Con bị bạn bắt nạt, cha mẹ nên làm gì?

13/12/2016 06:49
Lê Xuân Chiến
(GDVN) - Con là giọt máu của mình, bao nhiêu yêu thương, kỳ vọng đều dành hết cho con. Vì vậy, thấy con bị đánh ai mà không xót.

LTS: Có nên dạy con phải đánh trả khi bị bạn bắt nạt hay không? Đây là câu hỏi khơi gợi chủ đề được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm.

Nếu con không phản kháng thì sẽ luôn bị bắt nạt, còn nếu để con đánh lại thì khiến tình trạng bạo lực học đường càng gia tăng.

Thầy giáo Lê Xuân Chiến cho rằng vai trò của bậc phụ huynh trong vấn đề này là rất quan trọng.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Trên diễn đàn Giáo dục của một báo điện tử có một bài viết nhận được 129 lời bình luận với đa số ý kiến tán thành, ủng hộ quan điểm “dạy con phải đánh trả khi bị bạn bắt nạt”. 

Sự đồng tình của đông đảo độc giả cũng là điều dễ hiểu, vì họ cùng chung “số phận”: có con bị bạn đánh. 

Con là giọt máu của mình, mang nặng đẻ đau, chăm sóc rất vất vả, bao nhiêu công sức, yêu thương, kỳ vọng đều dành hết cho con. 

Vì vậy thấy con bị đánh, ai mà không xót, thà mình bị đánh còn hơn. Làm cha làm mẹ ai cũng nghĩ như vậy. 

Nhiều bậc phu huynh cổ xúy việc cho con đánh lại bạn để tự vệ. (Ảnh: Tuoitre.vn)
Nhiều bậc phu huynh cổ xúy việc cho con đánh lại bạn để tự vệ. (Ảnh: Tuoitre.vn)

Con tôi từ khi 3, 4 tuổi đi nhà trẻ đã bị bạn đánh, xô ngã, cào cấu, cắn..., nói chung “nếm” đủ mùi... bạo lực học đường.

Lý do vì giành đồ chơi với bạn hoặc vì... vô cớ. Trẻ con mà, chúng hành động theo cảm xúc, bản năng, theo “ngôn ngữ cơ thể”! 

Con tôi bị cháu X trong lớp cào xước mặt. Lần đầu tôi và mẹ cháu kìm lòng, xem con mình xui xẻo, bạn cháu vô ý. Nhưng đến lần 2, rồi lần 3, mẹ cháu chịu không nổi, nổi giận đến gặp phụ huynh em X để “than thở”, yêu cầu phải “dạy con”. 

Lạ lùng thay, phụ huynh không những không xin lỗi, xin cảm thông mà tảng lờ đi, cười nhạt, nói một câu rất vô trách nhiệm: “Con nít mà, có gì đâu!”. 

Nếu không có tôi ngăn, chắc chắn đã có một cuộc “khẩu chiến” lớn giữa mẹ nó và người phụ huynh kia. 

Người xưa nói rồi “điều gì không muốn cho mình thì đừng làm cho người khác”. Cái chân lý đơn giản ấy vẫn có nhiều người không chịu hiểu. 

Chẳng hạn như người phụ huynh kia lẽ ra phải đặt trường hợp con mình bị cào cấu, từ đó có trách nhiệm khuyên bảo, răn đe con mình không được tiếp tục như vậy với bạn, nhưng ngược lại họ không thấy lỗi của con họ, xem đó là chuyện nhỏ, không đáng quan tâm. 

Chính người mẹ đó đã làm hư con của mình. Cháu này mỗi lần không hài lòng điều gì về bạn thì cào cấu, thậm chí cắn.

Nhiều trẻ trong lớp là “nạn nhân” của cháu này. Có cháu sau buổi học ra về với mấy dấu răng trên mặt cho cháu X cắn.

Rồi đến buổi họp phụ huynh cuối học kỳ, rất nhiều phụ huynh phản đối chuyện cháu X cào cấu, cắn, kéo tóc con mình. 

Con bị bạn bắt nạt, cha mẹ nên làm gì? ảnh 2

Bất ổn văn hóa học đường chủ yếu do đứt dây liên kết nhà trường-gia đình

Họ bức xúc đòi chuyển cháu X sang lớp khác hoặc cho cháu X nghỉ học để khỏi ảnh hưởng đến các cháu khác. Phụ huynh cháu X cúi mặt, khóc như mưa... 

Chợt có một phụ huynh đứng lên, rất thẳng thắn: “Trong chuyện này có lỗi của cô giáo nữa.

Cô giáo đã không quán xuyến các cháu, không chú ý can ngăn cháu X, để cháu X nhiều lần đánh bạn...”.

