Trao đổi với Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng (viết tắt CPHUD) cho biết, tổng số tiền thu hồi từ các vụ kiện nhân tài tự ý phá vỡ hợp đồng mới chỉ khoảng 7,4 tỷ đồng, còn nhiều trường hợp không đủ khả năng bồi thường.
Kiện nhân tài “phá” hợp đồng
Theo hợp đồng được ký kết giữa đại diện ba bên gồm: chính quyền, học viên và gia đình học viên. Trong đó nêu rõ trường hợp học viên vi phạm hợp đồng thì gia đình cũng là bên liên đới bồi thường.
Hợp đồng đào tạo được ký kết giữa học viên đề án 922 và chính quyền TP.Đà Nẵng. (Ảnh: An Nguyên) |
Điều 4 của hợp đồng cũng quy định, trong vòng 60 ngày sau khi tốt nghiệp, học viên phải trở về thành phố nhận công tác.
Thời gian phục vụ thành phố tùy thuộc vào từng loại hình đào tạo (Đại học hoặc Cao học) vào khoảng 6-7 năm trở lên.
Hơn 190.000 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đang thất nghiệp |
Học viên được coi là vi phạm hợp đồng nếu tự ý bỏ học, đơn phương chấm dứt hợp đồng, không chấp hành sự phân công, bố trí công tác của cơ quan có thẩm quyền hoặc sản phẩm hợp đồng không đạt yêu cầu.
Học viên bị chấm dứt hợp đồng và hoàn trả lại toàn bộ số học bổng đã cấp nếu trong quá trình học, kết quả không đạt loại khá trở lên ở ba học kỳ liên tục.
Sau khi học viên tốt nghiệp, nếu có nguyện vọng học lên cao hơn (Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ) bằng nguồn kinh phí tự túc hoặc bằng học bổng thành phố thì phải làm đơn trình bày nguyện vọng để thành phố xem xét.
Theo thống kê sơ bộ, qua hơn 10 năm triển khai đề án đã có 67 trường hợp vi phạm hợp đồng. Trong đó có 20 trường hợp không đạt kết quả học tập như cam kết (phải đạt loại khá trở lên), 27 học viên xin ra khỏi đề án, 15 học viên không chịu về nước, bốn người về nước làm việc nhưng bỏ giữa chừng, một học viên không nhận việc.
Việc các học viên đề án phá vỡ hợp đồng khiến CPHUD phải phát đơn khởi kiện ra tòa để thu hồi kinh phí đầu tư.
Mới đây, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm đã bác kháng cáo, buộc học viên Huỳnh Thị Thanh Trà (đề án 922) phải bồi hoàn kinh phí đào tạo do vi phạm hợp đồng.
Số tiền mà chị Trà phải bồi thường gấp 2 lần kinh phí đào tạo do chính quyền Đà Nẵng bỏ ra là hơn 3 tỷ đồng. Trước đó, chị Trà được cử đi học tại Đại học Quốc tế Tân Mỹ (Hòa Kỳ).
Sau khi tốt nghiệp, thành phố đồng ý cho Trà học thêm hai năm chương trình thạc sĩ bằng kinh phí tự túc. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành chương trình học, chị Trà không trở về nhận công tác theo hợp đồng đã ký trước đó mà ở lại Mỹ làm việc.
Đây chỉ là 1 trong 17 nhân tài mà Đà Nẵng phát đơn khởi kiện.
Trước đó, vào cuối tháng 6, TAND TP.Đà Nẵng xét xử sơ thẩm vụ kiện bồi thường hợp đồng giữa CPHUD và học viên Nguyễn Trương Quỳnh Như.
Theo hợp đồng, Như được TP.Đà Nẵng đầu tư kinh phí cử đi học chuyên nghành Cử nhân Luật, Kinh tế, Quản lý tại Đại học Lille 1 (Cộng hòa Pháp), thời gian học 3 năm (bắt đầu từ tháng 9/2011).
“Cố tiến lên hàng đầu, nhưng hàng đầu rồi không biết đi đâu?" |
Chiếu theo hợp đồng, đến tháng 7/2013, Như hoàn thành chương trình đào tạo đạt loại Trung bình. Theo quy định, khi kết quả học tập cuối khóa không đạt từ loại khá trở lên, Như sẽ bị đưa ra khỏi đề án và cùng đại diện gia đình có trách nhiệm bồi hoàn 50% tổng kinh phí đào tạo đã được nhận.
Căn cứ vào hợp đồng đã ký kết, Tòa tuyên buộc bà Như và gia đình phải bồi hoàn số tiền 392 triệu đồng cho thành phố (thu về 50% kinh phí bỏ ra).
Phải thực hiện đúng Luật
Theo tìm hiểu, ngoài một số học viên có hoàn cảnh gia đình khá giả, có thể bồi hoàn kinh phí đào tạo thì nhiều trường hợp khó thi hành án (đã có bản án tòa tuyên) vì điều kiện kinh tế khó khăn.
Cầm bản án Tòa tuyên buộc phải bồi thường 2,7 tỷ đồng cho thành phố, ông Hồ Niên (cha học viên Hồ Viết Luận) thấp thỏm, lo âu.
Cuộc sống của gia đình vất vả, chỉ mong chờ vào khoản lương hưu ít ỏi của người mẹ. Trong khi bản thân anh Luận đang phải chật vật để trang trải cuộc sống chi phí ăn học đắt đỏ ở Leed (Anh) thì khoản nợ hơn 2,7 tỷ đồng khó trả đúng thời hạn.
Tiến sĩ Việt “ra lò” ở nước ngoài được đào tạo như thế nào? |
“Thực tế, gia đình tôi không có khả năng lo đủ số tiền lớn như vậy. Bản thân tôi là bộ đội phục viên, vợ tôi là giáo viên nghỉ hưu nên thu nhập hàng tháng của gia đình không quá 5 triệu đồng/tháng. Gia đình tôi cũng chỉ mới thoát nghèo cách đây ba năm, lấy đâu ra tiền để trả thành phố” ông Hồ Niên tâm sự.
Tương tự như ông Niên, nhiều gia đình học viên đề án 922 vi phạm hợp đồng khác cũng mong thành phố cho một “lộ trình” để trả nợ. Theo đó, thành phố có thể kéo giãn thời gian trả nợ hoặc cho hạ lãi suất do trả chậm.
Theo một thẩm phán TAND TP.Đà Nẵng, việc học viên đề án 922 vi phạm hợp đồng thì phải thực hiện bồi hoàn kinh phí như đã giao kèo.
“Theo Luật thì tiền thuộc ngân sách nhà nước thì nhà nước phải đòi lại. Vậy nên, việc chính quyền khởi kiện học viên vi phạm là hoàn toàn đúng” vị thẩm phán này cho hay.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải thực hiện đúng theo Luật định, không nể nang.