LTS: Trước những câu chuyện về phát ngôn thiếu trách nhiệm của một số Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo, thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng, cán bộ khi nêu ý kiến cũng cần có phông văn hóa nhất định.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Thường, khi đã là Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo thì các lãnh đạo này đã có những tháng năm làm người thầy đứng trên bục giảng.
Sau đó, được qui hoạch và bổ nhiệm vào Ban giám hiệu nhà trường, rồi đi lên từ chức Phó Hiệu trưởng trưởng, đến Hiệu trưởng.
Trong hàng chục vị Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng của một huyện thì chỉ một vài người được cơ cấu và bổ nhiệm làm Phó phòng một thời gian mới lên đến Trưởng phòng.
Tuy nhiên, trong thực tế cũng có nhiều lãnh đạo “tài năng”, họ đang là giáo viên bình thường rồi được điều lên làm chuyên viên của Phòng Giáo dục một vài năm rồi trở thành Phó, rồi Trưởng phòng.
Tuy nhiên con đường thăng tiến như trường hợp thứ 2 này này không nhiều.
Vì là lãnh đạo ngành giáo dục của một huyện hay một thành phố trực thuộc tỉnh nên Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo có một vị thế tương đối lớn.
Nhất là ngành giáo dục của các huyện có một lực lượng nhân sự đông đến hàng nghìn người mà lại là toàn người có trình độ cao.
Những nhân viên trong trường cũng đã có trình độ trung cấp trở lên và trình độ của giáo viên ngày nay phần lớn đã có bằng đại học và thậm chí đã có người có học vị là tiến sĩ làm công tác giảng dạy ở các trường phổ thông.
Vì thế, lãnh đạo được một tập thể lớn như vậy không chỉ là một nhà quản lí giỏi về mọi mặt mà phải còn là một nhà “ngoại giao” để đại diện cho ngành khi làm việc với các cá nhân hay cơ quan khác.
Song, vẫn còn những Trưởng phòng có những phá ngôn làm buồn lòng dư luận, chưa xứng đáng là một lãnh đạo của ngành giáo dục ở địa phương.
Sau vụ việc các giáo viên nữ ở Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) được điều động đi làm tiếp tân được báo chí vào cuộc.
Trụ sở Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân - Hà Nội. (Ảnh HC) |
Thay vì bảo vệ quyền lợi cho giáo viên bởi đó là những con người do mình quản lí, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo Thị xã Hồng Lĩnh, Lê Bá Thiềm đã trả lời báo chí bằng những ngôn ngữ ráo hoảnh không thể hiện được vai trò người đứng đầu ngành giáo dục của một huyện:
"Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống".
Những ngôn từ của vị trưởng phòng thật là nực cười bởi trước khi là Trưởng phòng thì vị này cũng là giáo viên, cũng có gia đình.
Vậy, nếu trong số những người được đi tiếp khách mà có con dâu, con gái của trưởng phòng bị một số “hành động không đẹp” của các quan khách thì ông Lê Bá Thiềm có thể coi là “bình thường” được không?
Đó là chưa nói về vai trò, trách nhiệm của người thầy khi muốn dạy học trò những điều tử tế, tốt đẹp, thì chính các thầy cô phải là những tấm gương cho các em noi theo.
Vậy nhưng khi những nữ giáo viên thành nhân viên lễ tân để họ phải chịu đựng những “hành động không đẹp” của quan khách lúc say xỉn mà ông Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo coi là “chuyện bình thường trong cuộc sống”!
Nực cười hơn nữa là khi được phóng viên hỏi về từ: “Lễ tân” thì ông Lê Bá Thiềm đã thừa nhận với phóng viên, ông không hiểu nghĩa của từ “lễ tân”.
Bởi theo ông: “Tôi không biết lễ tân là cái gì. Tôi không hiểu cái chuyện lễ tân…”.
Báo chí phản ánh tiêu cực, trưởng phòng giáo dục cho rằng... "chọc ngoáy" |
Rất nhiều người không đồng tình với cách phát ngôn, trả lời thiếu trách nhiệm, vô cảm của ông Lê Bá Thiềm, Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã Hồng Lĩnh.
Mấy ngày nay, khi phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đang điều tra, phản ánh về tình trạng liên kết dạy ngoại ngữ ở địa bàn thành phố Hà Nội với nhiều những bất cập.
Tuy nhiên, khi trả lời phóng viên thì ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo quận Thanh Xuân đã nói:
“Tôi rất hiểu báo chí, bạn tôi rất nhiều Tổng biên tập, chúng tôi có báo cáo, có gì đâu mà che giấu ở đây. Quận Thanh Xuân là một quận nhỏ so với các quận khác, có làm gì đâu mà các ông “ngoáy” vào nhiều thế”.
Trước cách trả lời của vị Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo khiến cho bạn đọc hiểu được cách trả lời là: ông thầy này hiểu luật báo chí, là người có nhiều bạn là “Tổng Biên tập” và vì thế các phóng viên đừng “ngoáy” vào…
Rõ ràng, cách trả lời của một Trưởng phòng không hề có ý hợp tác với báo chí mà đó là sự hậm hực, tức tối - đây điều tối kị của một người thầy, chứ chưa nói là ở vị trí Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo một quận ở thủ đô đất nước.
Việc phóng viên báo Giáo dục Việt Nam chứng kiến và ghi hình trong một lớp học mà có rất nhiều học sinh đang mải mê chơi game rồi phản ánh trước công luận về tình trạng dạy liên kết đã giúp cho bạn đọc hiểu hơn về “sự thật” của việc dạy và học ngoại ngữ liên kết ở đây.
Tuy nhiên, trước những minh chứng hiện hữu như vậy mà Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân nói là phóng viên “chọc ngoáy” thì thật là một nỗi buồn không thể gọi thành tên.
Từ câu chuyện học ngoại ngữ ở các trường trên địa bàn Hà nội nói riêng và học ngoại ngữ ở Việt Nam ta từ lâu đã cho thấy rất nhiều điều bất cập không chỉ ở các trường phổ thông, tiểu học mà nó còn thể hiện rất rõ trong việc dạy và kiểm tra cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho giáo viên hiện nay.
Việc Bộ giáo dục cho phép 10 trường đại học, trung tâm ngoại ngữ được phép cấp chứng chỉ ngoại ngữ A2 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam cũng thể hiện rất rõ những điều bất cập.
Kiểm tra vài câu hỏi chỉ để mà hỏi nhưng giáo viên phải bỏ ra hàng triệu đồng. Không biết những chứng chỉ như vậy để làm gì?
Và, tiền mà các trường đại học, các trung tâm ngoại ngữ được ăn chia như thế nào với các địa phương?
Chỉ khổ giáo viên phải bỏ ra một khoản tiền lớn để hoàn thiện bằng cấp mà phần nhiều những chứng chỉ đó cũng chẳng nâng cao được khả năng ngoại ngữ là bao.
Tuy nhiên, khi phần lớn giáo viên đã đăng kí học, kiểm tra năng lực ngoại ngữ suốt thời gian qua thì mới đây Bộ lại nói là “không bắt buộc”…
Ông cha ta thường nói: “lời nói không mất tiền mua”, vì thế trước khi phát ngôn trước công luận cũng cần có môt cái phông văn hóa nhất định.
Nhất là ở cương vị lãnh đạo của ngành giáo dục. Cần lắm sự thể hiện văn hóa phát ngôn để tránh những luồng dư luận không tốt khi nhìn vào lãnh đạo của ngành.