Đảo nhân tạo ở Biển Đông không có giá trị tấn công thì Trung Quốc xây làm gì?

08/12/2016 14:37
TS Trần Công Trục
(GDVN) - Không có gì chắc chắn đảm bảo Trung Quốc sẽ sử dụng các đường băng này vào việc không kích các nước ASEAN.

The Straits Times ngày 8/12 đăng bài bình luận của tác giả Tan Kok Tim nhận định: các mối đe dọa ở Biển Đông không thể trở thành hiện thực. Tác giả Tan Kok Tim cho rằng:

"Không ai có thể ngăn chặn sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc về kinh tế và quân sự.

Bất kỳ một sự đề cập nào về âm mưu chống lại Trung Quốc hay kiềm chế nước này ở Biển Đông phải được đặt câu hỏi: nó sẽ phục vụ mục đích gì?

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen hôm 4/12 đã phát biểu trước người đồng cấp Hoa Kỳ tại Diễn đàn Quốc phòng thường niên Reagan tại Simi Valley, California:

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

"Sự hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không thể chỉ để kiềm chế Trung Quốc, dù nhận thức bằng cách này hay cách khác". [1]

Việc bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng đường băng trên đó được Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ở Biển Đông chỉ mất vài tháng để hoàn thành, và với quan điểm (sử dụng chúng) cởi mở.

Sự gia tăng căng thẳng trong vòng 11 tháng qua không phải xoay quanh chúng (đảo nhân tạo / đường băng / cơ sở quân sự Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam?).

Không có gì chắc chắn đảm bảo Trung Quốc sẽ sử dụng các đường băng này vào việc không kích các nước ASEAN.

Bởi để làm điều đó, họ phải bố trí một lực lượng quân sự lớn tại các đảo (nhân tạo) nhỏ, mà (toàn bộ quá trình này) sẽ bị phát hiện trước.

Tôi cũng không tin rằng các đảo nhỏ này đủ lớn để chứa một lực lượng tấn công lớn.

Thay vào đó ta nên nhìn vào các đường băng như một cách để Trung Quốc mở rộng phạm vi phòng không chiến lược bảo vệ đảo Hải Nam và khu vực ven biển phía Nam Trung Quốc khỏi những cuộc tấn công từ biển.

Bất kỳ hoạt động nào nhằm phong tỏa tuyến đường biển huyết mạch hay không phận Biển Đông sẽ không có gì tốt. Nghĩ về điều đó trước tiên sẽ là chuyện dại dột.

Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương và Biển Đông để đảm bảo tự do hàng hải cho tất cả tàu thuyền, máy bay đi qua eo biển Malacca và vùng biển Singapore.

Với những ai quan tâm đến giảm căng thẳng, tất cả các nước phải chấp nhận rằng, những lo ngại tiêu cực khác nhau và các tình huống ở Bển Đông không có khả năng xảy ra." [2]

"Giá trị" uy hiếp an ninh khu vực, bẻ cong luật pháp quốc tế của đảo nhân tạo Trung Quốc xây bất hợp pháp ở Biển Đông

Người viết nhận thấy có những đánh giá đáng lưu ý về "giá trị quân sự" của 7 đảo nhân tạo tạm tách rời khỏi các yếu tố pháp lý và ngoại giao. Tuy nhiên bình luận của tác giả Tan Kok Tim có nội dung cá nhân tôi nghĩ rằng nó không chính xác.

Đảo nhân tạo ở Biển Đông không có giá trị tấn công thì Trung Quốc xây làm gì? ảnh 2

Đài Loan có thể là con bài chiến lược Trump ngăn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

(GDVN) - Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ nếu mạnh dạn, sẵn sàng hành động thì luôn có những cơ hội ngăn chặn và đảo ngược xu thế bành trướng.

Thứ nhất, xin không bình luận gì về giá trị quân sự của 7 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông.

Có thể các nhà quân sự, các nhà phân tích chiến lược có những góc nhìn khác nhau về điều này. Đó là chuyện bình thường.

