Mới đây nhất, thầy N.P.S (giáo viên Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, quận 5, TP.Hồ Chí Minh) bị người dân sinh sống tại hẻm 257 đường Lý Thường Kiệt, phường 15 – quận 11 phản ánh là có tổ chức các lớp dạy thêm tại nhà.
Địa điểm thầy tổ chức dạy thêm là một căn nhà nằm trong con hẻm này. Ngoài môn Toán do thầy S. trực tiếp đứng lớp giảng dạy, thì tại đây còn có các lớp dạy môn Hóa, Lý và Anh Văn cho các khối lớp từ 10 đến 12.
Mỗi lớp quy mô đến vài chục học sinh, trong đó chủ yếu là học sinh Trường Lê Hồng Phong và nhiều trường khác trên địa bàn thành phố.
Ngoài việc học phí cao, thầy S. cũng đưa ra hàng loạt các điều kiện khắt khe khác, nếu học sinh muốn theo học các lớp này.
Điều đáng nói, thầy S. đã khẳng định với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, không nghĩ các lớp dạy thêm như vậy phải xin phép các cơ quan có thẩm quyền mới được tổ chức, mà nói chỉ cần xin Hiệu trưởng là được.
Giờ tan học thêm của thầy S. ở nhà trên đường Lý Thường Kiệt được PV ghi lại (ảnh: P.L) |
Ngay sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải thông tin, thầy S. thừa nhận rằng chỉ lo nghiên cứu, chứ không để ý đến các văn bản, thủ tục quy định về dạy thêm.
Được biết, thầy S. đang là giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán của thành phố.
Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã đăng tải nhiều trường hợp khác giáo viên vi phạm các quy định về dạy thêm.
Trong đó, chủ yếu các lớp dạy thêm mà giáo viên mở ở nhà đều không được bất cứ một cơ quan có trách nhiệm nào cấp phép.
Cụ thể: Quận Bình Tân với các giáo viên của Trường trung học cơ sở Tân Tạo, Lý Thường Kiệt, tại quận Tân Bình có Trường tiểu học Bành Văn Trân, Phú Thọ Hòa, quận 1 có Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 12 có hẳn 1 điểm dạy thêm ‘chui’ ở hẻm 237 đường Tân Thới Nhất 1…
Toàn bộ những trường hợp nói trên, sau khi được lãnh đạo trường và Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận xem xét, thì giáo viên có vi phạm chỉ bị xử lý là phê bình, nhắc nhở và chế tài là cắt thi đua năm.
Đây rõ ràng là các biện pháp xử lý quá nhẹ tay, trong khi quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo và ngành Giáo dục và Đào tạo của thành phố luôn được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều lần họp, trong các văn bản là xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe với các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm học thêm.
Điều gì khiến cho các quận xử lý quá nhẹ nhàng đối với những trường hợp giáo viên vi phạm về dạy thêm, nhưng quan điểm của thành phố là xử lý nghiêm khắc, theo nhiều lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, vấn đề chính là cho đến nay, thành phố vẫn chưa ban hành khung xử lý vi phạm đối với giáo viên.
Tuy nhiên, ở phía ngược lại, một lãnh đạo ngành giáo dục thành phố cho rằng, việc xử lý giáo viên hoàn toàn có thể tuân theo Nghị định 138 của Chính phủ, về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Như vậy là đã rõ, các quận huyện hoàn toàn có thể xử lý giáo viên vi phạm dạy thêm nghiêm hơn, chứ không phải xử lý cho có, “ầu ơ ví dầu” như hiện nay.
Chính vì thế, nhiều người dân và phụ huynh ở TP.Hồ Chí Minh đang cho rằng, “miếng bánh” từ việc dạy thêm quá ngon ngọt, khiến cho giáo viên không thể cưỡng lại được.
Còn khi vi phạm thì chỉ bị xử lý quá nhẹ nhàng, quan điểm xử lý nghiêm thì…chỉ trên giấy, khiến cho các vi phạm vẫn cứ xảy ra nhan nhản như “nấm mọc sau mưa”.