Những điều đáng suy ngẫm
Hiện nay ở nước ta, tai nạn giao thông đang trở thành một "vấn nạn" vô cùng nguy hiểm. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông liên quan ba yếu tố cơ bản: đường sá (kết cấu hạ tầng), phương tiện vận tải, con người.
Trong yếu tố con người, cùng với hành vi chấp hành luật giao thông thì thái độ "ứng xử" của người tham gia giao thông đóng vai trò không nhỏ trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông.
Văn hóa giao thông, thực chất là nói đến cách ứng xử của con người với các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và quan hệ giữa con người với nhau.
Có thể nói, văn hóa giao thông bao gồm văn hóa của người tham gia giao thông, văn hóa của những người quản lý, hoạch định giao thông.
Ý thức của người tham gia giao thông kém dẫn đến ùn tắc - ảnh nguồn Báo Tuổi Trẻ. |
Trong những yếu tố trên đây thì người trực tiếp tham gia giao thông đóng một vai trò quan trọng tạo nên văn hoá giao thông. Bức tranh văn hóa giao thông Việt Nam thời kỳ hội nhập rất đa dạng, phong phú, có mặt tích cực và cả mặt tiêu cực, trong đó mặt tiêu cực có phần nổi bật hơn.
Thí dụ, khi xảy ra ùn tắc giao thông, tâm lý của người tham gia giao thông là: Cần "thoát" khỏi điểm ùn tắc và những "vật cản" trên đường càng nhanh càng tốt. Nhằm đạt mục đích đó, người tham gia giao thông "nảy" ra các cách ứng xử khác nhau.
Thứ nhất, một bộ phận chấp nhận thực trạng hiện hữu, xếp hàng chờ đợi, tuân thủ sự điều hành của cảnh sát giao thông cho đến khi thông tuyến.
Thứ hai, một bộ phận khác, "bằng mọi cách", "mọi giá" vượt qua điểm ùn tắc và đến đích nhanh nhất, bất chấp các quy định của luật lệ giao thông, thậm chí coi thường sự an toàn ngay cả của mình và của những người xung quanh.
Hai cách ứng xử nói trên cùng tồn tại song song:
Nhóm thứ nhất, có thể gọi là những người có văn hóa giao thông, hay là cách ứng xử có văn hóa trong hoạt động giao thông.
Nhóm thứ hai, là những người thiếu văn hóa giao thông. Ðiều đáng buồn hiện tại tỷ lệ số lượng người thuộc nhóm thứ hai còn khá cao.
Tức là xã hội ta hiện nay, tình trạng coi thường kỷ cương, luật lệ giao thông, có thói quen đi lại không phù hợp nếp sống văn hóa, văn minh đang tồn tại khá phổ biến.
Một trong những hành vi vi phạm thể hiện ý thức của người tham gia giao thông kém là việc không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, gắn máy tham gia giao thông - ảnh nguồn Báo Đời sống và Pháp luật. |
Điều này lý giải vì sao những năm qua, Chính phủ đã có các Nghị định, Thông tư, Chỉ thị chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Bộ Công an cũng ra nhiều văn bản, chỉ thị, hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiến hành nhiều biện pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.
Các văn bản pháp luật đi từ việc tuyên truyền, giáo dục, đến xử lý, cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhưng có thể nói tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ hiện nay vẫn có những diễn biến phức tạp, thực sự chưa ổn định; vi phạm trật tự an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông vẫn đang có xu hướng phức tạp về nhiều mặt.
Những con số báo động
Thời gian qua số vụ vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông ngày một gia tăng. Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, trong 5 năm (2010-2014), lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện và xử lý 30.318.880 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Kho bạc Nhà nước thu hơn 11.465 tỷ đồng.
Như vậy, trung bình mỗi năm, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện và xử lý trên 6 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, Kho bạc Nhà nước thu trên 2.000 tỷ đồng.
Ngang nhiên băng qua giải phân cách để sang đường của nhiều người dân thể hiện hành vi thiếu văn hóa giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn gia thông - ảnh Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia. |
Trung bình mỗi năm cả nước có gần 10.000 người chết và hơn 20.000 người bị thương do tai nạn giao thông, gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng.
