Thanh tra Bộ Y tế vừa có kết luận số 194 – Kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam (Công ty Pepsico Việt Nam).
Điểm đáng chú ý trong kết luận thanh tra được Chánh Thanh tra Bộ Y tế - ông Đặng Văn Chính ký đã chỉ ra những vi phạm của Công ty Pepsico Việt Nam.
Dư luận băn khoăn, lo lắng về điều kiện sản xuất của doanh nghiệp được Pepsico Việt Nam thuê gia công sản phẩm có đảm bảo an toàn thực phẩm không?
Một nhà máy của PepsiCo Việt Nam tại Cần Thơ. Ảnh: TL - nguồn Báo Gia Đình Xã Hội |
Giấy chứng nhận được cấp vội?
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Y tế, Công ty Pepsico Việt Nam có 12 sản phẩm thực phẩm được gia công.
Bốn doanh nghiệp gia công sản phẩm cho doanh nghiệp này gồm: Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam; Công ty TNHH Nihon Canpack; Công ty TNHH Tribeco Bình Dương và Chi nhánh Công ty CP bia Sài Gòn – Miền Trung tại Quy Nhơn.
Đáng chú ý trong 4 doanh nghiệp nêu trên, Công ty TNHH nước giải khát Kirin Việt Nam lại có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm (ATTP) để sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Cục an toàn thực phẩm số 001095/2016/ATTP-CNĐK trong khoảng thời gian diễn ra cuộc thanh tra Công ty Pepsico Việt Nam.
Cụ thể, Công ty TNHH nước giải khát Kirin Việt Nam được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày 3/10/2016.
Tức sau gần 1 tháng quá trình thanh tra của Thanh tra Bộ Y tế bắt đầu (ngày 7/9/2016 Thanh tra Bộ Y tế bắt đầu thanh tra toàn diện Công ty Pepsico Việt Nam).
Từ đây đặt ra câu hỏi: Vậy trước ngày 3/10/2016, Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam có đủ điều kiện An toàn thực phẩm để sản xuất ra sản phẩm cho Pepsico Việt Nam không?
Nhiều vấn đề trong kết luận của Thanh tra Bộ Y tế về Pepsico Việt Nam chưa được làm sáng tỏ - ảnh chưa rõ nguồn Vietq |
Văn bản được xem có tính pháp lý làm cơ sở để Công ty Pepsico Việt Nam hợp tác với Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam gia công sản phẩm là Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất và gia công nước giải khát các loại đóng chai kể cả thực phẩm chức năng và bổ sung vi chất dinh dưỡng dạng lỏng do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương cấp ngày 22/5/2014.
Tuy nhiên, căn cứ theo quy định của pháp luật, Giấy chứng nhận do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương cấp 22/5/2014 cho Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam thì doanh nghiệp này chưa đủ điều kiện để sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.
Cụ thể, tại Thông tư số 26/2012/TT-BYT ngày 30/12/2012 của Bộ Y tế đã phân cấp rất rõ về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm và không có sự chồng chéo giữa Cục An toàn thực phẩm và Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo thông tư này, Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy chứng nhận cho: Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trừ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khác khi có nhu cầu đặc biệt (yêu cầu của nước nhập khẩu sản phẩm của cơ sở).
Còn Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp Giấy chứng nhận cho: Cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế trên địa bàn;
Cơ sở nhỏ lẻ sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm;
Cơ sở nhỏ lẻ kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có yêu cầu bảo quản sản phẩm đặc biệt.
Cũng theo giải thích, định nghĩa tại Thông tư số 26 thì Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam không phải doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ.
Do đó chỉ có Cục An toàn thực phẩm mới có quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện để sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.
Bị xử phạt 25 triệu, vẫn còn đó nỗi lo chất lượng sản phẩm
Nói đến trách nhiệm các bên, dù giữa Pepsico Việt Nam và các doanh nghiệp có hợp đồng gia công, song về pháp lý Công ty Pepsico Việt Nam phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng sản phẩm gia công.
Việc Pepsico thuê các doanh nghiệp gia công sản phẩm là bình thường, nhưng việc gia công là ở những khâu nào và có thực sự đảm bảo an thực phẩm không thì rất cần phải làm rõ, vì đó là quyền lợi chính đáng của hàng triệu người tiêu dùng.
Vì vậy, vấn đề đề này rất cần tiếp tục có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong thời gian tới.
Trong kết luận của Thanh tra Bộ Y tế hiện mới nêu ra 1 sai phạm, đó là thực hiện kiểm nghiệm định kỳ chưa đầy đủ: “Đối với các sản phẩm có cùng công thức và cùng nội dung công bố được đóng gói ở các dạng khác nhau (lon hoặc chai PET hoặc chai thủy tinh), khi kiểm nghiệm định kỳ, Công ty Pepsico Việt Nam mới thực hiện kiểm nghiệm đình kỳ đối với 1 trong các dạng bao bì trên, chưa kiểm nghiệm tất cả các dạng đóng gói”.
Thanh tra Bộ Y tế cho rằng, việc Công ty Pepsico Việt Nam chỉ kiểm nghiệm 1 loại bao gói là chưa đúng với quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan. Thanh tra Bộ Y tế quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Pepsico Việt Nam đối với hành vi: Có thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ nhưng chưa đầy đủ theo quy định.
Thanh tra Bộ Y tế đưa ra mức phạt 25 triệu đồng cho hành vi vi phạm hành chính này của Công ty Pepsico Việt Nam.
Ngoài xử phạt số tiền 25 triệu, Thanh tra Bộ Y tế đề nghị Công ty Pepsico Việt Nam thường xuyên tự kiểm tra, giám sát thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.