Cô giáo phải xin lỗi và cũng khóc luôn. Buổi họp phụ huynh kết thúc một cách nặng nề. Nhưng rồi sau đó, các cháu trong lớp không còn bị cháu X “gây thương tích” nữa.

Chuyện trẻ con đánh bạn là chuyện không ai mong muốn. Con mình bị đánh, ai không xót xa, giận dỗi? 

Nhưng còn có nhiều cách giải quyết, sao chúng ta lại dạy con đánh nhau, bảo con đánh trả khi bị bạn đánh? 

Mà con chúng ta liệu có chống trả được không, hay đánh trả một đấm, bị thêm 3 đấm nữa? 

Con chúng ta muốn đánh trả thì phải to khỏe, lanh lợi và “lỳ” hơn bạn nó mới được. Mà có chống trả được thì nội quy nhà trường không cho phép, cháu vi phạm nội quy đánh nhau. 

Tự vệ thì chính đáng thôi, nhưng e rằng không phù hợp lắm với các cháu Tiểu học. Chuyện gì xảy ra nếu mâu thuẫn tiếp tục xảy ra giữa các cháu? Con bạn có đánh trả thì mâu thuẫn vẫn còn đó. 

Thực tế ở trường tiểu học, các cháu còn nhỏ nhưng một số cháu “ghê” lắm, có cháu còn lôi kéo bạn bè tham gia đánh bạn, 3 cháu, 5 cháu đánh 1 cháu, có cháu lại dùng hung khí rất nguy hiểm.

Chuyện tự vệ trong trường hợp bất khả kháng sẽ khó thực hiện khi các cháu còn quá nhỏ, ở lứa tuổi học sinh Tiểu học. 

Hãy khuyên con mình không chơi với những bạn hung hăng, cộc cằn. Nếu nhỡ bị bạn đánh thì la lên, chạy đi và báo ngay với thầy cô giáo. 

Con bị bạn bắt nạt, cha mẹ nên làm gì? ảnh 3

Lạm thu, bạo lực, dạy thêm...sao không hỏi ý kiến học trò?

Bên cạnh những động tác cần thiết như né tránh, đỡ đòn (nếu có thể), thì la lên cũng là một cách phản ứng để bạn bè can gián, thầy cô can thiệp. 

Hãy khuyên con chơi với bạn ngoan, hiền, biết đoàn kết giúp bạn; dạy con biết tránh những “va chạm” không cần thiết với bạn bè. 

Ở trong trường có nội quy, các cháu còn nhỏ, biết làm thế nào đây khi bị bạn đánh? Bị thiệt đấy, nhưng phải “tẩu vi thượng sách” thôi. 

Con mình chẳng may bị đánh, là cha mẹ, chúng ta phải hết sức “nhẫn”, tìm hiểu lý do vì sao con mình bị bạn đánh và báo với thầy cô giáo, phụ huynh liên quan để bàn biện pháp giải quyết. 

Các cháu còn nhỏ, cha mẹ phải chịu trách nhiệm về hành vi của con mình. Nhà trường cũng chịu một phần trách nhiệm nếu không giáo dục, ngăn chặn, uốn nắn học sinh, để xảy ra chuyện học sinh đánh bạn nhiều lần. 

Nếu con bạn bị đánh lần thứ hai trở đi, bạn cần báo hiệu trưởng để can thiệp, “gây áp lực” để giáo viên chủ nhiệm tăng cường trách nhiệm quản lý học sinh trong lớp.

Xã hội văn minh, hành xử theo kiểu văn minh. Chúng ta phản đối bạo lực học đường, sao “dạy” con đánh nhau với bạn, trong khi còn có nhiều cách giải quyết khác hợp lý hơn, thỏa đáng hơn ? 

Phật nói: “Lấy oán báo oán, oán sẽ chất chồng”. Còn Mohandas Gandhi thì nói: “Mắt đổi mắt chỉ làm cho thế giới mù lòa”. 

Dạy con đánh trả khi bị bạn đánh là một giải pháp sai lầm, “hạ sách”. Làm cha làm mẹ, có con bị đánh ai không bức xúc, nhưng không nên dạy bảo con như vậy, vì làm thế chúng ta vô tình đưa con đi vào con đường bạo lực. Phải chăng bạo lực học đường bắt đầu manh nha từ đây?

Tài liệu tham khảo:
- http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20161202/toi-day-con-phai-danh-tra-khi-bi-ban-bat-nat/1229170.html
- http://tuoitre.vn/tin/giáo-dục/20161204/vì-sao-chúng-tôi-dạy-con-đánh-lại-khi-bị-bắt-nạt/1230238.html

Lê Xuân Chiến