Tình hình vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ tập trung vào các lỗi như: người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ qui định; vi phạm các qui tắc tránh vượt, đi không đúng làn đường, phần đường; vượt đèn đỏ; không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe gắn máy; chở quá số người qui định; sử dụng rượu, bia quá nồng độ cho phép khi điều khiển phương tiện giao thông; phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng... nhiều trường hợp khi bị phát hiện, xử lý còn cố tình cản trở, chống lại người thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, tại các thành phố lớn, trong các giờ cao điểm, người tham gia giao thông thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài xảy ra (năm 2014 toàn quốc xảy ra 200 trường hợp, tăng 21 trường hợp so với năm 2013).
Không ít vụ ùn tắc nhỏ thành lớn là do hiện tượng chen lấn, người điều khiển phương tiện không xếp hàng chờ thông xe lần lượt, lại tìm cách vượt lên trước, bịt kín làn đường dòng xe ngược lại, tạo ra tình huống "nêm cối" rất khó gỡ.
Cũng cần phải nói thêm, mặc dù hệ thống giao thông vận tải những năm qua đã được nâng cấp và có sự đổi mới đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp mức độ gia tăng nhanh chóng về nhu cầu đi lại. Ðặc biệt ở khu vực đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng và vận tải công cộng thường xuyên chịu sức ép quá tải từ 150 đến 300%.
Trong điều kiện đó, việc mỗi thành viên trong xã hội không ngừng nâng cao nhận thức, tự giác thực hiện tốt những tiêu chí của văn hóa giao thông, mà cốt lõi là tuân thủ nghiêm túc và tự giác những quy định của các bộ luật giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường không) lại càng trở nên cấp thiết và là một trong những điều kiện hết sức quan trọng góp phần giảm thiểu tai nạn, tình trạng un tắc giao thông.
Văn hóa giao thông bắt đầu từ việc nhỏ nhất
Văn hóa giao thông được nhắc đến thường xuyên trong những năm gần đây, từng trở thành chủ đề chính của năm An toàn giao thông 2013.
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thì văn hóa giao thông trước hết được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật và theo chuẩn mực về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông.
Sau khi xảy ra va chạm giao thông thay vì tìm hướng giải quyết thì nhiều người lại "thượng cẳng chân - hạ cẳng tay" để nói chuyện phải trái - ảnh nguồn Báo Giao thông. |
Văn hóa giao thông phải hội tụ đầy đủ 3 tiêu chí: Thứ nhất là nhận thức và hành động, ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật;
Thứ hai là có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, biết tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ người khác trong quá trình tham gia giao thông trên đường;
Thứ ba là có thái độ văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và cần thiết phải có tinh thần “thượng tôn” pháp luật.
Chính vì vậy, bản thân mỗi người tham gia giao thông hãy nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm trong tham gia giao thông.
Để giảm thiểu tai nạn giao thông và tình trạng ùn tắc giao thông, mỗi người dân cần nâng cao ý thức và tôn trọng pháp luật. Nghe qua như câu hô khẩu hiệu, nhưng ý kiến của các chuyên gia giao thông của Hà Nội đều đồng tình quan điểm này.
Bởi nếu đi đúng làn đường, đúng đèn tín hiệu, việc lưu thông sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, nhất là trong điều kiện đường sá chật chội, phương tiện cá nhân quá nhiều như hiện nay.
Do đó, văn hóa giao thông phải được xây dựng từ trong mỗi gia đình, nhà trường đến các cơ quan công sở thông qua các biện pháp tuyên tuyền khác nhau.
Các lực lượng chuyên ngành, trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bằng cách tăng nặng mức phạt để răn đe. Và đã đến lúc cả xã hội phải "tuyên chiến" với kiểu tham gia giao thông “tùy tiện”.
Những kết quả đạt được trong kiểm tra, xử lý vi phạm chỉ thực sự có hiệu quả khi người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm luật và tự giác nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông.
Thực tế, đa số các trường hợp vi phạm đều là lứa tuổi thanh thiếu niên, nên để xây dựng được hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông, công tác tuyên truyền thời gian tới cần tập trung sâu rộng ngay từ các trường học.
Có thể nói văn hóa giao thông bắt đầu từ thói quen nhỏ nhất, đó là chấp hành nghiêm việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe máy điện, xe đạp điện.
Nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu giao thông, có thái độ tôn trọng, nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông, bênh vực, bảo vệ những trường hợp yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người già, người tàn tật.
Những hành vi tưởng như nhỏ bé ấy lại là nét đẹp có văn hóa trong tham gia giao thông, để cùng nhau xây dựng một xã hội không tai nạn giao thông, an toàn, thân thiện.