LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông tổng kết tình hình, đánh giá cục diện Biển Đông sau Phán quyết Trọng tài ngày 12/7 và khả năng diễn biến trong thời gian tới. Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này.
Hiện nay trong dư luận đang rất quan tâm và đã đưa ra những phân tích, bình luận, dự báo khác nhau về tình hình Biển Đông hậu Phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS1982.
Sau đây là các tình huống và những phân tích, đánh giá các tình huống đã, đang và có thể sẽ diễn ra trong Biển Đông dưới góc nhìn cá nhân của người viết.
1. Biển Đông “nóng” lên hay “ nguội” đi, tại sao?
Nhiều ý kiến cho rằng, để đối phó với những bất lợi, khó khăn trên phương diện pháp lý, ngoại giao, đặc biệt là tình trạng chia rẽ, phân hóa nội bộ xã hội Trung Quốc sau Phán quyết Tòa Trọng tài 12/7/2016, lãnh đạo Trung Quốc có thể tính đến việc tăng cường các hoạt động tại thực địa, như:
Đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, xây dựng đảo nhân tạo ở Scarborough như đã làm ở Trường Sa. Chẳng hạn, gần đây nhất, dư luận hết sức quan ngại về động thái Trung Quốc đang tập trung lực lượng, phương tiện đên khu vực Scarborough.
Hôm 4/9, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, máy bay của không quân nước này đã phát hiện số lượng tàu thuyền Trung Quốc xuất hiện ở Scarborough:
"Chúng tôi phát hiện 4 tàu hải cảnh và 6 chiếc tàu khác bao gồm sà lan hoạt động gần bãi cạn Scarborough. Sự xuất hiện của nhiều tàu thuyền bên cạnh tàu hải cảnh là điều vô cùng đáng quan ngại"…
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sự xuất hiện của các loại phương tiện, tàu thuyền của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough vào thời điểm này?
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. |
Phải chăng đây là dấu hiệu khởi đầu cho một chiến dịch, được mang tên là “động thủ” trong Biển Đông hậu Phán quyết Tòa Trọng tài 12/7/2016 theo lời đe dọa của Chủ tịch Tập Cận Bình, hay đây chỉ là diễn biến tất yếu của một kế hoạch chiến lược đã được tính toán từ lâu của Trung Quốc?
Nhất là kể từ khi Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh để đẩy Philippines ra khỏi bãi cạn Scarborough, một trong số 3 vị trí chiến lược của thế trận “chân vạc” trong Biển Đông mà Trung Quốc đã tính toán tạo lập, bằng việc sử dụng sức mạnh để chiếm đóng và bồi lấp giống như ở khu vực 6 thực thể nằm ở phía Tây- Bắc Trường Sa trong mấy năm qua?
Thậm chí, có người không loại trừ phương án manh động hơn, Trung Quốc sẽ đánh chiếm một số thực thể ở Trường Sa. Điều này gây ra một phản ứng tâm lý rất tiêu cực, co cụm lại trong dư luận của các nước liên quan ở Biển Đông.
Vì họ cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài là nguyên nhân làm tình hình Biển Đông nóng hơn trước, Trung Quốc leo thang liều lĩnh hơn trước và có thể có những hành động không ai đoán trước được…
Liệu tình huống này có khả năng xảy ra hay không, và liệu Trung Quốc có tiếp tục leo thang lấy cớ Phán quyết này đã gây bất lợi, cho nên buộc họ phải “động thủ”?
Câu trả lời là phải xuất phát từ thực trạng về thế và lực của Trung Quốc cũng như Hoa Kỳ, khi triển khai chiến lược của họ trong cuộc cạnh tranh địa- chính trị, địa- chiến lược, địa- kinh tế... tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương, nhất là khu vực Biển Đông.
Năm 1974, 1988, 1995 họ cất quân xâm lược Hoàng Sa và một phần Trường Sa của Việt Nam, rồi năm 2012 họ chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines, năm 2014 họ cắm giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Nguyên nhân của các sự kiện này chắc chắn không phải là do phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế chống lại họ, vì vào những thời điểm này làm gì có phán quyết nào về Biển Đông.
Thực tế này cho thấy, khi nào các nước nhỏ trong khu vực Biển Đông gặp nhiều khó khăn, thách thức… trong khi các cường quốc khác như Mỹ, Nga ít để mắt đến khu vực Biển Đông vì điểm nóng khác, là Bắc Kinh tranh thủ chiếm thêm, lấn thêm.
