Nhìn thẳng vào hạn chế yếu kém
Ngày 18/11/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững (Nghị quyết số 07-NQ/TW).
Nghị quyết ban hành trong lúc vấn đề nợ công, tái cơ cấu ngân sách nhà nước nhận được sự quan tâm lớn của giới chuyên gia cũng như dư luận xã hội.
Nghị quyết của Bộ Chính trị về quản lý nợ công, tái cơ cấu ngân sách nhà nước ra đời kịp thời đáp ứng yêu cầu của đất nước - ảnh Đại hội lần thứ XII của Đảng (nguồn VOV) |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh nội dung nghị quyết, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công đã thẳng thắn chỉ ra hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước thời gian qua.
Cụ thể, quy mô thu ngân sách so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm nhanh, cơ cấu thu chưa hợp lý, thiếu bền vững, các nguồn lực đất đai, tài nguyên, công sản chưa được huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả.
“Nhìn lại thời gian qua chúng ta không làm được nhiều, ngân sách vẫn bội chi vượt chỉ tiêu của Quốc hội, vấn đề chi tiêu ngân sách vẫn không có nhiều cải tiến so với trước. Các khoản chi từ ngân sách tăng dần qua các năm”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định.
Chi ngân sách không ngừng tăng, trong khi thu không đủ do khó khăn của nền kinh tế dẫn đến vượt khả năng cân đối nguồn lực, thu không đủ chi, tích lũy ngân sách cho đầu tư phát triển thấp.
Cũng chính vì thu không đủ chi dẫn đến thiếu nguồn lực phải vay nợ nước ngoài. Từ đó nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trong khi đó nhiều dự án sử dụng ngân sách lại bị nâng giá, rút ruột công trình.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, Nghị quyết ra đời là rất xác đáng, nhưng quan trọng hơn nữa là phải thực hiện sao cho hiệu quả. - ảnh: H. Lực. |
“Nghị quyết của Bộ Chính trị thẳng thắn nhìn vào hạn chế, yếu kém trong quản lý, đó là điều cần thiết, bởi phải nhìn ra thiếu sót thì mới khắc phục được. Nhưng quan trọng hơn dù có nghị quyết này, nghị quyết kia mà không thực hiện thì sẽ không đi đến đâu”, ông Thành nhìn nhận.
Vì thế theo ông Thành sau khi ban hành để nghị quyết đi vào cuộc sống cần vai trò điều hành lớn của Chính phủ, của các Bộ, Ngành. Phải hành động mới tạo đột phá trong phát triển kinh tế, cần có sáng kiến mới trong cách làm, cách triển khai.
“Nếu chậm trễ giải quyết những yếu kém thì nợ công sẽ tăng lên, kinh tế không phát triển, không thể trả nợ. Một quốc gia vay nợ không trả được sẽ trở thành một quốc gia 'phá sản'.
Phá sản có nghĩa không thể đi vay nước ngoài, không chỉ Chính phủ mà mảng kinh tế dân doanh khó làm việc với nước ngoài. Tóm lại sẽ khiến đất nước lâm vào khó khăn”, ông Thành cảnh báo.
Tiếp tục vay, nhưng vay để làm gì?
Nghị quyết đề ra mục tiêu cụ thể như: Tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 bình quân khoảng 20-21% GDP, phấn đấu tổng thu ngân sách bằng khoảng 1,65 lần giai đoạn 2011-2015.
Trong tổng thu ngân sách nhà nước, tỉ trọng thu nội địa khoảng 84-85%, tỉ trọng thu dầu thô và thu xuất nhập khẩu khoảng 14-16%; tỉ trọng thu ngân sách Trung ương 60-65%.
Sau năm 2020, tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước so với GDP được duy trì ở mức ổn định, hợp lý.
Bộ Chính trị ra nghị quyết về chủ trương, giải pháp quản lý nợ công |
Tỉ lệ chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 bình quân khoảng 24-25% GDP.
Trong tổng chi ngân sách nhà nước, tỉ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 25-26%; tỉ trọng chi thường xuyên dưới 64%; ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.
Sau năm 2020, quy mô chi xác định phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm an toàn nợ công.
