LTS: Năm nay, Bộ Giáo dục & Đào tạo có điều chỉnh việc thi môn văn học ở kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Trung học lấy điểm xét Đại học, Cao đẳng.
Dạng đề 180 phút giờ còn lại 120 phút, điều này có nghĩa yêu cầu đề thi và cách làm bài đối với các em học sinh có sự thay đổi.
Một trong những khó khăn nhất được đánh giá là phần nghị luận xã hội trong dự kiến đề thì mới.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc (Phó Hiệu trưởng, Trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) về vấn đề này.
Dạy nghị luận xã hội hay nhưng"xương xẩu"
Đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng từ năm 2009, trong kỳ thi Trường phổ Trung học Quốc gia 3 năm trở lại đây, được dư luận, giới chuyên môn đánh giá là khá hay, đậm hơi thở cuộc sống.
Đề thi văn học luôn nhận được sự quan tâm của dư luận (ảnh P.L giaoduc.net). |
Trên các diễn đàn báo chí cũng từng tốn khá nhiều bút mực xung quanh những cái đề thi ấy.
Là những người thầy cô giáo dạy văn, chúng tôi muốn chia sẻ thêm với bạn đọc về công việc dạy học về nghị luận xã hội ở nhà trường phổ thông hiện nay.
Học trò nên viết đoạn văn nghị luận 2017 như thế nào? |
Trao đổi về vị trí của phần nghị luận xã hội trong chương trình, sách giáo khoa, thầy Đoàn Văn Khánh, Tổ trưởng tổ văn, Trường Trung học Phổ thông số 2 Mộ Đức (Quảng Ngãi) cho biết:
“Thời chúng tôi học phổ thông trước năm 1975, hay gặp và làm những đề luận về xã hội trong cả thi học kỳ và thi hết cấp.
Đã có ngót 30 trong nghề dạy học, tôi thấy trong chương trình trước đây và cải cách, học sinh và thầy giáo đâu xa lạ gì với những bài học, bài dạy, câu hỏi, đề bài dạng nghị luận xã hội.
Bắt đầu từ năm 2006, trong chương trình mới ở bậc Trung học Cơ sở, chương trình phân ban bậc Trung học Phổ thông thì dạng nghị luận xã hội mới được đánh giá, quan tâm đầy đủ, đúng mức.
Trong sách giáo khoa từ lớp 6 tới lớp 12 ta bắt gặp rất nhiều hướng dẫn, đề bài, câu hỏi thuộc kiểu đó.
Các em cũng được thể hiện, thử sức mình đến 2 - 3 bài văn thuộc dạng đề mở trong từng năm học.
Trong chương trình, sách giáo khoa, dạng bài chuyên biệt và dạng câu hỏi, đề có liên quan đến nghị luận xã hội khá là phong phú, dồi dào, dường như đụng đâu cũng thấy.
Song thật tiếc, thời lượng, số tiết trên lớp để thầy giáo chỉ dẫn, học sinh rèn luyện về nghị luận xã hội, theo qui định chương trình còn khiêm tốn quá.
Ví dụ như ở lớp 12, tính ra cụ thể chỉ có 5 - 7 tiết mà thôi. Cái này Bộ Giáo dục & Đào tạo, người soạn chương trình cần xem xét lại theo hướng hợp lí giữa việc học và thi".
Đề thi minh họa Ngữ văn 2017 ngắn nhưng khó! |
Đánh giá về cách dạy phần nghị luận xã hội của giáo viên hiện nay, cô Nguyễn Thị Phương Lan, giáo viên môn Ngữ văn, trường Trung học Phổ thông Chư Sê (Gia Lai) chia sẻ:
"Sách phân ban hiện hành, biên soạn theo hướng tích hợp, ba phân môn: văn học, Tiếng Việt và tập làm văn gộp thành 2 quyển, tập 1 và 2 cho mỗi lớp.
Cải tiến này, có phần thuận tiện cho việc dạy và học. Trong ba phân môn đó, thì phần làm văn đối với người dạy là vất vả, khó nhọc hơn cả.
