Hiệu trưởng không dự giờ hết một tiết học, giám sát tiếng Anh liên kết thế nào?

03/01/2017 08:41
Phương Linh
(GDVN) - Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Xuân không dự giờ các tiết học liên kết tiếng Anh, thì lấy gì mà giám sát chương trình liên kết này ở trường?

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của phụ huynh Trường mầm non Tân Xuân (huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh), để cập đến năng lực của đối tác đang giảng dạy chương trình liên kết tiếng Anh tại trường.

Giáo viên dạy tiếng Anh liên kết không đạt chuẩn quy định

Cụ thể, vị phụ huynh này đã viết, tại văn bản số 829 ký ngày 26/9/2016 của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn ký đã quy định rõ, giáo viên dạy trẻ làm quen với ngoại ngữ phải có trình độ chuyên môn tối thiểu là Cao đẳng sư phạm ngoại ngữ (hay Cao đẳng ngoại ngữ).

Ngoài ra, giáo viên còn phải đạt chuẩn năng lực bậc 4 trở lên, theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, ban hành theo thông tư số 01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc tương đương, và phải được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm mầm non.

Thế nhưng, theo lời phản ánh từ phía phụ huynh, đối tác của Trường mầm non Tân Xuân là Công ty giáo dục Lê Văn Tám – cơ sở Anh ngữ Tây Mỹ Úc dù chưa hoàn tất thủ tục hồ sơ đúng theo quy định, nhưng vẫn được tham gia giảng dạy khi chưa có quyết định chính thức.

Mặt khác, theo tìm hiểu từ phía phụ huynh, hiện cơ sở ngoại ngữ này đã được sang nhượng, nhưng chưa hoàn tất thủ tục sang nhượng đúng theo quy định của pháp luật, nên về năng lực pháp lý của đơn vị này là không đảm bảo thủ tục để ký hợp đồng giảng dạy ở các trường mầm non trên địa bàn.

Hầu hết các giáo viên đang giảng dạy tiếng Anh tại trường đều là một sự chắp vá, lượm lặt từ các trang web tuyển dụng, không được công khai trình độ lao động đúng theo quy định.

Các giáo viên, cán bộ công nhân viên phản ánh, cơ sở Anh ngữ Tây Mỹ Úc chỉ cung cấp hồ sơ chuyên môn của giáo viên, nhưng trên thực tế, giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy lại là những giáo viên không đạt chuẩn.

Nghĩa là bằng cấp chuyên môn nhiều khả năng đã bị cạo sửa, hoặc đơn vị này cung cấp danh sách và bằng chuyên môn của người này, nhưng trên thực tế thì lại là người khác giảng dạy.

Trường mầm non Tân Xuân, nơi chương trình học tiếng Anh liên kết đang bị phụ huynh thắc mắc (ảnh: P.L)
Trường mầm non Tân Xuân, nơi chương trình học tiếng Anh liên kết đang bị phụ huynh thắc mắc (ảnh: P.L)

Đây là một hành vi vi phạm pháp luật cần được lên án, loại bỏ. Hành vi này không nằm ngoại mục đích trục lợi, vi phạm quy tắc đạo đức của những người làm công tác giáo dục, cung cấp cho xã hội một sản phẩm giáo dục giả tạo, tạo ra hệ lụy không nhỏ cho lứa tuổi mầm non, làm phụ huynh phẫn nộ.

Hiệu trưởng trường mầm non Tân Xuân không dự giờ các tiết học

Chiều ngày 30/12/2016, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc làm việc với cô Vũ Thị Triều – Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Xuân (huyện Hóc Môn) về các thắc mắc mà phụ huynh nêu ra.

Sau khi nghe những nội dung mà phụ huynh phản ánh, cô Triều đã bác bỏ toàn bộ những thông tin này, và cho rằng nó không đúng sự thật.

Cùng lúc, cô Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Xuân cũng đã cung cấp cho phóng viên: giấy phép dạy học cấp cho cơ sở Anh ngữ Tây Mỹ Úc được Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh ký tháng 7/2014 (có giá trị đến tháng 6/2019), thông báo giới thiệu cơ sở Anh ngữ này cho các trường cũng do Sở này ký.

