LTS: Chia sẻ những ưu điểm của trong phương pháp dạy và học của các nước có nền giáo dục phát triển, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương hy vọng sẽ góp phần để các cơ quan quản lý tham khảo trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Gần đây, nhiều hội thảo được tổ chức bàn về phương pháp dạy học, trong đó gồm cả phương pháp dạy học cho môn giáo dục công dân [1].
Là những người hoạt động trong giáo dục, chúng ta đều biết đến vai trò quan trọng sống còn của phương pháp giảng dạy.
Vì nếu không, mọi ý nghĩa của giáo dục không tồn tại khi không có phương pháp truyền tải và khuyến khích học sinh học, tiếp thu và phát triển các năng lực cá nhân trong học tập.
Theo quan sát của cá nhân, tôi nhận thấy chúng ta đang có một số tư duy mới nhằm nỗ lực thay đổi phương pháp giảng dạy ở Việt Nam, hiện được cho là chưa phù hợp để phát triển năng lực của giáo viên và học sinh.
Ví dụ như: tư duy Học Sinh có quyền có ý kiến khác thầy [2]; Dạy và học Tích cực [3]; đặc biệt gần đây Bộ Giáo dục – Đào tạo đã xác định sẽ thay đổi phương pháp dạy từ đơn môn sang tích hợp [4], đa môn, đặt trọng tâm vào học sinh.
Việc đổi mới phương pháp dạy và học, Việt Nam cần tham khảo những nước có nền giáo dục phát triển. (Ảnh minh họa trên Báo Lao động) |
Đây là những tín hiệu thay đổi rất mừng cho giáo dục Việt Nam, ở tất cả các cấp.
Dưới đây là một số chia sẻ về những ưu điểm trong phương pháp dạy và học của các nước có nền giáo dục phát triển như Anh, Mỹ, Úc. Hy vọng có thể giúp ích phần nào cho cải cách dạy và học ở Việt Nam.
1. Nguyên tắc của mọi nguyên tắc: học sinh là trọng tâm của giáo dục, của mọi cải cách giáo dục, của mọi nghiên cứu về dạy và học (ở Việt Nam, chúng ta gọi là lấy học sinh làm trung tâm).
Từ thế kỷ trước, John Dewey [5] đã khởi xướng và xây dựng phương pháp học qua trải nghiệm, lấy học sinh làm trung tâm, và điều này là nguyên lý cơ bản cho giáo dục hiện đại tại Mỹ và các nước trên thế giới.
Mô hình trường học mới (VNEN) mà Việt Nam thực hiện được mấy năm qua, bản chất lấy học sinh làm trung tâm cũng là nền tảng chính của nguyên tắc giáo dục.
Chỉ tiếc là do việc nghiên cứu, ứng dụng vào địa phương, do dự án quá nóng vội triển khai trên toàn quốc, do thiếu chuẩn bị đầy đủ cho giáo viên, quản lý nhà trường, học sinh và phụ huynh, chúng ta áp dụng mô hình này có vẻ đã thất bại ở nhiều địa phương, khi phụ huynh và học sinh nhiều tỉnh phản đối [6].
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu kỹ sự thất bại của VNEN để làm bài học cho những cải cách giáo dục trong tương lai, đặc biệt cho nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm, tôi tin là cái giá phải trả cho những sai lầm trong cải cách giáo dục sẽ ít đi.
2. Xác lập khung chuẩn kiến thức cần đạt của học sinh, giáo viên được tự do thiết lập những bài giảng, tài liệu hay những hoạt động hỗ trợ nhằm giúp học sinh tiếp thu hiệu quả, yêu thích môn học và có kỹ năng phát triển mở rộng ra ngoài nội dung.
Việc học sinh chỉ có thể học tốt khi giáo viên “tốt”, có năng lực truyền dạy và khơi gợi đam mê học tập của học sinh.
Đổi mới phương pháp giảng dạy, tiêu điểm của đổi mới căn bản, toàn diện |
Trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay, chúng ta đang xây dựng nên rất nhiều trách nhiệm hành chính cho giáo viên, không nằm trong chức năng giảng dạy [7].
