Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Nguyễn Chiến) - TP Hà Nội đặt vấn đề: Hiện nay nhiệm vụ của thầy cô đứng trên bục giảng, việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh huy động hàng chục giáo viên nữ đi tiếp khách trong các hoạt động không liên quan đến trách nhiệm của họ và đã bị dư luận lên án mạnh mẽ trong những ngày qua.
Nhưng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho rằng Sở không có thẩm quyền quản lý, xử lý.
Vậy vin vào sự phân cấp quản lý như vậy của ngành giáo dục địa phương đã làm hết trách nhiệm đối với giáo viên chưa, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên ban hành chỉ thị để giúp chấm dứt hiện tượng phi giáo dục giáo viên phải đi làm tiếp viên như thế này hay không?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, liên quan đến việc cô giáo ở thị xã Hồng Lĩnh thì đây là một trong những vấn đề có thật.
“Tôi cũng đã có ý kiến và khi nhận được thông tin này thì tôi trao đổi với đồng chí Chủ tịch tỉnh tỉnh, yêu cầu Chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh và Sở Giáo dục phải báo cáo.
Bởi vì ở đây không phải chỉ là một trường hợp của thị xã Hồng Lĩnh mà trong thực tế cũng có nhiều nơi mà cán bộ địa phương cũng vì vui vẻ đôi khi làm ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo.
Cho nên, đây là một chuẩn chung cho tất cả mọi người các vùng miền với nhau.
Báo cáo Quốc hội còn nhiều vấn đề chúng tôi đang khảo sát để khi đưa ra một chính sách thận trọng tránh trường hợp quy kết nóng vội làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo, cho nên đây là một hoạt động rất đáng tiếc”, ông Nhạ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn tại Quốc hội. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đây là việc cần phải rút kinh nghiệm vì để xã hội phải nóng lên về vấn đề này thì rõ ràng là không được.
“Linh hoạt nhưng phải trong chừng mực, chứ còn linh hoạt mà để xã hội nóng lên như thế là không được.
Trong trường hợp này tôi cũng nhận trách nhiệm, là người đứng đầu ngành bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các thầy cô, chúng tôi rút kinh nghiệm để chủ động chứ không phải bị động khi có hiện tượng báo chí phản ảnh thì mới có ý kiến.
Chúng tôi sẽ chủ động làm việc với các đồng chí lãnh địa phương và các sở để có những biện pháp nhẹ nhàng, nhưng hiệu quả.
Đại biểu hỏi về sách công nghệ giáo dục, Bộ trưởng nói “trả lời bằng văn bản" |
Ngay sau khi Bộ trưởng Nhạ kết thúc trả lời, Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) bấm nút đề nghị tranh luận, và chỉ rõ: “Tôi rất đồng tình với sự nhận trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề vừa rồi giáo viên ở Hà Tĩnh được điều động đi làm lễ tân trong một sự kiện văn hóa ở địa phương.
Tôi cũng không đồng thuận lắm với cách dùng từ của một đại biểu ở Hà Nội là điều động các cô giáo làm tiếp viên, như vậy là rất nặng và rất tổn thương đối với các cô.
Ở đây tôi muốn tranh luận lại với Bộ trưởng sau trao đổi của Bộ trưởng, mặc dù Bộ trưởng nhận trách nhiệm nhưng cũng chỉ là vui vẻ thôi.
Với góc độ cùng giới, đặc biệt tôi là một nữ đại biểu, tôi không biết Bộ trưởng có đau lòng hay không nhưng sau những sự việc như vậy tôi thấy thực sự đau lòng.
Tôi tin rằng, với đặc thù của ngành giáo dục và Bộ trưởng sẽ là một nhân sự có vai trò về chỉ đạo, định hướng vì sự tiến bộ của phụ nữ của ngành, tôi chắc chắn rằng Bộ trưởng sẽ đứng ở một vị thế khác, một tâm thế khác để Bộ trưởng nhận định.
Từ đó, Bộ trưởng sẽ có những giải pháp tiếp theo để bảo vệ sự tôn nghiêm của ngành giáo, bảo vệ danh dự, bảo vệ uy tín của đội ngũ giáo viên.
Chúng ta đang nói rất nhiều về cải cách giáo dục thì chúng ta cũng phải nhấn mạnh đến vấn đề nhân sự, đó là đội ngũ nhân lực, đó là giáo viên, đó là những nhà quản lý công tác giáo dục”.
Tiếp khách mà không trong sáng thì không được! |
Tiếp đó, Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cũng bấm nút xin tranh luận và nói: “Tôi muốn trao đổi với Bộ trưởng Nhạ về phát ngôn vừa rồi.
Bộ trưởng có nói với sự việc người ta cưỡng ép giáo viên thị xã Hồng Lĩnh đi tiếp khách như vậy, Bộ trưởng nói là bảo vệ quyền lợi giáo viên, nhưng ngược lại với phát ngôn của Bộ trưởng hôm qua trên báo chí là trước hết phải xem lại mấy cô giáo đó.
Tôi nghĩ rằng giáo viên chắc chắn đau lòng với câu nói đó của Bộ trưởng.
Nếu Bộ trưởng chịu khó đọc các comment của các bài viết đăng về câu nói của Bộ trưởng người ta đánh giá về Bộ trưởng như thế nào”.
Đại biểu Lê Thanh Vân nói thêm: “Tôi muốn nhắc một điều với Bộ trưởng là đầu phiên chất vấn Bộ trưởng nói là tất cả các chất vấn đã gửi đến đại biểu Quốc hội, tôi chất vấn ngay từ đầu kỳ họp về một loại giấy tờ được gọi là thạc sĩ đang lưu hành trong hồ sơ cán bộ, có cả hồ sơ cán bộ cao cấp, đến nay Bộ trưởng chưa trả lời.
Tôi đã chất vấn Bộ trưởng khóa trước, nhưng trả lời chưa thỏa đáng. Tôi không biết Bộ trưởng có tránh né không, nhưng như vậy là không đúng với câu nói từ đầu phiên của Bộ trưởng”.
Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Bộ trưởng nêu rõ việc bảo vệ giáo viên khi bị điều đi làm tiếp tân. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Làm rõ những băn khoăn này của các đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lý giải: "Ý của tôi là các địa phương điều động giáo viên làm những việc không phù hợp làm ảnh hưởng thời gian là không được. Chúng tôi cũng đã thể hiện trong công văn gửi tới Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, trong diễn đàn trả lời chưa rõ ý về 'vui vẻ', đó là khi trao đổi với địa phương thì họ viện dẫn lý do đây là hoạt động đối ngoại vui vẻ. Đây là do diễn đạt chưa rõ ý, xin báo cáo để đại biểu thông cảm".
Kết thúc phần trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thay mặt Chính phủ - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trả lời làm rõ thêm một số nội dung mà các Đại biểu quan tâm.
Đối với sự việc xảy ra tại Thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: "Đây là việc rất không tốt đối với cán bộ nhân viên nữ, đặc biệt là với giáo viên. Tôi cũng xin mạnh dạn nói thẳng là gần đây nếu chúng ta không có thái độ kiên quyết thì sẽ có những chuyện manh nha khác như đã có.
Nếu chúng ta để ý thì đã có một vài các cơ quan vào ngày lễ, ngày kỷ niệm, yêu cầu cán bộ công nhân viên nữ đứng ra làm tiếp tân, tiếp khách một cách không cần thiết.
Tôi cho rằng những cái này không chỉ là tiếp khách đi quá đà, là đi nhậu đâu. Tôi nghĩ rằng những cái này cũng nên chấn chỉnh cho thực chất".