Gieo con chữ nơi đảo xa
Đảo Bạch Long Vĩ còn được biết đến với tên gọi đảo Vô Thủy (không có nước), cái tên gọi đó đủ nói lên điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của hòn đảo này.
Cô giáo Vũ Thị Hà đã có hơn 20 năm dạy học trên đảo Bạch Long Vĩ (ảnh do nhân vật cung cấp). |
Thiên nhiên khắc nghiệt là thế, nhưng cô giáo Vũ Thị Hà đã tự nguyện dạy học tại Trường Tiểu học Mẫu giáo Bạch Long Vĩ 20 năm.
Chị Vũ Thị Hà sinh ra và lớn lên ở hòn đảo Cát Bà, Hải Phòng.
Sống trên đảo từ bé, chị Hà đã quen với sóng gió, yêu biển, yêu những con người gắn bó với biển.
Chị hiểu thấu những vất vả của những người thôn chài sống trên các hòn đảo nhỏ giữa mênh mông biển cả và hiểu hết những thiệt thòi của trẻ em sống trên các đảo xa.
Từ tình yêu trẻ, yêu biển vô bờ, chị Hà đã chọn cho mình một lối đi riêng với bạn bè cùng trang lứa, đó là học ngành sư phạm.
Chị Hà khát khao sau này sẽ làm cô giáo, đưa chữ, kiến thức đến với những đứa trẻ trên các hòn đảo xa xôi của Tổ quốc.
Năm 1986, chị Hà thi đậu vào Trường Sư phạm Kiến An, Hải Phòng.
Với nhiều bạn bè cùng trang lứa của chị ở đảo Cát Bà, việc chị Hà thi đậu trường sư phạm đó là một kỳ tích.
Không ngừng học tập phấn đấu, năm 1989 chị ra trường, được bố trí dạy học ở Trường Tiểu học Lê Chân, phường An Dương, thành phố Hải Phòng.
Với một cô giáo duyên dáng như chị Hà, chị có đủ cơ hội để lựa chọn cho mình một cuộc sống hạnh phúc tại Thành phố Hoa Phượng Đỏ.
Nhưng có lẽ, ước mơ cuộc đời truyền chữ cho trẻ em vùng đảo đã không cho chị đứng yên nhìn những đứa trẻ trên đảo phải mù chữ, thiếu kiến thức.
Cơ hội để chị Hà biến ước mơ của mình thành hiện thực khi chị may mắn gặp được bác Chủ tịch huyện Bạch Long Vĩ thời đó.
Chị Hà chia sẻ rằng:
"Năm 1996, nghỉ hè, tôi về Cát Bà thăm gia đình. Một hôm, có bác Chủ tịch Huyện Bạch Long Vĩ vào gia đình chơi, thăm sức khỏe bố tôi.
Bác ấy trò chuyện chia sẻ về trẻ em trên đảo Bạch Long Vĩ, về khát vọng của những đứa trẻ cần được học tập và đặt vấn đề mời tôi ra đảo”.
Lần gặp gỡ đó đã thay đổi cuộc đời của cô giáo Vũ Thị Hà.
Sự ngỏ ý của bác Chủ tịch Huyện Bạch Long Vĩ đã chạm vào ước mơ bấy lâu của chị.
Không một chút do dự, tháng 9 năm đó chị Hà đã quyết định tạm biệt Hải Phòng để đến với đảo Bạch Long Vĩ.
“Lúc tôi xin chuyển trường, bạn bè, người thân bao nhiêu người cản, nhưng tôi không chút đắn đo, do dự. Có lẽ, tình yêu trẻ, biển đảo trong tôi quá lớn” – chị Hà chia sẻ.
Ước mơ và thực hiện ước mơ luôn khó khăn cho bất cứ ai trong cuộc đời, với chị Hà cũng không ngoại lệ.
Đơn giản chỉ là hành trình ra tới đảo Bạch Long Vĩ thôi đó cũng là một thử thách chông gai.
Đến giờ, cô giáo Hà vẫn nhớ mãi hành trình lần đầu chị đến với hòn đảo xa bờ nhất nằm trong biển Vịnh Bắc Bộ
“Hôm đó sóng rất to, con thuyền thì bé tí như thuyền đánh cá.
Từ Hải Phòng ra đảo Bạch Long Vĩ, do sóng lớn quá nên đoàn quyết định ghé vào đảo Cát Bà để tạm trú.
Mãi hai ngày sau, khi sóng bắt đầu nhẹ đi cuộc hành trình ra đảo mới tiếp tục.
Sóng mạnh khiến tôi say sóng nằm bẹp dí trên thuyền. Khi đến đảo Bạch Long Vĩ, tôi không còn sức lực để bước nữa.
Mọi người phải dìu tôi lên đảo và gần một tuần sau tôi mới hồi tỉnh.
Đến trường nhận lớp, nhìn các em tôi thấy chúng thiệt thòi và thiếu thốn quá.
Tự dưng tôi thấy mình phải có bổn phận là người mẹ hiền thứ hai của các em và từ đó đến nay tôi đã gắn bó với ngôi trường dạy học này" – cô giáo Hà kể.
Những hy sinh thầm lặng
Tình yêu trẻ, yêu biển đảo đã là động lực giúp chị vượt qua khó khăn để dạy tốt, nhưng cũng khó tránh khỏi những lúc chị cảm thấy tủi thân.
Cô giáo Vũ Thi Hà (người ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp nhân ngày nhà giáo Việt Nam (ảnh do nhân vật cung cấp). |
Khó khăn lớn nhất đối với chị Hà không phải là điều kiện khắc nghiệt trên đảo mà chính là khoảng cách xa vời của đảo với đất mẹ quê hương.
Chị Hà kể rằng:
“Khi bố mẹ tuổi già, mình là con gái nếu được sống gần thì đỡ đần được nhiều việc.
Những lúc bố mẹ lâm chung nếu có mình thì bố mẹ cũng bớt đi sự cô đơn”.
Nhưng đã chọn cái nghề “lái đò” trên đảo Bạch Long Vĩ như chị Hà, ước mơ tưởng chừng bình thường đó đã trở nên xa vời.
“Năm 2002, tôi nhận được tin bố ốm nặng, bà con trên đảo, bạn bè đồng nghiệp tạo điều kiện hết mức để tôi được về gặp ông.
Nhưng không ngờ, khi về tới nơi thì tang lễ đã được tiến hành, tôi không thể gặp mặt ông lần cuối.
Mười năm sau, năm 2012, khi nhận tin mẹ mất, nhưng tuần đó bão tố nên không thể về được. Chỉ biết, nằm trên đảo khóc thương mẹ nơi quê nhà”.
Để sống và gắn bó với đảo 20 năm trời với cô giáo Vũ Thị Hà là một sự vượt khó vươn lên.
Nhưng chị Hà tâm sự với phóng viên rằng:
“Tuy khó khăn là thế, nhưng chưa bao giờ tôi ân hận về quyết định của mình. Đảo Bạch Long Vĩ giờ đây trở thành quê hương thứ hai của tôi”.