Mục tiêu của cuộc thi ViOlympic như công bố của Ban tổ chức là nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tại các trường phổ thông, tạo sân chơi trực tuyến môn Toán, Vật lý cho học sinh cấp Tiểu học và THCS. Đây cũng là môi trường thân thiện để học sinh tích cực giao lưu, học tập.
Và khi tới dự lễ phát động cuộc thi Giải toán qua mạng ViOlympic năm học 2016-2017 vào ngày 23/9 vừa qua, lúc đó ông Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá:
“Cuộc thi ViOlympic không chỉ khuyến khích sự ham mê Toán học của các em học sinh phổ thông, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông đã góp phần đảm bảo bình đẳng cơ hội học tập của học sinh trên khắp mọi miền đất nước".
Ngày 22/12, Bộ GD&ĐT gửi công văn tới Giám đốc các sở GD&ĐT. Theo công văn, Bộ yêu cầu rà soát nhằm loại bỏ những cuộc thi không thiết thực, tạo áp lực với học sinh, giáo viên và các nhà trường, làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học, gây băn khoăn cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội.Nội dung |
Được biết, trước khi vào vòng thi cấp trường diễn ra từ ngày 19 đến 23/12, học sinh tham gia cuộc thi ViOlympic 2016 phải vượt qua 9 vòng thi.
Tuy nhiên, hiện nay đã xảy ra hiện tượng thay vì làm lần lượt từng vòng mỗi tuần theo chương trình thực học cho mỗi lớp, nhiều học sinh chỉ tập trung làm trong vài ngày để vượt qua điều kiện được tham dự vòng thi cấp trường.
Đặc biệt, gần đây, theo phản ánh của một số phụ huynh, cuộc thi ViOlympic đã bị biến tướng trở thành cuộc chạy đua về thành tích khiến các thí sinh tham gia đều mong muốn đạt giải cao và có phần thưởng mang về.
Tâm sự của một phụ huynh đăng tải trên trang cá nhân của mình về cuộc thi này khiến các bậc phụ huynh và nhà giáo dục lo lắng.
Kết quả cuộc thi ViOlympic có thể “hack”? (Ảnh: Báo Vietnamnet) |
Vị phụ huynh này cho biết cuộc thi đã khiến cho “một đứa trẻ bình thường mất từ 30-50 phút cho 8 vòng thi ở lần làm bài đầu tiên, nhưng sau vài chục lần làm đi làm lại thì chỉ hoàn thành trong 10 phút. Đó có phải trí tuệ và sự sáng tạo?”.
“Hoàn toàn không, đó là thành tích, kiểu thuần Việt. Nó không khác mấy trò chơi điện tử, càng chơi càng thành thục, càng thành thục càng nhanh. Vậy người lớn chúng ta cần gì từ việc đó?”, phụ huynh này đặt vấn đề.
Tâm sự với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một phụ huynh sinh sống tại Hà Nội đang có con học lớp 4 cho biết:
"Phần thưởng của cuộc thi ViOlympic là được tích điểm vào những trường “hot” nên cả tôi và chồng tôi “cố sống cố chết” luyện cùng con với hi vọng con sẽ được tích điểm”.
Vị phụ huynh này cũng thừa nhận đã lập 5 nick cho con đăng nhập thi “nháp” trước khi con sử dụng nick chính để làm bài.
ViOlympic có thể “hack” được kết quả
Thực tế, hiện nay, ở các trường từ tiểu học đến THPT đang có rất nhiều cuộc thi. Từ các cuộc thi phong trào đến cuộc thi cấp Quốc gia và Quốc tế.
Tại các trường phổ thông có rất nhiều cuộc thi như: Học sinh giỏi cuối cấp, giải toán qua mạng, tiếng Anh qua mạng, giải toán bằng tiếng Anh, hùng biện bằng tiếng Anh, hùng biện tiếng Việt, tìm hiểu lịch sử quê em, viết thư UPU, kể chuyện sách, vẽ tranh về đề tài bảo vệ môi trường,…
Thi Violympic trên mạng, như cái máy luyện "gà nòi" |
Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội, học sinh từ cấp tiểu học đến THPT có khoảng 28 cuộc thi được cấp phép.
Nhìn nhận việc học sinh có thể hoàn thành bài trong vòng 10 phút, theo đánh giá của một chuyên gia giáo dục am hiểu về các cuộc thi trên mạng, một vòng thi thiết kế 30 bài toán trong vòng 60 phút thì việc học sinh làm trong vòng 5-10 phút không thể do luyện “gà nòi” hay luyện “robot” mà chỉ có thể lý giải nguyên nhân là phần mềm cuộc thi đã bị “hack”.
Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, TS.Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định việc bố mẹ, thầy cô bắt trẻ chạy đua các cuộc thi là đều có lý do:
“Nếu các trường vẫn coi những cuộc thi tương tự như này là một trong những tiêu chí để xét tuyển đầu cấp thì học sinh sẽ vẫn phải chịu áp lực về thành tích”.
Năm học 2016 - 2017, cuộc thi Violympic giải Toán, Vật lý qua mạng được Bộ GD&ĐT chính thức phát động vào ngày 23/9/2016. Đây là năm thứ 9 cuộc thi này được tổ chức, năm nay cũng là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT quyết định mở rộng thêm nội dung thi với môn Vật Lý dành cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, bên cạnh các phần thi Toán tiếng Việt và Toán tiếng Anh. Từ ngày 19 – 23/12, Ban tổ chức chương trình chính thức khởi động cuộc thi này ở cấp trường. |