South China Morning Post ngày 29/11 đưa tin, hôm qua thứ Hai người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lên tiếng về vụ 9 xe bọc thép quân đội Singapore bị tạm giữ tại Hồng Kông, khi đang trên đường trở về từ Đài Loan:
"Chính phủ Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nhưng lại duy trì liên hệ chính thức dưới bất kỳ hình thức nào với Đài Loan, bao gồm các hoạt động giao lưu hợp tác quân sự.
Chúng tôi yêu cầu Singapore chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc "một Trung Quốc"".
Một số nhà quan sát tin rằng, phản ứng này của Bắc Kinh là một cảnh báo nhằm vào cả Singapore lẫn Đài Loan, trong bối cảnh quan hệ giữa họ với Trung Quốc đang xấu đi.
Một trong 9 chiếc xe bọc thép Singapore bị tạm giữ tại Hồng Kông, ảnh: SCMP. |
Bắc Kinh đổ lỗi cho Singapore là "gây khó khăn" cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc cắt liên lạc chính thức với chính quyền Đài Loan sau khi Tiến sĩ Thái Anh Văn lên nắm quyền, thay ông Mã Anh Cửu.
Quan hệ quân sự giữa Singapore và Đài Loan được thiết lập cách đây hơn 4 thập kỷ. Năm 1974, Singapore và Đài Loan ký kết dự án Starlight, cho phép quân đội Singapore sử dụng một số thao trường để huấn luyện ở Đài Loan.
Euan Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney, Australia cho biết, cảnh báo này của Bắc Kinh là một mũi tên bắn 2 đích:
"Một mặt đó là sự trừng phạt nhằm ngăn chặn sự thẳng thắn (bảo vệ luật pháp quốc tế) của Singapore trong vấn đề Biển Đông. Mặt khác, nó còn nhằm tiếp tục cô lập chính quyền mới của đảng Dân Tiến, Đài Loan."
Lý Kiệt, một Đại tá hải quân Trung Quốc nghỉ hưu cho rằng, cách tiếp cận của Singapore trong vấn đề Biển Đông phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ, trong khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền đã ảnh hưởng đến "lợi ích quốc gia" của Trung Quốc.
Theo ông Lý Kiệt: "Đây cũng là một lời cảnh báo cho các quốc gia khác không quá gần gũi, không được ủng hộ chính quyền Đài Loan trong việc đòi độc lập.
Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp lợi ích cốt lõi của mình khi nói đến các vấn đề mang tính nguyên tắc."
"Trung Quốc có cớ trả đũa Singapore vì ủng hộ luật pháp quốc tế ở Biển Đông"(GDVN) - Tồi tệ hơn, việc bị tạm giữ ở Hồng Kông có thể làm lộ bí mật quân sự của Singapore. |
Vương Hàn Linh, một chuyên gia luật hàng hải tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhận định, quan hệ Singapore - Đài Loan không khiến Bắc Kinh chú ý nhiều bằng quan hệ Singapore - Mỹ.
Alexander Huang, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đại lục của chính quyền Đài Loan cho rằng, quan hệ hợp tác quân sự Singapore - Đài Loan không có tác động nào tiêu cực đến an ninh khu vực. Bởi vậy nó sẽ không bị ảnh hưởng, tác động từ một bên thứ ba. [1]
Cũng trong ngày 29/11, South China Morning Post dẫn lời chuyên gia quân sự Macau, Antony Wong Dong bình luận về sự kiện này:
"Tôi chắc chắn rằng, các chuyên gia của Nhà máy 617 quân đội Trung Quốc đóng ở Bao Đầu, Nội Mông và Viện Nghiên cứu xe (quân sự) Bắc Trung Quốc (Viện 201) có trụ sở tại Bắc Kinh đã xem xét 9 chiếc xe bọc thép bị mắc kẹt tại Hồng Kông.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc có thể tháo dỡ cả phần cứng và truy cập các phần mềm thuộc hệ thống thông tin liên lạc quân sự, một trong các bí mật quân sự hàng đầu.
Kết quả là quân đội Singapore có thể sẽ phải thay đổi toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc trong trường hợp xảy ra kịch bản tồi tệ nhất."
Nhà máy 617 chuyên sản xuất xe tăng Trung Quốc, còn Viện 201 là đơn vị thiết kế xe tăng.
Theo ông, quyết định chặn và tạm giữ 9 xe bọc thép Singapore ở Hồng Kông có thể liên quan đến Bộ Ngoại giao và quân đội Trung Quốc, đồng thời phải được đưa ra bởi một "lãnh đạo hàng đầu".
Động thái này có thể là một đòn nghiêm trọng ảnh hưởng đến quan hệ giữa Bắc Kinh với Singapore, ít nhất là trên khía cạnh quân sự.
Antony Wong Dong cảnh báo, động thái này sẽ khiến nhiều nước quanh Biển Đông cảnh giác với Trung Quốc:
"Đại lục dường như đang dùng tiểu xảo, thủ đoạn chứ không phải là một sự khôn ngoan chiến lược.
Tôi được biết, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Singapore đã vô cùng sửng sốt và ngạc nhiên bởi hành động bắt giữ này." [2]
Tài liệu tham khảo: