Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao rất cao (đứng thứ 12 trong 20 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu), song hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn trong phòng chống bệnh.
Bệnh nguy hiểm
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với tính mạng cũng như sức khỏe người mắc bệnh khi nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn.
Nguy cơ mắc bệnh lao xảy ra đối với tất cả mọi người không miễn trừ một ai. Song bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm chữa đúng phương pháp và đủ thời gian.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2014, ước tính toàn cầu có khoảng 9,6 triệu người mắc lao, 13% trong số mắc lao có đồng nhiễm HIV.
Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,3 triệu người tử vong do lao, trong đó có khoảng 510.000 phụ nữ.
Con số tử vong này đã khiến bệnh lao trở thành một trong các bệnh gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Trong khi đó, tình hình dịch tễ lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp và đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia.
Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,3 triệu người tử vong do lao, trong đó có khoảng 510.000 phụ nữ. Ảnh minh họa: Linh Phương. |
Cho đến nay, bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng chính trên toàn cầu.
Việt Nam cũng vẫn nằm trong số quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 12 trong 20 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, mỗi năm trên toàn quốc có khoảng 130.000 bệnh nhân mắc lao mới. Đáng chú ý là dù đã có nhiều thành tựu trong kiểm soát bệnh lao, nhưng đến nay số người chết do lao ở nước ta mỗi ngày trung bình là 46 người.
30% bệnh nhân chưa được phát hiện
Nguyên nhân được chỉ ra là do chúng ta mới chỉ phát hiện được khoảng 70% số người mắc lao trong cộng đồng, còn 30% bệnh nhân lao chưa được phát hiện.
Tính riêng trong năm 2015, tổng số bệnh nhân lao các thể được phát hiện là hơn 100.000 người, trong đó có hơn 50.000 bệnh nhân lao phổi. Khu vực miền Nam có tỷ lệ người mắc lao phổi cao nhất cả nước.
Kiểm soát lao là mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng thế giới, tuy nhiên theo báo cáo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia cho biết, công tác phòng chống lao vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.
Lao đa kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp do sự gia tăng của y tế tư nhân thực hành điều trị chưa đạt chuẩn, diện bao phủ dịch vụ kiểm soát kháng lao còn thấp, nguồn lực cho lao đa kháng thuốc hoàn toàn từ ngân sách viện trợ.
Hơn nữa, đại dịch HIV đã được khống chế bước đầu nhưng số ca nhiễm HIV tích lũy tiếp tục tăng lên và đến lúc đó bệnh nhiễm trùng cơ hội xuất hiện mà lao là bệnh phổ biến nhất ở người nhiễm HIV, chẩn đoán lao/HIV còn khó khăn, kết quả điều trị lao/HIV còn chưa cao do tỷ lệ điều trị ARV còn thấp.
Không những thế, trong vài năm qua công tác phát hiện nguồn lây bệnh lao ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là do sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế vì đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông chưa có ý thức chống lây lan cho cộng đồng; xã hội còn kỳ thị với bệnh nhân lao.
"Đặc biệt, do thời gian điều trị bệnh lao thường kéo dài nên nhiều bệnh nhân bỏ dở phác đồ điều trị, dẫn đến tình trạng kháng lao ngày càng tăng", Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết.
Để dự phòng và điều trị bệnh lao, theo PGS.TS.Nguyễn Viết Nhung, hoạt động phòng chống và điều trị bệnh lao tại cơ sở - nơi gần người dân nhất là rất quan trọng. Từ đó, cần thay đổi nhận thức, hiểu biết của người dân về bệnh lao để họ chủ động trong việc phát hiện và phòng, chống bệnh lây ra cộng đồng.