Chúng ta yêu cầu giáo viên dạy đúng chương trình, mà giáo viên có thể mua được giáo án [8].
Thực tế này buộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như những nhà quản lý giáo dục ở cấp Sở, cấp nhà trường cần tư duy lại, vậy giáo viên của chúng ta thực ra đang làm nghề gì?
Nếu chúng ta đồng ý về việc trách nhiệm của giáo viên là dạy học, hãy tạo mọi điều kiện để cho họ được làm đúng nghề, hãy hỏi ý kiến họ về phương pháp dạy nào tốt, tài liệu nào phù hợp, có gì có thể làm tốt hơn nếu dạy không theo giáo án hay khung chương trình, vân vân.
Tôi tin là chúng ta vẫn có nhiều giáo viên giỏi, tâm huyết và họ có thể làm việc cùng nhau, cùng với nhà trường để có thể dạy cho học sinh học tốt nhất, nhưng xin đừng can thiệp quá sâu vào những gì giáo viên được dạy.
Hãy quản lý chất lượng dạy bằng chất lượng học sinh, bằng hệ thống đánh giá công bằng và có tính phổ biến rộng, dựa trên kiến thức và kỹ năng cần có. Có như thế, chúng ta mới tạo ra được giáo viên sáng tạo và học sinh sáng tạo.
3. Học để lấy kiến thức suốt đời, không phải để thi, không để lấy điểm số, không cạnh tranh. Những ứng dụng thi chuẩn hóa chỉ để tham khảo, không phải là bắt buộc cho xét tuyển vào đại học.
Việt Nam đang ứng dụng thi chuẩn hóa, thi trắc nghiệm theo mô hình của một số nước trên thế giới.
Việc tổ chức thi này giúp cho tổ chức thi đơn giản hơn, dễ dàng thực hiện về quản lý hành chính.
Tuy nhiên, trong hơn 3 năm qua, ở Mỹ, các chuyên gia hàng đầu về giáo dục đã công bố và đưa ra một số các nghiên cứu về hiệu quả thi trắc nghiệm và thi chuẩn hóa tại cấp phổ thông, với một nhận xét rằng:
“do các kỳ kiểm tra trước đây đã được thiết kế không phải để đo lường các kỹ năng (kỹ năng lao động cho thế kỷ 21 – người dịch), chúng ta cần nỗ lực để xây dựng hệ thống đánh giá mới mà có thể đánh giá tiến bộ của học sinh hướng đến những đánh giá mà đại học và nghề nghiệp, công việc yêu cầu sau này đòi hỏi” (Thách Thức Dạy và Học Thế Kỷ 21 – Giáo Sư Linda Darling-Hammond – Stanford) [9].
Ngay ở Harvard, bản nghiên cứu về mối liên quan giữa các điểm thi từ chuẩn hóa và năng lực của người học và trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội [10], các giáo sư Harvard đã kiến nghị việc “coi các điểm thi chuẩn hóa chỉ là một trong những tài liệu tham khảo để xét vào đại học”.
Họ khuyến khích sự sáng tạo, các hoạt động chia sẻ trách nhiệm với gia đình, cộng đồng nơi mình sinh sống, nhằm tạo lập nên những công dân hữu ích, có tấm lòng với bản thân và những gì xung quanh, thay vì chạy theo những kiến tạo lãnh đạo xa rời thực tiễn.
Những đại học lớn (và khoảng hơn 925 đại học Mỹ được kiểm định) [11] đã không xét các điểm thi SAT, ACT trong kỳ tuyển sinh của họ, ví dụ như University of Chicago [12], họ tuyên bố rõ trên website về việc “Không có điểm trung bình tối thiểu hay yêu cầu về điểm kiểm tra” và rằng “Không có một điểm nào sẽ được dùng để đánh giá thay thế cho toàn bộ các yếu tố khác trong đơn xin học”.
Vậy, chúng ta sẽ cần hướng dạy và học của mình đi đến thi trắc nghiệm, thi chuẩn hóa của SAT hay chúng ta phải định hướng cùng với hướng đi tiến bộ của nhiều nước là học để lấy kiến thức và cần xây dựng hệ thống đánh giá học sinh dựa trên những kiến thức cần đến cho tương lai đại học, nghề nghiệp sau này?
