Reuters ngày 14/12 đưa tin, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris cho hay, Mỹ sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc trong trường hợp nước này tiếp tục thực hiện yêu sách lãnh thổ vô lý, phi pháp ở Biển Đông.
Bắc Kinh tuyên bố cái gọi là chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, nơi có tuyến giao thông hàng hải thương mại trọng yếu toàn cầu, với tổng giá trị khối lượng thương mại trung chuyển qua khu vực này lên đến 5 ngàn tỉ USD mỗi năm.
Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng những phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 xét xử vụ kiện áp dụng và giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 giữa Philippines và Trung Quốc.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ, ảnh: AP. |
Phán quyết Trọng tài công bố ngày 12/7 đã vô hiệu hóa yêu sách "quyền lịch sử" và đường lưỡi bò vô lý, bất hợp pháp Trung Quốc đòi hỏi ở Biển Đông.
Tuy nhiên Bắc Kinh vẫn tiếp tục gia tăng hành động, và Hoa Kỳ đã sẵn sàng đáp ứng, Đô đốc Harry Harris phát biểu tại Sydney:
"Chúng tôi sẽ không cho phép một vùng biển quốc tế vốn được sử dụng chung bị đơn phương đóng cửa, dù có bao nhiêu cơ sở (quân sự) được xây dựng trên đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông đi nữa.
Chúng tôi sẽ hợp tác khi chúng tôi có thể, nhưng chúng tôi sẽ sẵn sàng đối đầu khi buộc phải đối đầu.
Chiến đấu của Mỹ trong cuộc chiến tranh đầu tiên để giành độc lập cũng là để bảo vệ tự do hàng hải. Đây là nguyên tắc xuyên suốt, và là một trong những lý do lực lượng của chúng tôi sẵn sàng chiến đấu ngay cả tối nay". [1]
Tờ Sky News của Australia dẫn lời tướng Harry Harris cho biết, ông sẽ không để Trung Quốc phong tỏa hoạt động ở Biển Đông. Các nước khác nên cùng tham gia hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở BIển Đông.
Phát biểu tại Viện Lowy, ông Harris nói nước Mỹ sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc nếu cần thiết, và không cho phép Bắc Kinh tiếp tục xây dựng (trái phép) ở các đảo nhân tạo.
Australia có thể thực hiện các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, và Mỹ không đòi hỏi Canberra phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh.
Hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông không phải để ngăn chặn Trung Quốc, mà là để thực hiện và bảo vệ quyền lợi của tất cả các nước trong khu vực, bao gồm Trung Quốc. [2]
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.reuters.com/article/us-southchinasea-usa-idUSKBN1430CJ