Năm 1974 Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, Hạm đội 7 Hoa Kỳ án binh bất động. Năm 1988 Trung Quốc xâm lược Gạc Ma, hải quân Liên Xô đóng tại Cam Ranh cũng cửa đóng then cài.
Năm 2012, khi Trung Quốc huy động lực lượng tranh chấp Scarborough, Mỹ đã không những không làm tròn nghĩa vụ của mình với tư cách là một đồng mình chiến lược của Philippines, mà ngược lại đã tạo “điều kiện” cho Trung Quốc dễ dàng thâu tóm quyền kiểm soát bãi cạn này từ tay Philippines….
Do đó, có thể thấy khi nào các bên liên quan mạnh lên, có sự đoàn kết thống nhất cao, có sự can thiệp từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước lớn có ảnh hưởng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Australia, Ấn Độ hay Nga… thì Trung Quốc không thể hành động liều lĩnh được.
Nhưng khi nào chúng ta yếu, nội bộ mâu thuẫn, các nước lớn bị cuốn vào điểm nóng khác mà sao nhãng Biển Đông, thì khi đó là thời cơ thuận lợi cho Trung Quốc ra tay.
Biển Đông nóng là bởi nơi đây hội tụ nhiều lợi ích địa - chiến lược của các siêu cường, chứ không phải bởi vì Philippines hay Việt Nam, Malaysia, Indonesia…
Bởi vậy các nước nhỏ buộc phải có những phương án thích hợp và hiệu quả nhất để chống lại mọi hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng trong khu vực và quốc tế do phía Trung Quốc gây ra trong Biển Đông.
Theo đó trong tình thế hiện nay, Trung Quốc có thể chưa thật sự ra tay “ động thủ” bởi vì:
Mặt Trời vẫn mọc vào buổi sáng |
Thứ nhất: Có một thực tế mà ngay cả những người Trung Quốc thuộc phái “diều hâu” cũng phải dè chừng. Đó là nếu chiển tranh xảy ra vào thời điểm hiện nay thì sẽ không có ai chiến thắng cả.
Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ không thể thắng được cho dù họ có tiềm lực kinh tế, quân sự vượt trội đên đâu. Sức mạnh của ý chí buộc phải chiến đấu vì chính nghĩa và sức mạnh hủy diệt của vũ khí tối tân sẽ đấy nhân loại vào một cuộc chiến tranh hủy diệt, tàn khốc.
Đúng như phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại chương trình Đối thoại Singapore lần thứ 38 do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức: "Nếu chúng ta cho phép bất ổn xảy ra, đặc biệt là trong trường hợp xung đột vũ trang, sẽ không có người thắng hay kẻ thua, mà tất cả đều sẽ thua".
Thứ hai: Bối cảnh chính trị, thế và lực của các nước nhỏ trong khu vực Biển Đông ở thời điểm hiện tại, mong muốn duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của hầu hết các quốc gia trong và ngoài khu vực là nhân tố ngăn chặn chiến tranh.
Trước mắt các nước này đều nhận thấy, cần tận dụng và khai thác tối đa Phán quyết Trọng tài ngày 12/7/2016 cho đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao để tránh đi những nguy cơ xung đột, đối đầu.
Bởi vì hiện nay thế giới vẫn chưa có một cơ chế thi hành án bắt buộc bên thua cuộc trong một vụ án đã được cơ quan tài phán quốc tế ra phán quyết.
Cho nên, dù bên thắng cuộc hay các bên liên quan khác có cố sức lên án, kêu gọi, gây sức ép dư luận… cũng không làm cho Trung Quốc tự giác chấp hành ngay, và cũng không thể làm cho hiệu lực pháp lý của phán quyết tăng lên hay giảm đi.
Vì vậy, cách ứng xử thích hợp là khai thác giá trị của Phán quyết Trọng tài ngày 12-7 như là một mẫu số chung, làm chỗ dựa củng cố nhận thức của các bên liên quan ở Biển Đông, cũng như dư luận khu vực và quốc tế.
Đó chính là yếu tố rất quan trọng để cho các giải pháp chính trị, ngoại giao có thể phát huy được hiệu quả đích thực của chúng vào thời kỳ hậu Phán quyết Tòa Trọng tài lịch sử này.
Tất nhiên phán quyết này không phải chìa khóa vạn năng cho mọi tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền, nhưng chí ít trong bối cảnh phức tạp hiện nay, đó chính là điểm hội tụ, gắn kết các bên để đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Vì vậy, các nước lớn, các tổ chức quốc tế có một vai trò rất lớn, nếu không muốn nói là quyết định về những diễn biến phức tạp hiện nay của khu vực và quốc tế.
