Nhiều trường nghề ở các tỉnh miền Trung như: Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam... không tuyển được học viên phải đóng cửa, sống lay lắt hoặc chỉ biết trông chờ “nguồn sữa” ngân sách hỗ trợ (đối với các trường trực thuộc các Bộ, ngành).
Trường nghề "chết lâm sàng"
Theo tìm hiểu, chỉ trong vòng ba năm trở lại đây, hàng loạt trường cao đẳng nghề trên địa bàn thành phố Đà Nẵng lâm vào tình cảnh “chết lâm sàng”. Nhiều trường không tuyển sinh được phải đóng cửa.
Thầy Nguyễn Văn Huỳnh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng kinh tế kế hoạch Đà Nẵng (thuộc Bộ Kế hoạch đầu tư) cho biết: “Trước năm 2013 thì việc tuyển sinh dễ thở hơn, nhiều trường nghề còn tuyển vượt chỉ tiêu. Nhưng xu hướng trong ba năm gần đây, việc tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn”.
Thầy Huỳnh cho rằng hệ thống trường cao đẳng nghề sẽ hết khó khăn khi quan điểm xã hội về học nghề thay đổi. Ảnh: An Nguyên |
Chỉ tính riêng Trường Cao đẳng kinh tế kế hoạch Đà Nẵng dù đã hạ chỉ tiêu còn 1.200 học viên/năm nhưng cũng chỉ tuyển được 700 – 800 sinh viên.
"Không thể cứ đào tạo trên trời, sau đó người ta đi dưới đất, đi đâu thì đi" |
Lý giải về điều này, thầy Huỳnh nói do hệ thống các trường Đại học, cao đẳng mở ra quá nhiều.
Sự bùng nổ các trường này khiến một lượng lớn sinh viên bị hút về đó. Gần như các Trường trung cấp nghề cũng bị xóa sổ vì không tuyển được học viên.
Ngoài ra, số lượng sinh viên học các nghành kinh tế từng được xem là “hot” nay đào tạo ra trường không có việc làm.
Nhiều nghành như: quản trị tài chính, quản trị ngân hàng, kế toán... đào tạo xong thất nghiệp nên có tình trạng sinh viên năm 2, năm 3 vẫn bỏ học giữa chừng để chuyển sang nghành khác.
“Trước đây, số lượng sinh viên học các nghành tài chính, ngân hàng chiếm đến ½ số lượng sinh viên toàn trường. Nhưng giờ không còn ai học” một hiệu trưởng trường nghề tâm sự.
Vị này cho biết thêm, nhà trường về đến tận trường cấp 3 để tư vấn, tuyển sinh. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường khác xuống căng băng- rôn tuyển sinh nên hiệu quả của phương án này không cao.
“Nếu tung các chiêu PR (quảng cáo) để ‘lừa’ tuyển sinh, hứa hẹn đủ điều nhưng khi nhập học, sinh viên sẽ vỡ mộng ngay. Các em sẽ bỏ học để chuyển trường, lúc đó lại càng khốn đốn hơn”.
Ngoài ra, học sinh có nhiều phương án lựa chọn vào các trường đại học hơn nên các trường nghề hầu như bị ngó lơ.
Để chống chọi với tình trạng trên, các trường nghề phải tự tìm “lối thoát hiểm” riêng. Trong đó, xu thế chủ đạo là liên kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp, đào tạo theo yêu cầu.
“Đối với nghành như du lịch thì chúng tôi kết nối với các khu du lịch như: Bà Nà, Núi Thần Tài... để đưa sinh viên xuống thực tập. Sinh viên đi thực tập vừa có kiến thức, kinh nghiệm lại được trả tiền nên nhà trường cũng đỡ được một phần chi phí” thầy Huỳnh nói.
Khi giao lưu giữa sinh viên, doanh nghiệp cũng tạo chuẩn đầu ra như: học cái gì, học như thế nào và học làm gì? Từ đó, nhà trường có phương án đào tạo giúp sinh viên ra trường có việc làm ngay.
Sau khi có quyết định chuyển các trường nghề từ Bộ GD&ĐT về Bộ LĐTB&XH, nhiều Trường nghề đã phấn khởi đón nhận sự dịch chuyển này.
“Đây là hướng đi đúng để phát triển trường nghề. Bởi khi trường nghề còn thuộc Bộ GD&ĐT thì cơ cấu lý thuyết nặng hơn thực hành. Khi chuyển hệ thì sẽ cơ cấu lại chương trình môn học, trong đó thực hành sẽ chiếm phần chủ đạo” thầy Huỳnh cho hay.
Bỏ điểm sàn, đại học tốp dưới càng “vét” sinh viên của trường nghề
Trước thông tin Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn khiến nhiều trường cao đẳng nghề miền trung lại thấp thỏm, lo âu.
"Nhiều trường tuyển sinh tràn lan, nhưng không chịu trách nhiệm gì" |
Nhiều chuyên gia cho rằng, quyết định này sẽ càng bóp nghẹt các trường nghề vốn đang phải sống lay lắt, cầm cự bằng nguồn tài chính ít ỏi hoặc nhờ nguồn hỗ trợ ngân sách (các trường thuộc các Bộ, nghành hoặc của địa phương).
Thầy Huỳnh lo lắng nói, các trường nghề sẽ càng chật vật hơn. Và lo ngại lớn nhất là các trường đại học tốp dưới vơ vét hết học sinh vốn là “nguồn sống” của các trường nghề.
“Nhiều trường sẵn sàng hạ điểm đầu vào xuống dưới ngưỡng để tuyển sinh. Vô tình chất lượng đầu vào của các trường đại học này cũng chỉ ngang bằng với mức chuẩn của trường nghề. Có trường đại học còn xét tuyển học bạ THPT như trường nghề thì chất lượng đào tạo sẽ ra sao?”
Thầy Huỳnh cũng chỉ ra một bất cập hiện nay là tâm lý chung của bậc cha mẹ, học sinh vẫn muốn vào các trường đại học cho oai chứ không chọn học nghề.
Mặc dù trường đại học đó chưa chắc tốt, học ra thất nghiệp nhưng vẫn thích cái “mác” đại học. Con số hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp cũng chưa đủ sức thay đổi tâm lý này.
“Hiện nhiều trường đại học tư thục có chuẩn đầu vào rất thấp, chương trình đào tạo kém nhưng tìm đủ mọi cách để tuyển sinh.
Nếu các trường đại học cứ mở tràn lan rồi vơ vét tuyển sinh như vậy thì các trường Cao đẳng nghề sẽ chết” thầy Huỳnh thông tin thêm.
Tuy nhiên, cũng theo thầy Huỳnh thì về lâu dài, khi số lượng cử nhân, thạc sĩ ra trường nhưng thất nghiệp ngày càng nhiều thì xã hội sẽ dần thay đổi nhận thức.
“Lúc đó, cái mác đại học không còn cuốn hút nữa thì họ sẽ quay lại chọn trường nghề để có việc làm”.
Thầy Huỳnh khẳng định, các trường cao đẳng nghề sẽ khó khăn thêm 7-8 năm nữa rồi sẽ tuyển sinh ổn định trở lại.