Giữ vững an ninh tài chính quốc gia; bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu-chi ngân sách nhà nước.
Nhìn vào mục tiêu của Nghị quyết của Bộ Chính trị về quản lý nợ công, giải pháp cơ cấu ngân sách nhà nước, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Trần Du Lịch – Đại biểu Quốc hội Khóa 13 nhận định, Nghị quyết của Bộ Chính trị thể hiện chiến lược quản lý nợ công với tầm nhìn xa hơn đến 2030.
“Nghị quyết thể hiện sau năm 2020 tỷ lệ nợ công phải giảm dần so với tỷ lệ GDP.
Điều này có nghĩa ngưỡng khống chế nợ công chiếm 65% đến năm 2020, sau đó phải giảm xuống, chiến lược này nếu thực hiện được thì an toàn nợ công sẽ được bảo đảm”, ông Lịch đánh giá.
Cũng theo TS.Trần Du Lịch, điểm quan trọng đáng chú ý là Nghị quyết đưa ra vấn đề quản lý chặt chẽ nợ công và hiệu quả sử dụng vốn vay.
“Vấn đề không phải là không vay nợ, mà vay để làm gì? Trả bằng cách nào? Hiệu quả ra sao? Ba vấn đề lớn này trong Nghị quyết của Bộ Chính trị đã thể hiện quan điểm chỉ đạo rõ ràng, đúng đắn”, ông Lịch nói.
Mục tiêu đề ra trong Nghị quyết của Bộ Chính trị rất rõ, tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu này, theo TS.Trần Du Lịch không phải đơn giản, bởi thực trạng đầu tư dàn trải, đầu tư kém hiệu quả hiện vẫn tồn tại. Nguyên nhân thực trạng trên đến từ cơ chế ngân sách nhà nước hiện nay.
TS. Trần Du Lịch nguyên Phó trưởng Đoàn Quốc hội TP.HCM / ảnh Ngọc Quang - Giaoduc.net.vn |
“Nếu chúng ta tiếp tục duy trì cơ chế ngân sách theo hướng lồng ghép ngân sách trung ương với ngân sách địa phương như hiện nay sẽ dẫn đến cơ chế xin – cho thì rất khó giảm chi.
Mặt khác, việc duy trì một nền kinh tế theo tỉnh thành, địa phương thì vấn đề kiểm soát đầu tư rất khó khăn”, TS. Lịch cho hay.
Để thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị giải quyết vấn đề nợ công, TS.Trần Du Lịch cho rằng phải thay đổi nguyên tắc mà hiện nay luật pháp đã quy định liên quan đến ngân sách hành chính công. Trong đó đặc biệt Luật ngân sách nhà nước, cần tách biệt và minh bạch ngân sách Trung ương, địa phương, trong đó chủ đạo ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó phải xem xét lại vấn đề phát triển cơ cấu kinh tế tỉnh, bây giờ tỉnh nào cũng cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp dẫn đến đầu tư dàn trải. Đáng lẽ ra cần phát triển kinh tế vùng theo Nghị quyết 12 của Đảng và Hiến pháp 2013, phải phát triển kinh tế vùng phát huy lợi thế vùng không biến gianh giới hành chính tỉnh thành những cơ cấu kinh tế.
Cùng đề cập tới giải pháp về vấn đề nợ công, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, sức sống của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.
Ông Thành phân tích, nợ công gia tăng do không đủ năng lực để trả, muốn giải quyết vấn đề nợ công thu ngân sách phải tốt. Tăng thu ngân sách không thể dựa trên một nền kinh tế yếu phải có nền kinh tế phát triển mạnh hơn.
“Muốn có nền kinh tế mạnh phải dựa vào doanh nghiệp, nhìn lại chúng ta chưa có chính sách mới thực sự tạo đột phá cho kinh tế phát triển, trong đó đặc biệt là chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chúng ta nói nhiều đến tạo điều kiện, nói đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng tháo gỡ như thế nào, tháo gỡ vấn đề gì, vấn đề gì chưa được tháo gỡ... Rõ ràng vẫn còn nhiều việc phải làm”, ông Thành cho hay.