“Nước đến chân mới nhảy”
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn hàng không (Đại học Bách khoa TP.HCM) khẳng định: “Nguyên nhân dẫn đến quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất do vấn đề dự báo tăng trưởng lượng khách hàng năm”.
Nêu dẫn chứng PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết, cuối năm 2015 Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Nguyên nhân dẫn đến quá tải diễn ra tại sân bay Tân Sơn Nhất xuất phát từ vấn đề dự báo, quy hoạch của ngành giao thông vận tải - ảnh nguồn VnEconomy. |
Theo đó quy hoạch điều chỉnh giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 sẽ tập trung mở rộng nhà ga để đạt công suất 25 triệu khách mỗi năm.
“Tuy nhiên ngay trong năm 2015 lượng khách sân bay Tân Sơn Nhất đã lên đến hơn 26 triệu hành khách/năm, năm 2016 lên đến 32 triệu hành khách/ năm. Rõ ràng ngay trong quy hoạch có vấn đề khi chưa quy hoạch đã quá tải. Từ đó đặt ra câu hỏi, ai phải chịu trách nhiệm cho sự quá tải này?”, PGS.Tổng đặt vấn đề.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nguyên nhân sân bay Tân Sơn Nhất quá tải do tốc độ tăng trưởng và kế hoạch phát triển đội máy bay của các hãng hàng không trong nước nhanh. Tuy nhiên tăng trưởng đó do yêu cầu của thị trường, do nhu cầu đi lại của người dân.
Nếu các hãng hàng không trong nước không chủ động tăng tàu bay, tăng chuyến thì chắc chắn nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhảy vào.
Nói như vậy để thấy vấn đề các hãng tăng tàu bay không phải nguyên nhân dẫn đến quá tải sân bay.
Chỉ còn nguyên nhân còn lại là do dự báo kém và đặc biệt kế hoạch nâng cấp Tân Sơn Nhất quá chậm.
"Vừa qua, Chính phủ đồng ý cho phép hệ thống nhà ga hành khách sân bay Tân Sơn Nhất được nâng công suất đạt khoảng 40 - 50 triệu lượt hành khách/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Điều này rất cần thiết và đúng đắn, tuy nhiên vấn đề là quy trình triển khai ra sao, tiến độ và chất lượng thế nào. Theo tôi, cần phải giám sát chặt chẽ vấn đề này và quy trách nhiệm cụ thể", PGS.Tống nói.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM (ảnh Hoàng Lực) |
Trở lại câu chuyện quá tải sân bay Tân Sơn Nhất, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống có hai vấn đề: Thứ nhất quy hoạch mở rộng sân bay chậm và chưa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
“Khi nói đến dự án sân bay Long Thành, Bộ Giao thông vận tải chỉ nêu ra vấn đề quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất với rất nhiều con số được đưa ra nhưng tuyệt nhiên không có một bản quy hoạch chi tiết với tính toán cụ thể nhằm nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng nhu cầu trước mắt”, PGS. Nguyễn Thiện Tống nói.
Làm gì để giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất? |
Ông Nguyễn Thiện Tống cho rằng, đầu tư sân bay Long Thành là cần thiết, nhưng để hoàn thành dự án này phải mất cả chục năm nữa, trong khi vấn đề quá tải Tân Sơn Nhất đang ngay trước mắt, giải quyết thế nào, mở rộng ra sao vẫn chưa cụ thể.
“Ngành giao thông nói nhiều về quá tải Tân Sơn Nhất chuyện đó ai cũng biết nhưng giải quyết thế nào thì đến giờ vẫn đang bàn.
Cách làm việc “nước đến chân mới nhảy” chuyện quá tải là điều dễ hiểu”, ông Tống nói.
Thứ hai, sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ quá tải về tần suất cất/hạ cánh, về điểm đỗ máy bay mà còn ùn tắc các tuyến giao thông ngoài sân bay. Điều đó cho thấy thiếu quy hoạch tổng thể.
“Theo tôi nên bỏ sân golf trong Tân Sơn Nhất xây dựng thêm nhà ga, sân đỗ máy bay và mở thêm cổng vào ở phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất để giảm lưu lượng giao thông trên đường Trường Sơn. Muốn giảm ùn tắc giao thông phải có quy hoạch ngay từ đầu”, ông Tống cho biết.
Với cách điều hành của ngành giao thông vận tải như hiện nay, theo PGS. Nguyễn Thiện Tống sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tiếp tục quá tải, gây thêm áp lực cho hệ thống hạ tầng xung quanh.
Ảnh hưởng lớn đến kinh tế đất nước
Đồng quan điểm, ông Trần Đình Bá – Tác giả chiến lược giao thông vận tải cho rằng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất, ách tắc giao thông xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất rõ ràng có liên quan đến vấn đề dự báo, quy hoạch của ngành giao thông.
“Việc dự báo kém, dẫn đến phát triển nóng, phát triển không theo quy hoạch đô thị và quy hoạch ngành đã làm cho tình hình trật tự giao thông tại Tân Sơn Nhất vốn đã tồi tệ nay lại càng tồi tệ hơn, đúng như nhận xét của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là “tắc cả trên trời, tắc cả dưới đất, tắc cả trong và tắc cả ngoài”, có nguy cơ đe dọa an ninh hàng không”, ông Bá cảnh báo.
Theo ông Trần Đình Bá, cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải, cụ thể Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam là đơn vị phải chịu trách nhiệm cho câu chuyện quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Quy hoạch, dự báo kém dẫn đến hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được sự phát triển thực tế ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế đất nước.
Ông Trần Đình Bá – Tác giả chiến lược giao thông vận tải cho rằng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất có trách nhiệm lớn của Bộ Giao thông vận tải - ảnh nguồn Infonet. |
Ông Bá đánh giá, quá tải, ách tắc giao thông tại Tân Sơn Nhất gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho cả nước, đặc biệt là TP.HCM và các hãng hàng không.
“Việc có máy bay phải bay lòng vòng trên bầu trời khoảng 30 phút vì quá tải chưa hạ cánh được gây thiệt hại không dưới 5.000 USD, thiệt hại đó hãng hàng không phải gánh chịu.
Người dân chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế do hầu nhiều chuyến bay bị chậm do tắc nghẽn. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến vấn đề môi trường”, ông Bá nêu quan điểm.
Theo ông Trần Đình Bá, không chỉ riêng hàng không, đường sắt cũng là ngành trì trệ. Những trì trệ đó có xuất phát từ tầm nhìn, quy hoạch phát triển đường sắt.
Toàn bộ 5 ngành vận tải phát triển hiện nay đang thiếu quy hoạch, thiếu dự báo, mạnh ai người đó làm nên gây ra tình trạng khủng hoảng thừa hàng trăm cảng biển trong khi đường sắt chưa được đầu tư tương xứng.
“Đường sắt là ngành vận tải chủ lực nhưng công nghệ tụt hậu do không chịu cải tạo khổ đường 1.435 nên thị phần vận tải hiện nay rất thấp, chỉ chiếm 0.7% thị phần.
Thất bại đường sắt đã dồn gánh nặng vận tải lên các loại hình khác là đương nhiên. Thảm họa giao thông đường bộ có nguyên nhân từ thất bại của đường sắt và hàng hải”, ông Bá nói.