Ngoài ra, cô Triều cũng đã cung cấp danh sách 14 giáo viên đang giảng dạy tại Trường Tân Xuân, với đầy đủ lý lích trích ngang, hợp đồng hợp tác giữa trường Tân Xuân và cơ sở Anh ngữ Tân Mỹ Úc.

Căn cứ vào bảng hợp đồng này có thể thấy, chương trình áp dụng giảng dạy là chương trình Tiny Talk 1A,B,2A,B, thực hiện đầy đủ các bài kiểm tra cũng như là thi cuối năm.

Mỗi tháng, ngoài bài học trong sách, thì giáo viên còn phải dạy thêm 26 ký tự của bảng chữ cái tiếng Anh, ký tự phải có từ 1 – 2 hình minh họa.

Giáo viên phải dạy video 1 lần/tháng, dạy học sinh học các bài hát, vè và trò chơi. Tỷ lệ ăn chia là trường hưởng 30%, còn lại là cơ sở Anh ngữ hưởng.

Mỗi học sinh sẽ học 2 tiết/tuần, mỗi tiết học 30 phút trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Sau mỗi 5 bài học thực hành sẽ có một bài tập có chấm điểm, một bài kiểm tra giữa học kỳ và cả cuối học kỳ.

Học phí sẽ thu mỗi học sinh 50.000 đồng/tháng, và có khen thưởng 3 học sinh xuất sắc nhất vào cuối năm học (một phần quà mỗi học sinh). Hiện trường có khoảng gần 800 học sinh đang theo học chương trình của cơ sở Anh ngữ Tây Mỹ Úc.

Dù vậy, cô Triều vẫn thừa nhận rằng, cả Hiệu trưởng và Hiệu phó chuyên môn của trường hoàn toàn không có chuyên ngành tiếng Anh, nên sự thật là chỉ tin tưởng vào các giấy tờ do lãnh đạo cấp trên ký.

Cô Vũ Thị Triều cho rằng, cơ sở Anh ngữ này đến trường giới thiệu, thầy đầy đủ giấy tờ, hồ sơ năng lực pháp lý đầy đủ thì ký hợp đồng thôi, còn việc giám sát chương trình, việc học của học sinh thì phải phụ thuộc vào giáo viên của trường dạy ở các lớp, chứ Hiệu trưởng cũng không đi dự giờ các tiết học này.

Sáng 31/12, bà Lê Thị Diệu Linh – Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Tây Mỹ Úc đã thừa nhận với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, trong số các phản ánh của phụ huynh, chỉ đúng duy nhất là việc có 6 trên 14 giáo viên bị thay đổi, không có trong danh sách, nhưng đơn vị chưa kịp thông báo cho nhà trường.

Nguyên nhân, theo bà Diệu Linh kể lại là do nhiều khi giáo viên dạy ở các lớp bị học sinh kêu dở quá, không hiểu bài, thế là đơn vị này lại cho đổi giáo viên mới, mà đôi lúc gấp qúa, thì chưa kịp thông qua Hiệu trưởng nhà trường.

Còn việc nói Tây Mỹ Úc không đủ năng lực tài chính, bà Lê Thị Diệu Linh đã bác bỏ ý kiến này, và khẳng định, nếu bảo không đủ năng lực tài chính thì dạy ở Trường Tân Xuân vài tháng mới lấy tiền được 1 lần, mà Trung tâm vẫn duy trì hoạt động bình thường, vẫn trả lương cho giáo viên.

Cô Vũ Thị Triều cũng xác nhận điều này, và giải thích: Do ban đầu Phòng Giáo dục huyện chưa cho phép thực hiện, nên trường chưa dám thu tiền.

Về sau, khi có văn bản chính thức của Phòng cho phép, thì nhà trường mới thu tiền hết vài tháng từ phụ huynh, và trả cho Tây Mỹ Úc.

Còn việc Trung tâm Tây Mỹ Úc chưa kịp thông báo cho nhà trường việc thay đổi một số giáo viên, theo cô Triều nhớ lại là khi đó, bà Linh đang đi nước ngoài, nên không thể gọi được cho trường.

Khi về lại thành phố, thì bà Linh mới thông báo lại cho Hiệu trưởng.

Phương Linh