Những chính sách thiết thân với Nhà giáo

14/05/2017 06:14
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Một số chính sách đối với Nhà giáo giới thiệu dưới dạng hỏi đáp theo chuyên mục tư vấn pháp luật.

LTS: Giải đáp một số thắc mắc về các chính sách với giáo viên, thầy Trần Trí Dũng chia sẻ một số nội dung tư vấn như chuyển ngạch, các chế độ phụ cấp, bảo hiểm và thắc mắc về chứng chỉ ngoại ngữ cho giáo viên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả!

1. Chuyển ngạch giáo viên

Hỏi: Tôi là người đã tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, được tuyển dụng và dạy môn Thể dục tại một trường Trung học phổ thông, với ngạch giáo viên Trung học cơ sở. Sau này tôi học Đại học và đã tốt nghiệp.

Vậy, với trường hợp của tôi có được chuyển ngạch giáo viên hay vẫn giữ ngạch giáo viên Trung học cơ sở? Hãy cho biết điều kiện đặc cách chuyển chức danh nghề nghiệp của giáo viên?

Trả lời: Theo Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước đã quy định: 

"Căn cứ vào Quyết định công nhận kết quả thi của cấp có thẩm quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sự nghiệp quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm và xếp lương viên chức vào ngạch dự thi theo quy định". 

Do đó, trong trường hợp này phải có đơn (văn bản) xin chuyển ngạch. Nếu chưa có văn bản đề nghị thì cơ quan quản lý không có cơ sở để chuyển ngạch. 
   
Bên cạnh đó, tại điều 8 của Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGD ĐT-BNV ngày 16/9/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ có quy định mã số, tiêu chuẩn chúc danh nghề ngiệp giáo viên Trung học phổ thông công lập. 

Theo đó, chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông trong các trường trung học phổ thông công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: 
+ Giáo viên trung học phổ thông hạng I - Mã số: V.07.05.13.
+ Giáo viên trung học phổ thông hạng II - Mã số: V.07.05.14.
+ Giáo viên trung học phổ thông hạng III - Mã số: V.07.05.15.

Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT hạng II mang mã số V.07.05.14 đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên THPT cao cấp mã số 15.112; việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT hạng III mang mã số V.07.05.15 đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên THPT cao cấp mã số 15.115. 

Theo căn cứ đó, do bạn đang giữ  mã ngạch 15a.202 nên không thể xét đặc cách chuyển sang chức danh nghề nghiệp THPT hạng III mã số V.07.05.15 được. Trường hợp này cần có phải có hướng dẫn mới để có căn cứ chuyển. 

Tư vấn chính sách dành cho giáo viên. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Tư vấn chính sách dành cho giáo viên. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

2. Xét tuyển đặc cách viên chức giáo viên

Hỏi: Tôi hiện đã tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm và đang dạy học tại một trường Trung học cơ sở theo diện hợp đồng tuyển dụng đã được 3 năm.

Tôi được biết hiện nay có chính sách xét tuyển đặc cách viên chức nếu có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 3 năm trở lên. Vậy, trường hợp của tôi có được xét đặc cách không?
 

Trả lời: Theo quy định tại điểm a, khoản 1 điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì trường hợp những người đang công tác trong ngành hoặc trong lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cần tuyển dụng viên chức có thời gian kinh nghiệm công tác từ 03 năm trở lên hoặc thực hiện nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp 
với vị trí việc làm cần tuyển (không kể thời gian tập sự, thử việc); không vi phạm kỷ luật trong thời gian công tác...; được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí được tuyển thì được xét tuyển đặc cách. 

Mặt khác, theo quy định tại điều 7 Thông tư số 15/2012/ TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về việc tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng với viên chức thì căn cứ vào nhu cầu công việc, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyên dụng viên chức được xét tuyên đặc cách không theo trình tự, thủ tục tuyển dụng viên chức.         
    
Tuy nhiên, nếu trước khi xét đặc cách, bạn đã tham gia thi tuyển công chức, viên chức nhưng không trúng tuyển thì phải chấm dứt hợp đồng. Nếu bạn tiếp tục được hợp đồng lại thì không phải đối tượng được xét tuyển đặc cách. 

3. Chế độ hưởng phụ cấp

Hỏi: Tôi là một giáo viên đã được hưởng phụ cấp thu hút đủ 5 năm liên tục trong thời gian công tác ở một trường học có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Sau đó, tôi được luân chuyển đến một trường khác cũng thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nhưng trong quyết định không có ghi thời hạn luân chuyển. 

Vậy xin cho biết trường hợp của tôi có được phụ cấp thu hút như theo Nghị định số 19/2013/NĐ-CP của Chính phủ nữa không?

  
Trả lời: Về việc xác định phụ cấp thu hút được thực hiện theo Nghị định số 19/2013/NĐ-CP của Chính phủ và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5747/BGD ĐT-TCCB hướng dẫn. 

Theo đó, nếu trong quyết định luân chuyển từ vùng không phải điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn mà không ghi rõ thời hạn luân chuyển thì cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương, cụ thể là UBND và Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện phải có trách nhiệm xác định, làm rõ thời hạn luân chuyển thì mới có thể thực hiện một cách đảm bảo được các chính sách theo quy định của Nghị định số 19/2013/NĐ-CP. 

Như vậy, để thực hiện được chính sách theo quy định thì trách nhiệm này thuộc về UBND Huyện và Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện. 

