Cùng với 5 dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, mới đây Chính phủ bổ sung thêm 7 nhà máy, dự án vào danh sách những dự án thua lỗ, hoạt động yếu kém của ngành Công Thương.
Số doanh nghiệp thua lỗ yếu kém tăng lên đặt ra câu hỏi với Chính phủ khi sẽ cho phá sản hay tiếp tục đầu tư. Và đâu là tiêu chí để đưa đến những quyết định điều ấy.
Nhà máy xơ sợi Đình Vũ một trong 5 dự án thua lỗ hoạt động yếu kém của ngành Công Thương- ảnh nguồn Báo Đấu Thầu |
Năng lực quản lý tỷ lệ thuận với thua lỗ
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thua lỗ, yếu kém tại nhiều nhà máy, dự án do Bộ Công Thương quản lý do quá trình cổ phần hóa Bộ làm chậm, quản lý doanh nghiệp vẫn mang tư duy bao cấp.
“Có thể nói chính việc buông lỏng quản lý của lãnh đạo Bộ Công Thương thời kỳ trước là nguyên nhân dẫn đến sai phạm. Đáng nhẽ sau đại án tham nhũng như Vinashine, Vinalines Bộ cần rút kinh nghiệm ngay trong việc xem xét phê duyệt các dự án đầu tư”, ông Hải nêu quan điểm.
Bản thân dự án đầu tư khi đưa ra có thể phù hợp nhưng do trình độ cán bộ quản lý, chất lượng cán bộ được bổ nhiệm yếu kém dẫn đến trong lúc thực hiện dù thấy dự án không hiệu quả nhưng vẫn tiếp tục xin tiền đầu tư.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) - ảnh nguồn Tuổi Trẻ |
Ông Hải cho rằng, vấn đề bổ nhiệm nhân sự Bộ Công Thương là một phần dẫn đến hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp do bộ quản lý.
Theo ông Hải tỷ lệ thua lỗ tỷ lệ thuận với trình độ quản lý và ngược lại. Như vậy hàng loạt nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động yếu kém do năng lực lãnh đạo doanh nghiệp.
Những vấn đề bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải cho thấy nhiều bất cập trong việc lựa chọn cán bộ của ngành Công Thương. Việc chưa chọn được người tài, người đủ năng lực trình độ phần nào dẫn đến nhà máy, dự án hoạt động kém hiệu quả.
“Đáng nói hơn cả 5 dự án gây thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng được điều trần ở kỳ họp vừa qua đến nay vẫn chưa có cá nhân nào bị xử lý”, ông Hải đặt câu hỏi và nêu hậu quả: Không xử lý trách nhiệm cá nhân sẽ khó ngăn chặn sai phạm trong tương lai, làm giảm lòng tin của người dân.
PGS.Phạm Quý Thọ: "Gánh nặng đặt lên vai Chính phủ lúc này rất lớn"Xử lý thế nào với những "khối u" của nền kinh tế Việt Nam? |
Trong xử lý trách nhiệm cá nhân, theo ông Hải phải rõ cả trách nhiệm người quản lý (Bộ Công Thương) và người thực hiện (lãnh đạo đơn vị doanh nghiệp).
Tuy nhiên để làm được điều này không dễ bởi thông thường để một dự án đầu tư được phê duyệt phải trải qua nhiều bước, nhiều khâu thẩm định. Vì vậy xử lý trách nhiệm không chỉ người đưa ra dự án, người thực hiện dự án mà phải xử lý người tham mưu, người thẩm định dự án.
Phá sản cũng không dễ
Để giải bài toán doanh nghiệp thua lỗ, hoạt động yếu kém theo ông Nguyễn Hoàng Hải cần làm rõ nguyên nhân cả về chủ quan, khách quan, qua đó nghiên cứu tổng thể các giải pháp.
“Bài toán khó lúc này là tiếp tục đầu tư hay buông bỏ, cho dù giải pháp nào cũng không được dùng tiền ngân sách để cứu doanh nghiệp đặc biệt phải bảo đảm vốn nhà nước
Về giải pháp lâu dài, phải đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tách biệt quản lý doanh nghiệp với quản lý nhà nước”, ông Hải nói.
Nói những giải pháp trước mắt TS. Bùi Trinh – Chuyên gia kinh tế cho rằng ngay cả việc phá sản các dự án không dễ bởi luật phá sản tuy có những thiếu văn bản hướng dẫn.
“Với dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả nếu bán lại thì bán cho ai, nhà đầu tư trong nước hay ngoài nước, định giá thế nào…còn rất nhiều vấn đề chưa được làm rõ”, TS. Bùi Trinh nói.
Mặt khác, theo ông Trinh trong hai phương án tiếp tục đầu tư hay để phá sản cần có tiêu chí rõ ràng. Đặc biệt phải tính đến việc bảo toàn vốn nhà nước, đảm bảo quyền lợi người lao động, sự phát triển của ngành kinh tế.
TS. Bùi Trinh bày tỏ niềm tin vào sự quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Xây dựng Chính phủ liêm chính tức là xây dựng niềm tin người dân, muốn vậy sau tuyên bố mạnh mẽ Thủ tướng phải bắt tay giải quyết vấn đề cấp bách, trong đó có nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững (Nghị quyết số 07-NQ/TW).
Nợ công tăng cao xuất phát từ việc sử dụng ngân sách và vốn đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả thể hiện rõ nhất 12 nhà máy, dự án thua lỗ của ngành Công Thương vừa được nêu tên. Giải quyết nợ công phải đi từ dự án yếu kém, gây thất thoát.
“Chính phủ đã “bắt được bệnh” và thể hiện quyết tâm lớn trong việc xử lý doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém. Với quan điểm làm việc của Thủ tướng không giấu diếm, nhìn thẳng vào tồn tại để giải quyết vấn đề tại các nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động yếu kém của ngành Công Thương sẽ được giải quyết”, TS. Bùi Trinh khẳng định.