Môn Giáo dục công dân có chống được vấn nạn bạo lực học đường?

29/11/2016 10:47
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Việc đưa môn Giáo dục công dân vào kỳ thi THPT quốc gia chứng tỏ sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đào tạo học sinh hoàn thiện cả tài và đức.

LTS: Lần đầu tiên trong lịch sử, môn Giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia. Theo thầy Đỗ Tấn Ngọc, việc này sẽ góp phần hoàn thiện nhân cách học sinh.

Thầy cũng bày tỏ sự kỳ vọng rằng với sự chú trọng môn Giáo dục công dân trong giáo dục trung học phổ thông sẽ giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Tại phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sáng 16/11, một số đại biểu Quốc hội đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề lớn của ngành giáo dục đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, trong đó có vấn nạn bạo lực học đường.

Bộ trưởng cho biết: “Gần đây, khi đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT là phải có kiến thức toàn diện nên Bộ đã quyết định đưa vào môn Giáo dục công dân, kỳ vọng môn học này sẽ góp phần giảm bạo lực học đường.

Bởi khi đã là một môn thi, chắc chắn học sinh sẽ không còn chểnh mảng môn học này nữa”.

Đạo đức, lối sống là vấn đề cấp bách hiện nay. Nổi cộm,“nóng” là bạo lực học đường. Chúng tôi rất chia sẻ với nhiều ý kiến đại biểu và cử tri. Tới đây, tôi rất quan tâm đến vấn đề này.

Sách giáo khoa, giáo viên chỉ là một, còn rất nhiều hoạt động bên ngoài cần triển khai để giáo dục cho các em.

Gần đây, Bộ Giáo dục và đào tạo cùng Trung ương Đoàn ký kết, ưu tiên cho vấn đề này vì chung đối tượng học sinh, sinh viên. Qua hoạt động sáng tạo, chia sẻ cộng đồng thì các em cảm nhận tốt hơn".

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói rõ thêm giải pháp và công tác phối hợp.

Với việc tập trung vào môn Giáo dục công dân, Bộ Giáo dục và đào tạo kỳ vọng sẽ giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường. (Ảnh minh họa trên báo Gia đình Việt Nam)
Với việc tập trung vào môn Giáo dục công dân, Bộ Giáo dục và đào tạo kỳ vọng sẽ giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường. (Ảnh minh họa trên báo Gia đình Việt Nam)

Môn Giáo dục công dân (ở cấp Tiểu học gọi là môn đạo đức) thực chất là giáo dục con người, giáo dục kiến thức về pháp luật, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.

Khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, mỗi học sinh cần phải được trang bị những kiến thức pháp luật, quyền và nghĩa vụ của mình trước khi trở thành một công dân, hình thành những chuẩn mực đạo đức, kỹ năng sống cơ bản để vững vàng bước vào đời.

Có tầm quan trọng như thế, nhưng từ trước đến nay, nó được coi là môn phụ nên học sinh thường rất lơ là học môn này, học sinh học đối phó, dẫn đến giáo dục giá trị sống, nhân cách, lối sống bị xem nhẹ.

Về đội ngũ giáo viên, trong một thời gian dài, nhiều trường sư phạm thường đào tạo giáo viên dạy liên môn Lịch sử và Giáo dục công dân nhưng thời lượng dành cho Lịch sử là chính, còn thời lượng dành cho Giáo dục công dân là rất ít.

Khi ra trường dạy học, nhiều thầy cô giáo lại có sở thích, tư tưởng dạy môn Lịch sử hơn là môn Giáo dục công dân.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo từng thừa nhận những tồn tại, hạn chế về chất lượng đội ngũ và dạy học ở bộ môn này.

Mấy năm gần đây, trước tình trạng bạo lực học đường, học sinh vi phạm pháp luật đường ngày một gia tăng và có chiều hướng nghiêm trọng.

Người trong cuộc dễ dàng chỉ ra được các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nói trên, trong đó không thể không đề cập tới điểm hạn chế, sa sút của chất lượng dạy và học môn Giáo dục công dân.