Những câu trả lời cho các câu hỏi trên, cho 3 mảng vấn đề, sẽ là tiên quyết cho hoạt động cải cách giáo dục sắp tới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tiến hành.
Tôi hy vọng, để đạt được Giấc mơ Việt Nam 2035 [13], khi Việt Nam đạt được thu nhập trung bình khá trên thế giới, giáo dục theo hướng đổi mới tiến bộ cùng với thế giới sẽ là một phần không tách rời của cải cách kinh tế đất nước.
Tài liệu tham khảo:
[1] Hội thảo quốc gia về đổi mới phương pháp dạy học môn giáo dục công dân - http://giaoducthoidai.vn/goc-nhin/hoi-thao-quoc-gia-ve-doi-moi-phuong-phap-day-hoc-mon-giao-duc-cong-dan-2789141-c.html; http://ajc.hcma.vn/Nghien-cuu-khoa-hoc/Hoi-thao-khoa-hoc-Phuong-phap-day-hoc-tich-cuc-trong-day-va-hoc-ngoai-ngu-cho-sinh-vien-Hoc-vien-Bao-chi-va-Tuyen-truyen/22873.ajc; http://nute.edu.vn/ChitietTin.aspx?id=2476
[2] Học sinh có quyền ý kiến khác Thầy – Thanh Niên - http://thanhnien.vn/giao-duc/hoc-sinh-co-quyen-y-kien-khac-voi-thay-779693.html
[3] Hội thảo khoa học Phương pháp dạy tích cực trong dạy và học ngoại ngữ - http://ajc.hcma.vn/Nghien-cuu-khoa-hoc/Hoi-thao-khoa-hoc-Phuong-phap-day-hoc-tich-cuc-trong-day-va-hoc-ngoai-ngu-cho-sinh-vien-Hoc-vien-Bao-chi-va-Tuyen-truyen/22873.ajc
[4] Không thay đổi là chết – Người lao động - http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/khong-thay-doi-la-chet-20170108225733123.htm
[5] John Dewey – Học Tập và Trải nghiệm - https://en.wikipedia.org/wiki/Experience_and_Education_(book)
[6] VNEN – Vì sao các tỉnh ngừng VNEN? – Tuổi trẻ - http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160830/vi-sao-cac-tinh-ngung-vnen/1163137.html
[7] Thực hiện TT 30 – Giáo viên thiếu thời gian – Dân trí - http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thuc-hien-thong-tu-30-giao-vien-thieu-thoi-gian-1414921149.htm
[8] Giáo viên mua… giáo án – Thanh Niên - Giáo viên mua…giáo án – Thanh Niên - http://thanhnien.vn/giao-duc/giao-vien-mua-giao-an-780622.html
[9] Thách thức dạy và học Thế kỷ 21 – GS. Linda Darling - Hammond - https://www.linkedin.com/pulse/th%C3%A1ch-th%E1%BB%A9c-cho-gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c-h%E1%BB%8Dc-t%E1%BA%ADp-trong-th%E1%BA%BF-k%E1%BB%B7-21-huong-nguyen?articleId=6221693427604647936#comments-6221693427604647936&trk=prof-post
[10] Harvard report Make admissions process more meaningful (Hãy làm cho tuyển sinh đại học có ý nghĩa hơn nữa) - http://college.usatoday.com/2016/01/21/harvard-report-make-admissions-process-more-meaningful/
[11] 925 + Accredited America Universities and Colleges do not use SAT/ACT - http://fairtest.org/schools-do-not-use-sat-or-act-scores-admitting-substantial-numbers-students-bachelor-degree-programs
[12] University of Chicago - https://collegeadmissions.uchicago.edu/apply
[13] Giấc Mơ Việt nam 2035 – Giáo dục nằm ở đâu? – Giáo dục Việt nam - http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Viet-Nam--giac-mo-2035-4-Giao-duc-nam-o-dau-post171871.gd