏ đi đâu. Chị làm, chị đảm bảo về chất lượng còn vào xưởng thì chị không cho vào”. Rồi cũng bằng thái độ gắt gỏng, chị gằn giọng: “Em hỏi ở nhà ai cũng thế thôi, ai người ta cho em vào xưởng xem. Trừ phi em có giấy phép của cơ quan ban ngành được phép kiểm tra”.

Hậu trường ngổn ngang của một lò bánh xu xê

Đến một gia đình khác cũng làm nghề sản xuất bánh tại Hàng Than, chúng tôi được biết: Hạn sử dụng cho các loại bánh xu xê này là 4 ngày. Tuy nhiên, trong lô hàng mà gia đình anh Nguyễn L. đang chuẩn bị chuyển đi cho khách hàng, nhãn mác bao bì lại không hề ghi ngày sản xuất.

“Ghi hạn sử dụng nhưng lại không dán mác cụ thể ngày sản xuất thì còn ý nghĩa gì nữa, làm sao tôi biết sử dụng trong 4 ngày là kể từ ngày nào?”, anh Nguyễn Quốc Huy (Thanh Xuân, Hà Nội) – đang đi đặt bánh cưới thắc mắc khi cầm trên tay chiếc bánh sắp tung ra ngoài thị trường.
Lô bánh xu xê này chuẩn bị chuyển giao cho khách hàng nhưng trên bao bì sản phẩm chi ghi "hạn sử dụng bánh trong 4 ngày" nhưng hoàn toàn không có ngày sản xuất.
Lô bánh xu xê này chuẩn bị chuyển giao cho khách hàng nhưng trên bao bì sản phẩm chi ghi "hạn sử dụng bánh trong 4 ngày" nhưng hoàn toàn không có ngày sản xuất.

Trong khi đó, theo ý kiến của những người dân làng Đình Bảng (Bắc Ninh): “Thông thường, bánh phu thê truyền thống của chúng tôi được bọc ngoài bằng lớp vỏ lá chuối, bảo quản cho bánh được sử dụng lâu, ngon và dẻo hơn. Còn bánh xu xê phần lớn là bọc bằng giấy bóng, kín và sẽ bốc hơi, có thể khiến bánh bị đọng nước bên trong, rất dễ hỏng”. Chính vì vậy, người dân Đình Bảng nghi ngờ và không khỏi băn khoăn khi phán đoán rằng: Bánh xu xê có thể sử dụng chất bảo quản để kéo dài thời gian sử dụng.

Thực hư về vấn đề này chưa được ai dám khẳng định là có hay không, tuy nhiên, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt phóng viên trong một lần "đột nhập" vào lò sản xuất bánh xu xê của  gia đình chị H. trên phố Hàng Than, đó là cảnh bừa bộn và bẩn thỉu.
"Hậu trường" lò sản xuất bánh xu xê nhà chị H. trên phố Hàng Than (Hà Nội).
"Hậu trường" lò sản xuất bánh xu xê nhà chị H. trên phố Hàng Than (Hà Nội).
Đồ dùng làm bánh được vất ngổn ngang, bừa bộn.
Đồ dùng làm bánh được vất ngổn ngang, bừa bộn.
Không gian ẩm thấp, bẩn thỉu là cảm nhận chung của những ai đã trực tiếp "viếng thăm" lò sản xuất này.
Không gian ẩm thấp, bẩn thỉu là cảm nhận chung của những ai đã trực tiếp "viếng thăm" lò sản xuất này.
Nếu tận mắt chứng kiến căn phòng ẩm thấp, nơi hàng ngày cho ra lò hàng trăm chiếc bánh thơm ngon, bắt mắt chắc người tiêu dùng sẽ không khỏi ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Bát đĩa, túi ni lông, nồi nấu và các vật dụng khác được đặt ngổn ngang trong một không gian chật hẹp và ẩm thấp. Nền nhà nhớp nháp, trên đó đặt nhiều chai lọ khác nhau mà ít ai biết bên trong đó có những phụ gia gì. Phía bên phải của căn phòng là nhà vệ sinh đang he hé cánh cửa, bốc lên một mùi nồng nồng, khó chịu.

“Tôi dám chắc rằng, sẽ không ai dám ăn bánh xu xê hay bánh cốm nữa khi nhìn thấy cảnh này”, anh bạn đồng nghiệp của tôi vừa nói vừa nhanh chóng quay ra khỏi lò sản xuất bánh của chị H.