Môn Giáo dục công dân có chống được vấn nạn bạo lực học đường? ảnh 2

Những tín hiệu tích cực từ việc điều chỉnh tổ hợp xét tuyển các môn thi

Có địa phương đã, đang dùng chính sách hỗ trợ thêm tiền hàng tháng dành cho giáo viên dạy môn Giáo dục công dân để động viên, nâng cao ý thức, trách nhiệm giảng dạy của họ.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có những cải tiến, thay đổi trong phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm nay.

Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử thi tốt nghiệp THPT, môn Giáo dục công dân được đưa vào bài thi tổ hợp các môn khoa học xã hội cùng môn Lịch sử và Địa lý.

Nhiều người cho rằng, việc đổi mới giáo dục, đổi mới thi cử, đưa Giáo dục công dân vào kỳ thi THPT quốc gia là cần thiết, không chỉ dạy và học để thi mà giúp hình thành tình cảm, tâm hồn, đạo đức, lối sống trong sáng cho người học.

Các thầy cô giáo dạy môn Giáo dục công dân rất hào hứng, phấn khởi trước “sự kiện” này. Không khí trao đổi chuyên môn của các giáo viên dạy bộ môn thêm phần sôi động, tập trung hơn.

Khâu kiểm tra, thi cử có thay đổi đã tạo ra “cú hích” tích cực cho hoạt động dạy và học của thầy và trò.

Các địa phương, các trường trung học phổ thông cũng đang có kế hoạch tăng thời lượng dạy môn học này để học sinh có thể học, ôn, dạy theo kiểu tương tác, chứ không phải đọc chép như hiện tại, đáp ứng yêu cầu phương thức dạy, học và thi đổi mới.

Thái độ, ý thức học tập bộ môn của nhiều em học sinh đã tốt hơn trước, chuyển trạng thái bị động sang trạng thái chủ động.

Việc quan trọng hiện nay là làm cho học sinh hiểu được hiệu quả của môn học này, giáo viên phải nắm bắt được trên tinh thần đổi mới cách dạy, kiểm tra, đánh giá, giúp học sinh vận dụng từ thấp đến cao gắn giáo dục kỹ năng sống.

Học sinh cũng phải đổi mới cách học, không học tủ, học vẹt mà nắm chắc kiến thức”- thầy Lê Văn Linh - giáo viên bộ môn Giáo dục công dân, Trường THPT chuyên Lê Khiết chia sẻ.

Đặc trưng của môn Giáo dục công dân là có nhiều nội dung gắn với thực tiễn đời sống xã hội.

Môn Giáo dục công dân có chống được vấn nạn bạo lực học đường? ảnh 3

Phương án thi quốc gia 2017 sẽ được áp dụng ổn định trong các năm tiếp theo

Để làm bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, học sinh không nhất thiết phải học thuộc từng khái niệm, định nghĩa, nội dung như trong sách giáo khoa.

Điều quan trọng trong bài thi là học sinh biết phân tích, tổng hợp, lý giải, nhận xét đánh giá các khái niệm, kiến thức pháp luật trong đời sống xã hội.

Việc dạy, học và thi môn Giáo dục công dân theo hình thức đổi mới được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích thiết thực giúp học sinh hiểu và chấp hành luật pháp, được bồi đắp kỹ năng sống, để có ứng xử tốt hơn trong cuộc sống hàng ngày, giảm thiểu được vấn nạn bạo lực học đường đang nhức nhối hiện nay.

Tuy nhiên, người viết bài này, vẫn còn băn khoăn, khi trên thực tế, số lượng  thí sinh đăng ký chọn thi các môn khoa học xã hội chưa nhiều.

Như vậy, ý thức, thái độ học tập bộ môn quan trọng này của nhiều học sinh vẫn chưa tốt, trong bối cảnh nhà trường, giáo viên đánh giá, ghi điểm không thực chất, còn tình trạng tháo khoán, chạy theo bệnh thành tích…

Theo chúng tôi, năm tới nữa, học sinh chúng ta thi tốt nghiệp THPT nên bắt buộc cả 5 bài. Đến lúc này, học sinh chẳng thể sao nhãng, thờ ơ các môn xã hội, trong đó có môn Giáo dục công dân.

Đỗ Tấn Ngọc