Đó là khẳng định của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Đại học” do Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 7/1 tại Đà Nẵng với sự tham gia của nhiều trường đại học công lập và ngoài công lập trên cả nước.
“Chúng ta đã sai vì đẻ ra quá nhiều trường Đại học”
Tại hội nghị, đại diện của hơn 270 trường Đại học trong cả nước đã cùng nhau luận bàn về các vấn đề tồn tại của nền giáo dục đào tạo Đại học hiện nay.
Hội thảo giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại Đà Nẵng ngày 7/1 được xem là "hội nghị diên hồng" của nghành giáo dục. Ảnh: An Nguyên |
Để từ đó đưa ra những giải pháp nhằm kiện toàn, nâng cao chất lượng đào tạo Đại học.
Tại hội nghị, PGS.TS Võ Văn Sen – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) TP.HCM cho rằng, thực tế hiện nay có rất nhiều trường không đạt chuẩn làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo.
“Chẳng có trường nào dại tới mức tự mình bóp cổ mình...” |
PGS. Sen nhấn mạnh: “Quá khứ của chúng ta đã mắc phải sai lầm đó là đẻ ra quá nhiều trường Đại học không đạt chuẩn. Vì vậy, việc của chúng ta bây giờ là phải khắc phục những sai lầm đó bằng cách chấn hưng lại.
Cần phải bình định lại, bằng cách rà soát lại xem trường nào đạt chuẩn, đảm bảo các tiêu chí thì mới giữ lại.
Còn trường nào quá yếu, không đảm bảo về số lượng tiến sĩ thì cần loại bỏ. Cần phải làm một cuộc bình định khách quan có hiệu quả”.
Đáp lại ý kiến của PGS. Sen, Bộ trưởng Nhạ khẳng định ý kiến của Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH &NV TP.HCM là hoàn toàn đúng. “Chúng ta sẽ phải rà soát lại toàn bộ các trường Đại học, đánh giá thật về các trường.
Cần phải bắt mạch để xem bệnh chỗ nào để chữa trị, nếu bệnh có thể chữa được thì sẽ cố gắng chữa đến cùng.
Còn nếu không thể chữa được thì hãy để họ thoái vốn chứ không nên cố gắng kéo dài trong vô ích.
“Nếu trường nào không đạt chuẩn, không đảm bảo thì phải can đảm để chính thức khai tử, không thể để kéo dài tình trạng tiền lâm sàng mãi được”. Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Tuyển sinh ồ ạt mà cơ sở vật chất chẳng có gì
Liên quan đến vấn đề chất lượng đào tạo Đại học, nhiều ý kiến cho rằng, nhiều trường Đại học hiện nay không chú trọng đến cơ sở vật chất, hạ tầng.
Nhiều nơi còn sử dụng lại nhà kho, thuê các cơ sở không đạt chuẩn để làm phòng học. Một số trường chỉ đào tạo các ngành xã hội, kế toán, quản trị kinh doanh... hoặc các ngành để không phải đầu tư cơ sở vật chất gì.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ khai tử các trường đại học không đảm bảo chất lượng. Ảnh: An Nguyên |
Trong vấn đề này, TS. Đặng Kim Vui – Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Nguyên cho rằng chất lượng của một số trường Đại học hiện nay không đạt chuẩn.
Nhiều trường tuyển sinh ồ ạt nhưng cơ sở vật chất lại quá nghèo nàn.
“Các trường Đại học phải đảm bảo về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, phòng thực hành thì mới đảm bảo được chất lượng đào tạo. Đằng này nhiều trường tuyển sinh nhiều nhưng cơ sở vật chất lại không có gì”. TS. Vui nhấn mạnh.
200.000 cử nhân thất nghiệp, ai dám bảo lỗi của riêng ngành giáo dục? |
Đồng quan điểm, GS.TS. Mai Hồng Qùy – Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM chia sẻ: “ Tôi có cảm giác hiện nay đang xảy ra tình trạng hễ là Đại học thì trách nhiệm của nhà quản lý là phải đảm bảo cho họ tuyển sinh cho bằng được”.
Theo đó, GS. Qùy cho rằng đó là thực trạng không thể chấp nhận, cần phải dũng cảm và thẳng thắn để xử lý. Cần phải minh bạch trong vấn đề tuyển sinh.
Nhằm đảm bảo chất lượng tuyển sinh, Bộ trưởng Nhạ khẳng định: “Không thể để xảy ra tình trạng cố vơ vét trong việc tuyển sinh.
Một trường Đại học tuyển sinh phải dựa trên khả năng của trường đó, phải đảm bảo cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên...”
Đã là một trường Đại học thì phải đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chứ một số trường hiện nay chỉ vẻn vẹn mấy ngành xã hội, không có cơ sở hạ tầng. Rồi vài năm lại đóng cửa gây nên nhiều hệ lụy – Bộ trưởng nói thêm.
Trong khuôn khổ buổi hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã có buổi làm việc riêng với Hiệu trưởng các trường ngoài công lập.
Trong phần làm việc này, bộ trưởng nhấn mạnh: “Hiện nay năng lực quản lý của nhiều trường là có vấn đề. Dù tôi biết tâm sức và tiền bạc họ bỏ ra rất nhiều và họ đầu tư là rất tốt. Tuy nhiên, hoạt động giáo dục là ngành đặc thù”.
Tại đây, đại diện nhiều trường Đại học ngoài công lập cũng đã nêu lên những khó khăn, bất cập trong cơ chế, chính sách, đã hạn chế sự phát triển của trường.
Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển tải đến bạn đọc những phân tích, mổ xẻ của các chuyên gia, cơ quan quản lý giáo dục về vấn đề “nâng cao chất lượng giáo dục đại học” trong các số báo tới.