Phẩm nhuộm bánh xu xê: 20.000 đồng/kg

Những tưởng màu đỏ của bánh xu xê được tạo nên bởi màu thực phẩm – phụ gia được phép sử dụng trong lĩnh vực ăn uống của Bộ Y tế như lời hứa của các chủ sản xuất bánh, nhưng khi chúng tôi hỏi các chủ buôn trên phố Hàng Buồm, họ đều đon đả mời chào loại phẩm màu không hề có nhãn mác và made in… Trung Quốc.

Thấy có người hỏi mua phẩm nhuộm màu bánh xu xê, chị T.T vội vàng quay sang nhắc nhân viên làm thuê lấy ở trong nhà ra loại hóa chất có màu đỏ tươi bắt mắt. Loại phẩm này không hề được đặt trên kệ bày bán công khai như nhiều loại phụ gia khác mà được giấu kín trong chiếc bao tải con, được cất giữ kín dưới ngăn tủ sâu trong nhà chị T.

Nhìn túi màu không hề có nhãn mác, phóng viên yêu cầu được xem thông tin trên vỏ hộp nhưng người bán hàng xua tay: "Không có".

Theo chị: Nếu lấy vỏ sẽ phải trả thêm tiền nhưng ở đây chỉ là vỏ hộp để đựng thông thường, chứ không phải vỏ bao bì của chính sản phẩm. Hỏi ra mới biết: Loại phụ gia này được mua về từ Trung Quốc và chỉ được gói sơ sài trong những lớp giấy bóng, hoàn toàn không hề có hướng dẫn sử dụng cũng như hạn dùng, ngày sản xuất,… người tiêu dùng tuyệt nhiên không biết chút thông tin gì về nơi sản xuất.
Bột phẩm màu làm bánh xu xê được gói sơ sài trong túi bóng trắng, không nhãn mác, bao bì, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bột phẩm màu làm bánh xu xê được gói sơ sài trong túi bóng trắng, không nhãn mác, bao bì, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chị T. cho biết: Với giá tiền 20.000 đồng/kg, đây là loại phụ gia phổ biến nhất mà những người làm bánh xu xê thường hay dùng. Bình thường, những người làm bánh truyền thống có thể dùng nước của quả dành dành để tạo ra màu sắc tự nhiên, những người làm bánh cốm đích thực có thể dùng nước lá chuối để làm nên màu xanh ưng ý nhưng với bánh xu xê được làm từ bột nếp hoặc bột dong, người sản xuất buộc phải dùng phẩm màu “hô biến” từ màu trắng trong suốt thành màu đỏ bắt mắt.

“Chỉ cần cho một ít phẩm này cho vào nước rồi hòa tan. Tùy vào mức độ màu mình thích mà điều chỉnh cho phù hợp”, vừa đưa gói bột màu đỏ hoa hiên được buộc sơ sài trong núi nilong trắng, chị chủ cửa hàng tạp hóa, buôn bán các loại hóa chất trên phố Hàng Buồm không quên dặn dò, hướng dẫn chúng tôi.

Trước đó, khi trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu dùng phải phẩm màu không an toàn, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện công nghệ thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã bày tỏ sự lo lắng: Nếu phẩm màu ngoài danh mục cho phép với những dư lượng kim loại nặng tồn đọng có thể gây hậu quả di truyền, biến dị xấu về gen cho những thế hệ sau.

“Nếu ăn phải thực phẩm có phẩm màu công nghiệp có thể gây độc thực phẩm cấp tính, ung thư, gây tổn thương gan, thận cho người sử dụng” - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh ái ngại.

Việc bày bán tràn lan các loại phụ gia không rõ nguồn gốc và việc kinh doanh, làm ăn gian dối của một số cơ sở sản xuất đã và đang từng bước đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TP.Hồ Chí Minh cũng từng nhắc nhở: Người tiêu dùng khi đi mua sắm hay lựa chọn đồ ăn, thức uống cho gia đình nên tránh những loại thực phẩm có màu mè bắt mắt, hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng.

“Hãy dùng nguồn thực phẩm tự nhiên với màu sắc tự nhiên”, đó là lời khuyên của không ít các chuyên gia y tế, chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bài, ảnh: Phương - Nguyên