Vai trò đó không thể chỉ dừng lại ở những tuyên bố quan tâm, quan ngại mà phải có những hành động cụ thể hơn, tích cực hơn, mạnh mẽ hơn.
Trước hết, phải thống nhất tiếng nói và hành động để đảm bảo thượng tôn pháp luật, cả ở trên các diễn đàn chính trị, pháp lý, lẫn cả bằng những hành động thực tế.
Cụ thể, thiết thực nhất là các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, G7, G20, ASEM, APEC, ASEAN…nên nhanh chóng thống nhất phương án bổ khuyết cho cơ chế và biện pháp thi hành án để buộc các bên phải thi hành phán quuyết của các cơ quan tài phán quốc tế…
Trong khi chưa có được cơ chế đó, Liên Hợp Quốc nên tính đến việc áp dụng một giải pháp “cứng rắn” hơn thuộc thẩm quyền của mình, để gây sức ép đối với Trung Quốc, không dể cho Bắc Kinh tự tung tự tác…
2. Nhân tố có ý nghĩa quyết định còn phụ thuộc vào phương thức ứng xử của các nước có liên quan trực tiếp trong khu vực Biển Đông.
Trong đó, không thể không nói đến vai trò của Cộng hòa Philippines, là quốc gia ven Biển Đông có các quyền và lợi ích đã bị Trung Quốc xâm hại, vi phạm.
So sánh ông Lý Hiển Long với ông Rodrigo Duterte là khập khiễng |
Philippines là một đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ, một thành viên của ASEAN luôn đi tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại yêu sách phi lý của Trung Quốc trong Biển Đông.
Cũng chính Philippines là bên nguyên, giành thắng lợi tuyệt đối trong vụ kiện Trọng tài Biển Đông. Đặc biệt là năm 2017, Philippines sẽ đảm nhiệm chức danh Chủ tịch luân phiên Diễn đàn ASEAN.
Tuy nhiên, hiện nay trong dư luận có không ít quan điểm cho rằng những phát biểu của Tổng thống đương nhiệm, ông Rodrigo Duterte, là một sự xuống thang, “xoay trục về Trung Quốc”, thậm chí là "đầu hàng Trung Quốc", gây khó khăn cho Việt Nam và thậm chí sẽ gây chia rẽ sâu sắc ASEAN.
Liệu những đánh giá như vậy có đúng không?
Để có thể đánh giá thái độ của Philippines đối với Trung Quốc trong thời gian gần đây mà dư luận cho là đang chuyển “từ cứng sang mềm”, có lẽ chúng ta nên nghiên cứu một cách thận trọng và toàn diện chiến lược, sách lược của họ trước những diễn biến đã và đang xảy ra tại các khu vực nóng trên thế giới, nhất là khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Cụ thể chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá về kết quả hội đàm thượng đỉnh Rodrigo Duterte –Tập Cận Bình và những diễn biến trên thực địa tiếp sau chuyến “công du” đầy “tai tiếng”của ông Duterte:
Thứ nhất, không thấy có bất cứ nội dung nào trong các văn bản đã ký kết được công bố công khai phủ nhận Phán quyết của Tòa Trọng tài 12/7 theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982.
Việc hai nước thành lập một Ủy ban hợp tác song phương về hàng hải là một bước đi tích cực tìm cách tháo gỡ dần dần các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông theo thứ tự dễ trước, khó sau.
Thứ hai, ông Rodrigo Duterte vẫn khẳng định: về Biển Đông hai bên sẽ đàm phán sau, nhưng không ngoài khuôn khổ Phán quyết Trọng tài mà nội dung được thể hiện trên một (số) "tờ giấy".
Phán quyết Trọng tài chỉ là vấn đề thứ yếu trong nghị trình hội đàm với ông Tập Cận Bình, không có nghĩa là Điện Manacanang xem thường, hay thậm chí có khả năng vứt bỏ Phán quyết Trọng tài, thắng lợi của chính họ.
Thứ ba, vụ kiện của Philippines đã kết thúc và thắng lợi vang dội thuộc về Philippines. Vấn đề tiếp theo là làm thế nào để thực thi nó, trong khi không có cơ chế nào để buộc Trung Quốc thi hành.
Trong bối cảnh đó, đối thoại và tiếp tục đàm phán là lựa chọn phù hợp hơn cả. Vì Mỹ cũng chẳng ép nổi Trung Quốc "khoanh tay nhận thua" sau Phán quyết Trọng tài. Đàm phán sẽ là bước đi tiếp nối Phán quyết Trọng tài, chứ không có nghĩa là chống lại nó, phủ định nó.