Những đánh giá như thế này cung cấp thêm những góc nhìn và nhận định đa chiều về một vấn đề hệ trọng liên quan đến an ninh Biển Đông. Tiếp cận nó một cách thận trọng cũng có thể tìm ra những điều có ích.

Bản thân giới quân sự Trung Quốc cũng đã từng có quan điểm nhìn nhận rằng, 7 đảo nhân tạo Trung Quốc xây (phi pháp) ở Trường Sa có giá trị "làm cảnh" nhiều hơn là tác chiến.

Điều này còn được đăng công khai trên tạp chí chuyên ngành của hải quân và ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc. [3]

Thứ hai, dù có giá trị tấn công quân sự hay không, các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông vẫn là một mối đe dọa, mối uy hiếp không nhỏ đối với hòa bình, ổn định trong khu vực và an ninh Biển Đông.

Bởi lẽ tác giả Tan Kok Tim mới chỉ đề cập đến khả năng chiến tranh / xung đột quân sự. Nhưng thủ đoạn của Trung Quốc lại là "uy hiếp bằng vũ lực" chứ chưa hẳn phải dùng đến vũ lực.

Điển hình là các thủ đoạn được họ tổng kết bằng những cái tên như "tằm ăn dâu", "bắp cải", "cắt lát xúc xích", mục tiêu từng bước tạo ra "trạng thái bình thường mới", dần tiến tới độc chiếm Biển Đông thành ao nhà.

Có thể nói thủ đoạn này nguy hiểm và khó đối phó hơn nhiều việc "sống mái một trận" với đối thủ ở Biển Đông.

Chính sách "xoay trục" của ông Obama không đi đến đâu bởi Mỹ không muốn chiến tranh với Trung Quốc, mà Bắc Kinh lại thừa hiểu điều này, đồng thời đã tìm ra cách hóa giải nó.

Bởi vậy tôi hy vọng rằng, Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ sẽ sử dụng con bài chiến lược địa chính trị đủ mạnh để hóa giải nước cờ độc chiếm Biển Đông, đẩy Mỹ khỏi khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đã có những chỉ dấu ban đầu về khả năng này, nhưng không phải là dùng vũ lực chống lại vũ lực.

Thứ ba, không thể biện minh cho những hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ở Biển Đông trong việc bồi đắp đảo nhân tạo, hủy diệt môi trường sinh thái và quân sự hóa.

Nhận định của Tan Kok Tim rằng "những lo ngại tiêu cực khác nhau và các tình huống ở Biển Đông không có khả năng xảy ra" là không chính xác.

Ví dụ minh họa rõ nhất cho điều này là 2 cuộc khủng hoảng do Trung Quốc gây ra: năm 2012 chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines, năm 2014 hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Ngoài ra còn vô số các vụ việc phức tạp tương tự Trung Quốc gây ra cho các nước, không chỉ Philippines, Việt Nam mà còn cả Malaysia, Indonesia trên Biển Đông, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước này, không có tranh chấp. 

Ngay cả Singapore, một nước không có yêu sách ở Biển Đông cũng gặp những phiền toái từ Trung Quốc chỉ vì họ ủng hộ thượng tôn pháp luật, duy trì hòa bình, ổn định và trật tự quốc tế ở Biển Đông.

Thứ tư, Tan Kok Tim mới chỉ dẫn một nửa thông điệp của ông Ng Eng Hen nói với ông Ash Carter tại Mỹ. The Straits Times ngày 5/12 còn dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Singaproe nói rằng:

"Rõ ràng là Trung Quốc cần thế giới cũng như thế giới cần Trung Quốc, và tôi nghĩ rằng xu thế phụ thuộc lẫn nhau này sẽ phát triển chứ không suy giảm". 

Ông Ng Eng Hen tin rằng, sự hiện diện của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương nếu chỉ dựa chủ yếu vào an ninh, sẽ chỉ là một cấu trúc một chiều. Mỹ cần phát triển một sự hiện diện lớn hơn về kinh tế trong khu vực. [1]

Như vậy có thể thấy, rõ ràng các nhà lãnh đạo Singapore ý thức rất rõ, Biển Đông yên bình hay bất ổn phụ thuộc rất nhiều vào 2 tay chơi Trung - Mỹ. 