4. Chế độ hưởng Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế  

Hỏi: Tôi là một người công tác trong ngành Giáo dục và đã đóng Bảo hiểm xã hội được 5 năm liên tục, mới đây tôi bị tai nạn và phải thực hiện phẫu thuật. 

Sau đó tôi mang hóa đơn viện phí đến cơ quan Bảo hiểm xã hội của huyện để được thanh toán chế độ như cơ quan này yêu cầu tôi cung cấp bảng kê chi tiết các khoản đã chi trả cho bệnh viện. 

Những chính sách thiết thân với Nhà giáo ảnh 2

Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục không còn quản lý về tuyển sinh

Tuy nhiên, khi tôi đến Bệnh viện để hỏi lại về vấn đề này thì được Bệnh viện trả lời là các chi phí đã được ghi đầy đủ trong hóa đơn. 

Xin cho biết, tôi phải làm những thủ tục gì để được thanh toán chế độ Bảo hiểm y tế và trường hợp của tôi có được hưởng quyền lợi gì khi đã tham gia Bảo hiểm y tế đủ 5 năm liên tục hay không?

   
Trả lời: Theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về hồ sơ cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm, không yêu cầu bệnh nhân cung cấp mẫu 02/BV khi đã có đủ hóa đơn, biên lai tài chính.

Do đó, việc nhân viên Bảo hiểm xã hội yêu cầu bạn cung cấp mẫu 02/BV là không đúng với quy định.
   
Cũng theo quy định, khi tiếp nhận, cơ quan Bảo hiểm xã hội Huyện phải chuyển hồ sơ để gửi Bảo hiểm xã hội Tỉnh có bệnh viện điều trị bệnh nhân thẩm định lại hồ sơ bệnh án và thông báo lại kết quả.

Khi đó, Bảo hiểm xã hội mới có cơ sở xác nhận số tiền cùng chi trả trong năm tái chính quá 6 tháng lương cơ sở để bệnh nhân được miễn phí cùng chi trả. 
   
Việc Bảo hiểm xã hội Huyện yêu cầu cung cấp bảng kê chi tiết khám chữa bệnh theo mẫu 02/BV nơi điều trị bệnh có thể là muốn nhanh chóng hơn khi giải quyết nhưng như vậy lại không đúng với quy định. 

Bởi thực tế bảng chi phí khám chữa bệnh thê hiện rõ các khoản Bảo hiểm y tế phải chi, các khoản người bệnh cùng chi trả và các khoản khác không thuộc phạm vi chi trả của quỹ Bảo hiểm y tế. Còn trong hóa đơn hoặc phiếu thu viện phi chỉ thể hiện tổng số tiến thu chung.          
   
Theo quy định của khoản 8 điều 43 Luật bảo hiểm y tế được sửa đổi, bổ sung ngày 13 tháng 6 năm 2014 thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia Bảo hiểm y tế phải có trách nhiệm cung cấp bảng kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế khi có yêu cầu.

Việc cơ sở khám chữa bệnh không cung cấp bảng kê chi phí cho người bệnh là chưa đúng với quy định của Luật bảo hiểm y tế.
   
5. Chứng chỉ trong giảng dạy ngoại ngữ

Hỏi: Tôi là một giáo viên hiện đang giảng dạy môn Tiếng Anh tại một trường Trung học cơ sở, tôi đã được cấp chứng chỉ B2 do một đơn vị Đại học có thẩm quyền đào tạo, thi và cấp chứng chỉ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nhưng ở một tỉnh khác nơi tôi đang công tác. 

Do đó, cơ quan quản lý cấp trên lại nói chứng chỉ đó không được công nhận. Vậy, xin cho biết, tôi có cần thi lại chứng chỉ B2 tại một sơ sở trong tỉnh nơi tôi công tác không?

   
Trả lời: Theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về khung năng lực ngoại ngữ dùng cho Việt Nam thì có 6 bậc năng lực ngoại ngữ. 

Đây là căn cứ để công nhận văn bằng, chứng chỉ quốc gia và để người học tự đánh giá được năng lực ngoại ngữ của mình. 

Theo đó, theo Thông tư này, Chứng chỉ ngoại ngữ Tiếng Anh loại B2 của bạn thuộc khung năng lực trung cấp bậc 4.  

Những chính sách thiết thân với Nhà giáo ảnh 3

Giáo viên không cần chạy đôn, chạy đáo học chứng chỉ ngoại ngữ

Nếu căn cứ theo Công văn số 3755/BGD ĐT-GDTX ngày 3/8/2016 của Bộ Giáo dục và đào tạo thì việc chấp nhận chứng chỉ/chứng nhận năng lực ngoại ngữ nào và thời hạn áp dụng của chứng chỉ/chứng nhận là do Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Giám đốc sở giáo dục và đào tạo (nếu được Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ủy quyền) xem xét, quyết định dựa theo yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đối với vị trí công việc.
    
Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có quy định bắt buộc nào là phải sử dụng một loại chứng chỉ, chứng nhận Tiếng Anh cụ thể nào.  

Việc quyết định sử dụng các chứng nhận Tiếng Anh là do đơn vị tuyển dụng, sử dụng người lao động quyết định. 

Như vậy cũng đồng nghĩa với việc công nhận, chứng nhận năng lực ngoại ngữ phụ thuộc vào quyết định của đơn vị tuyển dụng, sử dụng người lao động. Do đó, bạn nên tìm hiểu lại tại cơ sở xem có cần thiết phải thi lại chứng chỉ hay không.

Trần Trí Dũng