Cấm quà Tết lãnh đạo: Trên đã quyết, dưới có làm được không?

02/01/2017 06:34
Nguyễn Duy Xuân
(GDVN) - Đây là điều mà dư luận và người dân quan tâm. Bởi thực tế đã cho thấy, từ chỉ thị, chỉ đạo của cấp trên đến thực tiễn còn một khoảng cách quá xa.

Tặng quà là nét văn hóa ứng xử đẹp của con người từ xưa đến nay.

Ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, văn hóa tặng quà cũng phát triển đa dạng, muôn màu, muôn vẻ nhưng tựu trung lại, việc tặng quà bản chất của nó là xuất phát từ tình cảm giữa người tặng và người nhận.

Người ta tặng quà trước hết là vì tình thân, vì muốn kết nối quan hệ, vì sự ngưỡng mộ... Việc tặng quà có thể vào những dịp lễ tết, sinh nhật, kỷ niệm...

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc tặng quà không còn giữ được tính chất trong sáng vô tư nữa.

Nó đã bị cuốn theo vòng xoáy của thời cuộc, biến chất và có thể xem là một dạng hối lộ núp bóng tặng quà. Người tặng dùng giá trị món quà (thường là rất lớn) để mưu lợi cá nhân.

Cấp trên đã ra chỉ thị cấm tặng quà Tết lãnh đạo nhưng cấp dưới có thực hiện không mới là vấn đề đáng bàn. (Ảnh minh họa: Thanhnien.vn)
Cấp trên đã ra chỉ thị cấm tặng quà Tết lãnh đạo nhưng cấp dưới có thực hiện không mới là vấn đề đáng bàn. (Ảnh minh họa: Thanhnien.vn)

Người nhận bằng quyền lực và ảnh hưởng của mình tìm mọi cách đáp ứng yêu cầu mà người tặng đặt ra sao cho tương xứng với giá trị món quà đã nhận. Và thế là bắt đầu một qui trình tha hóa.

Lợi ích nhóm hình thành; tiêu cực, tham nhũng có được mảnh đất màu mỡ để phát triển.

Nhận thấy hệ lụy nguy hiểm của việc tặng quà nhất là vào dịp Tết cho cấp trên nên hằng năm các ngành các cấp đều có công văn, chỉ thị nghiêm cấm.

Vừa rồi, Thủ tướng đã có những chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này.

Mới đây nhất, sáng 28/12, tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 và họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2016, Thủ tướng tiếp tục nhắc nhở các địa phương không được tặng quà Tết lãnh đạo Chính phủ.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Tết này, xin được nói với toàn thể quốc dân, đồng bào và các đồng chí Bí thư, Chủ tịch là các đồng chí không phải đi thăm Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng nữa.

Không phải chỉ miền Nam không ra Bắc mà ngay miền Bắc cũng không đến Hà Nội nữa".[1]

Ngày 20/12, Ban Bí thư ban hành chỉ thị số 11-CT/TƯ về việc tổ chức Tết năm 2017 theo tinh thần "thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức".

Chỉ thị nêu rõ: "Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể TƯ không tổ chức đi thăm, chúc Tết địa phương; các địa phương không chúc Tết Trung ương".[2]

Cấm quà Tết lãnh đạo: Trên đã quyết, dưới có làm được không? ảnh 2

Toàn văn chỉ thị của Ban Bí thư về tổ chức Tết Nguyên Đán 2017

Các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội cũng đã có văn bản chỉ đạo thực hiện chủ trương nghiêm cấm cán bộ, công chức tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức.

Trên đã quyết, còn dưới thì sao? Đây là điều mà dư luận và người dân quan tâm.

Bởi thực tế đã cho thấy, từ chỉ thị, chỉ đạo của cấp trên đến thực tiễn còn một khoảng cách quá xa.

Làm sao để chỉ thị của Ban Bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng về việc cấm quà cáp cấp trên trở thành hiện thực? Đây là câu hỏi "khó" nếu tình trạng "trên bảo, dưới không nghe" vẫn diễn ra.

Trước khi có chế tài bằng luật pháp, thì mấu chốt của vấn đề vẫn là con người.

Khi cán bộ, công chức không gương mẫu, khi động cơ vụ lợi là mục đích tối thượng của người lãnh đạo thì chuyện quà cáp, biếu xén vẫn còn tồn tại dai dẳng. "Gương mẫu là cần thiết" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tài liệu tham khảo:

[1]. http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/thu-tuong-co-can-bo-cu-den-tet-la-lo-ngay-ngay-tang-qua-lanh-dao-20161228124755957.htm

[2]. http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/ban-bi-thu-nghiem-cam-tang-qua-tet-cap-tren-duoi-moi-hinh-thuc-347841.html

Nguyễn Duy Xuân