Nếu như cách dạy và học làm văn thuộc nghị luận văn học có cái "dễ thở" hơn với dạy và học văn dạng nghị luận xã hội.
Bởi, trong văn nghị luận xã hội gần như không có mẫu số chung, lại khá là mênh mông.
Muốn dạy văn nghị luận xã hội được hay, đòi hỏi thầy cô giáo phải chịu khó đọc, thu thập, tìm tòi.
Bởi các vấn đề của đời sống xã hội rất phong phú, đa dạng, dạy mà chỉ dựa vào cái trong sách không thôi, thì học sinh rất dễ chán nản.
Nghị luận xã hội, đúng là những bài học "xương xẩu", một trở ngại lớn, chẳng dễ gì vượt qua đối với các giáo viên thiếu nỗ lực, giáo viên mới bước và nghề.
Bản thân tôi cũng có những tiết dạy không thành công về nghị luận xã hội. Chắc chắn, nhiều giáo viên dạy văn cũng có cùng quan điểm, suy nghĩ như tôi ở trên."
Đề thi mới thách thức mới
Nghị luận xã hội trong đề thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2017 là một thử thách cho cà thầy và trò (ảnh giaoduc.net). |
Cũng liên quan đến dạy và học văn nghị luận xã hội, thầy giáo Nguyễn Ngọc Thái, tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường Trung học Phổ thông Đắc Mil (tỉnh Đắc Nông) chia sẻ:
“So nghị luận văn học, nghị luận xã hội, học sinh có phần dễ viết hơn.
Bởi ý tưởng về văn nghị luận xã hội là các vấn đề lại gần gũi, quen thuộc, thấm đẫm hơi thở cuộc sống xung quanh nên các em tự lực nghĩ và viết ra.
Rất hiếm có bài sao chép dạng văn mẫu, dạng thuộc lòng, như thường gặp trong nghị luận văn học.
Song việc chấm văn thuộc dạng xã hội ấy lại khó khăn, vất vả gấp bội.
Do đặc thù riêng của nó, nên giáo viên chúng tôi phải xem xét cận trọng, kỹ lưỡng hơn, tốn thời gian, công sức nhiều hơn".
10 năm qua kể từ khi câu hỏi, đề thi về nghị luận xã hội hiện diện đều đặn trong các đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.
Trong 3 năm nay, thi Trung học Phổ thông Quốc gia, Bộ Giáo dục & Đào tạo luôn yêu cầu viết thành 1 bài văn hoàn chỉnh với số lượng giới hạn từ 400 - 600 từ.
Thầy cô và các học sinh trong quá trình dạy và học đã quen, thích nghi với cách thức, quy định viết bài văn nghị luận xã hội như thế.
Nhưng kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng năm 2017 có điều chỉnh về thời gian làm bài đối với môn Ngữ Văn từ 180 phút rút xuống còn 120 phút.
Thời gian ít đi, câu nghị luận xã hội nay chỉ yêu cầu viết một đoạn văn với giới hạn chỉ 200 từ.
Giáo viên các trường Trung học Phổ thông lại bắt đầu định hướng, cho học sinh tiếp cận và thực hành theo yêu cầu mới này.
Đối với học sinh, nhiều khi viết dài, viết thành bài còn dễ hơn khi đòi hỏi viết ngắn, viết một đoạn.
Thầy cô giáo dạy môn Ngữ văn các trường Trung học Phổ thông lại than khó, vì thấy học sinh còn hạn chế, lúng túng nhiều.
Cấu trúc đoạn văn có 3 phần, mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn; xác định được ý khái quát ( câu chủ đề);
vận dụng kiến thức sách vở- đời sống; phối hợp nhuần nhuyễn các phương pháp, thao tác lập luận khác; diễn đạt mạch lạc, gãy gọn.
Với từng ấy thời gian và yêu cầu của đề thi đó là một thách thức mới cho giáo viên và học sinh trong dạy học văn học nghị luận xã hội để đáp ứng được yêu cầu kỳ thi mới.