Như vây, dù chỉ là những tín hiệu lạc quan ban đầu, nhưng Biển Đông có thể sẽ ổn định hơn sau chuyến thăm của ông Rodrigo Duterte đến Bắc Kinh.
Bởi lẽ: Trung Quốc không có cớ và cũng không “dại” gì có những hành động khiêu khích ngoài thực địa khi quan hệ với Manila khó khăn lắm mới được “cải thiện” theo hướng “có lợi”, để lãnh đạo nước này phân bua với dư luận trong nước và quốc tế, vốn đã bị mê hoặc bởi những lập luận “mị dân”, thiếu khách quan, minh bạch của họ .
Thứ 4, những dự đoán đầy quan ngại về tình hình Biển Đông như đã nêu ở trên chưa thấy xảy ra sau chuyến “công du” Trung Quốc của ông Duterte.
Ngược lại, ngư dân Philippines tiếp tục ra khu vực biển Scarborough để đánh bắt cá mà không bị các tàu Hải cảnh Trung Quốc ngăn cản, quấy phá như trước đây.
Các vụ bắt bớ, ngăn cản hoạt động của ngư dân Việt Nam dường như không xẩy ra trắng trợn như trước đây. Các tàu chiến, máy bay quân sự của Trung Quốc dường như ít xuất hiên ở các khu vực nhạy cảm.
Không còn hoạt động khiêu khích của tàu cá, tàu hải cảnh Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Malaysia hay Indonesia như trước…
Tuy nhiên, những biễn biến nói trên chỉ là sự điều chỉnh sách lược ứng xử trong quan hệ của cả Philippines lẫn Trung Quốc mang tính thực dụng, phù hợp với tương quan lực lượng hiện nay.
Còn về chiến lược thì không hề thay đổi: Trung Quốc vẫn tìm mọi cách, lợi dụng mọi cơ hội để rút ngắn con đường vươn lên trở thành siêu cường khu vực và quốc tế mà trước hết phải khống chế, để tiến tới độc chiếm Biển Đông.
Philippines thì tìm cách lách giữa 2 “làn đạn”, làm sao vừa bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp, vừa khai thác tối đa các điều kiện hợp tác về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng nhằm phục vụ cho quốc gia, dân tộc thích hợp với bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay.
Như vậy, có thể thấy, về ngắn hạn, xuất phát từ những hoàn cảnh khách quan và chủ quan, các bên tạm thời có những điều chỉnh về sách lược có lợi nhất cho họ.
Tình huống này cũng sẽ diễn ra kể cả khi Philippines đảm đương chức vụ Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm tới. Và như vậy, chúng ta hy vọng và tin tưởng Philippines với vai trò Chủ tịch, sẽ tìm cách lái con thuyền Biển Đông vượt qua được trận “cuồng phong” đến từ Hoa lục.
Nếu theo chiều hướng đó, tình hình Biển Đông tạm thời lắng dịu, khả năng đụng độ vũ lực ít xảy ra, thay vào đó là những mũi tấn công, thủ đoạn “mềm” được áp dụng trên chiến trường Biển Đông.
Đó là những cuộc thương thảo về chính trị, ngoại giao, kinh tế...Trung Quốc tính toán sử dụng chiến thuật “củ cà rốt” thay cho “cái gậy” để phân hóa, mua chuộc và từng bước giành lấy sự mặc nhiên thừa nhận các yêu sách phi lý của họ trong Biển Đông.
Nhưng về lâu dài, mâu thuẫn cơ bản xuất phát từ động cơ chiến lược của các bên liên quan là không thể dung hòa được. Và khả năng xung đột vẫn luôn tiềm ẩn, rình rập trong Biển Đông một sớm một chiều.
Hơn ai hết, người Việt Nam đã luôn luôn sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xẩy ra. Rất nhiếu bài học lịch sử đã nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo, cảnh giác.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã dành ưu tiên cao nhất, tìm mọi cách, vượt qua mọi trở ngại, khó khăn trong quan hệ thăng trầm do lịch sử để lại để duy trì và củng cố mối quan hệ với Trung Quốc “ vừa đồng chí, vừa anh em” vì lợi ích chính đáng của 2 nước, cũng như vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển chung của khu vực và quốc tế.
Tất nhiên là phải dựa trên nguyên tắc đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên hết, coi trọng sự tồn vong của đất nước, của dân tộc như là lẽ sống mà mỗi người dân đất Việt sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ và giữ gìn bằng mọi giá, trong bất kỳ tình huống nào.