Sau vụ cướp xảy ra tại một phòng giao dịch của ngân hàng tại Thừa Thiên-Huế, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu rà soát việc thiết kế, bố trí quầy giao dịch, vách kính, cửa ra vào nhằm đảm bảo việc ngăn chặn cướp đột nhập quầy giao dịch.
Theo đó trong Công điện số 03 do thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ký nêu rõ để đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản trong các khâu giao dịch, két quỹ, kho tiền…
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu tăng cường an ninh quầy giao dịch. - ảnh Báo Đầu tư |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu thủ trưởng các đơn vị: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện ngay một số công việc:
Tăng cường công tác chỉ đạo, phổ biến hướng dẫn, kiểm tra trong toàn hệ thống (đối với các tổ chức tín dụng), trên địa bàn (đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố) về công tác an toàn kho quỹ, các hoạt động giao dịch kiểm đếm, vận chuyển, bảo quản tiền mặt, vàng, các hoạt động quản lý máy ATM… để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật hiện hành.
Rà soát lại các quy trình nội bộ trong công tác tiền tệ kho quỹ để đảm bảo thống nhất, quản lý chặt chẽ an toàn tài sản.
Kiểm tra, rà soát hệ thống thiết bị an toàn tại nơi giao dịch như hệ thống camera, các hệ thống báo động, nút ấn báo động tại trụ sở, quầy giao dịch và các khu vực khác có liên quan; kịp thời bổ sung, sửa chữa, thay thế, đảm bảo các hệ thống thiết bị hoạt động phát huy hiệu quả, đặc biệt là hệ thống camera quan sát khu vực giao dịch tiền mặt, khu vực trước cửa, sảnh trụ sở của đơn vị;
Rà soát việc thiết kế, bố trí quầy giao dịch, vách kính, cửa ra vào quầy giao dịch đảm bảo việc ngăn chặn khả năng cướp hoặc đột nhập quầy giao dịch.
Tăng cường công tác giám sát, bảo vệ, đảm bảo an toàn tài sản tại nơi giao dịch; nhân viên bảo vệ phải có sức khỏe, nghiệp vụ để xử lý kịp thời các tình huống, không được rời vị trí trực và thực hiện đúng quy định khi thực thi nhiệm vụ; xây dựng phương án bảo vệ chống đột nhập, cướp tiền, tài sản dưới mọi hình thức.
Thường xuyên tổ chức diễn tập tình huống cho nhân viên và bảo vệ ngân hàng.
Tổ chức các hoạt động nghiệp vụ tại đơn vị như: Công tác kiểm kê cuôi ngày, công tác vận chuyển tiền, tiếp quỹ đảm bảo an toàn, bí mật, tránh việc kẻ gian theo dõi quy luật hoạt động của ngân hàng để gây án.
Đối với cán bộ, nhân viên và bảo vệ ngân hàng phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác để chủ động đối phó và phòng ngừa kẻ gian, đặc biệt là vào thời điểm dịp lễ, Tết khi lượng tiền mặt giao dịch và khách hàng tăng cao.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo việc tăng cường đảm bảo an toàn kho quỹ đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Chủ tịch Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên), Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm chỉ đạo việc tăng cường đảm bảo an toàn kho quỹ trong hệ thống.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc công điện này.