Cạnh tranh giữa 2 siêu cường ở Biển Đông là thực tế không thể phủ nhận. Bên nào cũng đưa ra lý lẽ của mình. Nếu để nó vượt tầm kiểm soát có thể sẽ gây nguy hiểm cho khu vực.

Với những nước nhỏ trong khu vực, đặc biệt là quốc đảo Singapore phụ thuộc rất lớn vào hoạt động giao thương, một khi an ninh, an toàn hàng không hàng hải ở Biển Đông bị đe dọa là Singapore bị uy hiếp.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Ap.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Ap.

Nói như Thủ tướng Lý Hiển Long, Biển Đông tắc thì Singapore chết. [4]

Singapore và các nước nhỏ ven Biển Đông cần có sự hiện diện của Hoa Kỳ, cả về quân sự lẫn kinh tế, hành xử dựa trên luật pháp quốc tế.

Vì thế duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lựa chọn sống còn của các nước nhỏ trong khu vực. Nhưng duy trì bằng cách nào? Đó chính là phải bảo vệ cho được luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982 ở Biển Đông.

Mọi hành vi cạnh tranh của các siêu cường trong khu vực cũng như ứng xử của các bên cần được xem xét dưới lăng kính pháp lý để hướng tới một tiếng nói chung, đồng thời đảm bảo sự công bằng, trật tự quốc tế trong khu vực.

Thứ năm, mặc nhiên thừa nhận những hành động trái pháp luật của Trung Quốc cũng có nghĩa là mặc nhiên thừa nhận cái gọi là "chủ quyền" vô lý, phi pháp mà họ yêu sách ở Biển Đông.

Có thể nói rằng, Trung Quốc tìm mọi cách, áp dụng mọi thủ đoạn để lừa các bên liên quan, khu vực và quốc tế chui vào cái bẫy mặc nhiên thừa nhận này.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 8/12 đưa tin, các đảo nhân tạo Trung Quốc xây (trái phép) ở Trường Sa đang được trang bị tốt nhất, là căn cứ tân tiến nhất trong khu vực với đầy đủ sân bay, bệnh viện, trang trại, phủ sóng tín hiệu 4G...

Doanh trại quân sự có đầy đủ phòng tắm nóng lạnh, điều hòa, ti vi, máy giặt...

Trung Quốc đang triển khai khoảng 20 dự án nghiên cứu khoa học tại 7 đảo nhân tạo, như khử mặn nước biển, xử lý phế thải, môi trường, năng lượng mặt trời...

Hoàn Cầu dẫn lời Liu Feng, một chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu về Biển Đông nói rằng: các cơ sở này sẽ phục vụ tất cả các nước xung quanh Biển Đông và những con tàu đó đang đi qua khu vực này (?!). [5]

Kết hợp với chiến lược Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, rất có thể các đảo nhân tạo này sẽ là điểm khởi đầu.

Đây là chiến lược mềm để giành sự công nhận mặc nhiên, tạo ra chỗ cắm chân bất hợp pháp mà không ai làm gì được, nếu các bên liên quan hưởng ứng, tham gia các dịch vụ này mà không có những nghiên cứu thấu đáo, bảo lưu cần thiết về chủ quyền và lợi ích hợp pháp của mình..

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.straitstimes.com/world/us-requires-greater-economic-presence-in-asia-pacific

[2]http://www.straitstimes.com/forum/letters-in-print/threats-in-south-china-sea-unlikely-to-materialise

[3]http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/3-duong-bang-Trung-Quoc-xay-phi-phap-o-Truong-Sa-it-co-gia-tri-tac-chien-post172843.gd

[4]http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Bien-Dong-tac-Singapore-chet-post170297.gd

[5]http://www.globaltimes.cn/content/1022383.shtml

TS Trần Công Trục