Các trường học tiếp nhận thực phẩm cũng chỉ có thể phân biệt chất lượng thực phẩm bằng mắt thường qua các tiêu chí như: bắt mắt, tươi xanh... nên bữa cơm cho học sinh bán trú cũng tiềm ẩn nguy cơ rất cao.
“Trăn trở” chọn thực phẩm sạch
Ông Phạm Đắc Vinh, Tổng giám đốc Công ty Đắc Vinh (trụ sở trên đường Trưng Nữ Vương, Q.Hải Châu, Đà Nẵng), đơn vị cung ứng thực phẩm cho nhiều bếp ăn trường học trên địa bàn thành phố cho biết, trăn trở lớn nhất của người cung ứng là không kiểm tra được nguồn rau, củ, quả nhập về có sạch thật không?
Thực phẩm chế biến đồ ăn cho học sinh được chọn lọc bằng mắt thường chứ không có máy móc kiểm tra. (Trong ảnh: khâu chế biến thực phẩm tại trường mầm non Cẩm Nhung - Đà Nẵng) |
“Công ty chúng tôi cũng nghe người ta nói vùng đó, xã đó là nơi trồng và cung cấp rau sạch thì tin tưởng đến ký hợp đồng mua. Còn để kiểm tra kỹ lưỡng xem có sạch thật hay không thì chịu vì không có thiết bị, chuyên môn” ông Vinh nói.
Công ty My Way "tuồn" thực phẩm bẩn vào trường học ở Hà Nội(GDVN) - Là đơn vị lớn chuyên cung cấp thực phẩm cho các trường học trên địa thành phố Hà Nội nhưng Công ty My Way lại không thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Ông Vinh cũng chia sẻ thêm, đó là điều mà ông đang rất trăn trở bởi “họ nói sạch là một việc, còn kiểm tra trong đó có hóa chất, dư lượng thuốc trừ sâu hay không thì bó tay”.
Cũng như ông Vinh, các đơn vị cung ứng thực phẩm cho trường học chỉ còn biết căn cứ và đặt lòng tin vào “con dấu cấp phép” của chính quyền.
“Chúng tôi nhập rau xanh ở một vùng được cho là an toàn thì cũng dựa trên cơ sở lòng tin vào chính quyền. Đó là những vùng trồng rau được chính quyền cấp các giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có đầy đủ giấy tờ cần thiết” chủ một đơn vị cung ứng rau xanh cho hay.
Còn theo ông Vinh, mỗi ngày, Công ty này còn nhập về hàng tấn rau, củ, quả từ các tỉnh Tây Nguyên về phân phối cho những bếp ăn trường học.
“Đối với rau, củ, quả nhập từ nơi khác về thì chúng tôi cũng chỉ có thể dựa vào uy tín của công ty cung ứng đối tác, không có cơ chế kiểm tra, sàng lọc nào”.
Ông Vinh cũng thừa nhận rằng, ngay chính đơn vị cung ứng cũng không dám khẳng định chắc chắn số thực phẩm ấy có sạch hay không mà chỉ nhìn cảm tính bằng mắt thường. Trong đó, chủ yếu xem có bị hư hại, thối rửa hay không?
“Nhiều trường hợp thấy quả cà chua, củ cà tím bị hư, chất lượng không đều, điện lên hỏi đối tác thì họ nói do ảnh hưởng thời tiết. Mình cũng biết vậy chứ đâu thể kiểm tra hết dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong đó” ông Vinh thẳng thắn nói.
“Thẩm định” thực phẩm bằng cảm tính
Thực phẩm từ nơi sản xuất qua tay nhà cung ứng, đến tận bếp ăn của trường học nhưng các khâu kiểm tra, kiểm soát cũng chỉ bằng cảm tính.
Bà NT.S, đầu bếp chính của một trường mầm non cho hay, hàng ngày, cơ sở này nhận hàng trăm kg thực phẩm như: thịt, cá, rau xanh... để chế biến, nấu ăn cho số lượng lớn học sinh đang học bán trú.
Phát hiện "bữa ăn thịt thối" dành cho trẻ tiểu học(GDVN) - Sự việc kinh hoàng này được gửi tới GDVN, thực phẩm là thịt ôi thiu, không loại trừ là của heo bệnh được chế biến cho cả trăm học sinh tiểu học ăn hàng ngày... |
Nguồn thực phẩm cũng được lựa chọn từ những cơ sở sản xuất có uy tín, thương hiệu và được chính quyền cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bà S. cũng phải nhận các loại thực phẩm không đạt yêu cầu, bị hư hỏng hay nghi ngờ có chứa chất cấm.
“Chúng tôi không cần thực phẩm đẹp mà yêu cầu chính phải là sạch và an toàn. Nhiều trường hợp thực phẩm họ chuyển đến đã bị chuyển màu hoặc ẩm mốc thì trường yêu cầu chuyển trả ngay lập tức. Nếu nhiều lần nhận thực phẩm không đảm bảo chất lượng thì chúng tôi sẽ đề xuất nhà trường cắt ngay hợp đồng với nhà cung ứng” bà S. nói.
Cũng theo bà S. thì việc phát hiện thực phẩm như: rau, thịt, cá... không đảm bảo cũng chỉ dựa vào mắt thường, không có thiết bị cụ thể để kiểm tra kỹ lưỡng. “Rau thì phải xanh, tươi, còn thịt thì đỏ hồng, tươi. Đáp ứng những điều kiện đó thì chúng tôi nhập về. Còn muốn biết trong đó có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay chất tạo nạc gì không thì chúng tôi cũng bó tay” bà S. phân trần.
Một hiệu trưởng trường mầm non chia sẻ, nhiều khi thấy đơn vị cung ứng cấp hàng trăm tấn thực phẩm mỗi ngày cho hàng chục bếp ăn trường học như vậy thì làm sao bảo đảm chất lượng? Tuy nhiên, họ đều trả lời hàng hóa có giấy tờ, nguồn gốc và chứng nhận thực phẩm rõ ràng.
“Qua kiểm tra bằng mắt, thấy không có gì bất thường thì mình phải cho nhập về thôi” vị này nói.