Luận cái Loa phường

16/01/2017 08:45
Xuân Dương
(GDVN) - Hiện “loa phường” đã hoàn thành “nhiệm vụ lịch sử” không chỉ với Thủ đô mà cả các thành phố lớn trong cả nước.

Năm 1954, hòa bình lập lại sau 9 năm kháng chiến, những người thợ mỏ Cái Đá, mỏ than Hà Lầm, khu Hồng Quảng lần đầu tiên được nghe truyền thanh nhờ một chiếc loa lắp trên đỉnh đồi.

Chính quyền quy định mỗi ngày chiếc loa được quay về một xóm, những người thợ mỏ và lũ trẻ con luôn háo hức chờ đến lượt loa quay về xóm mình để được nghe tin tức và nhất là những bài hát cách mạng.

Mâu thuẫn xảy ra khi bỗng nhiên xóm tôi đến lượt mà không nghe được “Tiếng nói Việt Nam”, hóa ra lũ trẻ xóm bên đã lẻn lên đỉnh đồi quay loa về xóm chúng.

Dù bị cha mẹ cấm, chúng tôi vẫn quyết định “trả thù” bằng cách rủ nhau lên đỉnh đồi quay loa về xóm mình, lại lấy đá chèn chặt chân cột cho lũ ngốc xóm bên không thể xoay loa về xóm chúng.

Hơn 60 năm đã qua, câu chuyện của ngày xưa cũ vẫn là kỷ niệm khó quên với những người đã bước vào tuổi “cổ lai hy”.

Mấy hôm nay, rộ lên chuyện Hà Nội xem xét bỏ loa phường khiến câu chuyện cũ lại có dịp được đem ra bàn bạc. Cũng cần phải nói thêm không chỉ loa phường mà còn cả loa huyện.

Những “Làng văn hóa” tại Huyện Gia Lâm vừa được huyện lắp các cột loa phát thanh, cột thép cao gần 20 mét, lắp 4 loa, giữa cột là hệ thống thu tín hiệu sóng đài huyện kèm theo bộ quản lý thời gian để tự động phát hoặc dừng.

“Loa huyện” ở Phú Thụy - Gia Lâm - Hà Nội (ảnh Xuân Dương)
“Loa huyện” ở Phú Thụy - Gia Lâm - Hà Nội (ảnh Xuân Dương)

Do người dân phản đối nên “loa huyện” phải đưa ra mép đường quốc lộ, cách xa khu dân cư. Đứng trên mặt đất cách chân cột vài chục mét trong khoảng 10 phút không nghe rõ lời vì xe tải trọng lớn chạy liên tục.

Vào trong làng, giữa các ngôi nhà 3-4 tầng nghe loa như như cãi nhau vì sóng âm dội lại giữa các bức tường.

Lên gác thượng một nhà cách cột loa chừng 300 mét, chỉ nghe thấy một mớ âm thanh lúc bổng lúc trầm không biết do “loa huyện” hay từ các quán karaoke phát ra!

Mấy cụ già ngồi xem tivi, nhìn hình mà không nghe rõ tiếng mỗi khi loa hoạt động. Người dân nhận xét, ngoài ô nhiễm môi trường bây giờ lại thêm “ô nhiễm âm thanh”!

Cư dân nội đô thì lại bị đối xử không “công bằng”, dân các khu đô thị như Times City,  Ecopark,… không được hưởng “loa phường, loa huyện”,  ở nhà cao tầng “loa phường” đành chào thua vì chẳng loa nào với tới tầng chín, tầng mười.

Luận cái Loa phường ảnh 2

Quy hoạch đô thị của Hà Nội, từ người làm đến hiện thực

(GDVN) - “Tại sao người ta hay nói “Hà Nội không vội được đâu”, vì muốn làm nhanh cũng không được, kể cả những việc nhỏ…”.

Người dân ngày nay có nhiều lựa chọn để nắm bắt thông tin, gia đình và nhà trường có sổ liên lạc điện tử, mỗi kỳ phát lương nhân viên Bưu điện đều trao cho người hưu trí mảnh giấy ghi rõ ngày phát lương tháng sau, thông báo tiêm chủng cho trẻ em được viết trên bảng tin của thôn…

Truyền hình cáp có tới 200 kênh, nhiều các gia đình lắp Internet, chưa kể mạng xã hội,…

Một số báo giấy hiện nay không có người mua, chủ yếu người ta đọc báo điện tử, thông tin đôi khi là quá thừa.

Ngày 15/1/2017, mục bình chọn trên Dantri.com.vn cho thấy 89,77% ý kiến bạn đọc đồng ý bỏ “loa phường”, chỉ khoảng 10% muốn giữ.

Nhiều năm trước, người viết từng có hai tuần làm việc ngay cạnh Trung tâm phát thanh - truyền hình huyện K.Đ tỉnh H.Y.

Cả trung tâm có 4 người, tất cả tin bài đều lấy trên báo, tìm hiểu được biết “không dại gì tự viết bài” nhỡ trái chỉ đạo là phiền phức (thực ra là không ai có kinh nghiệm viết bài).

Chỉ cần đem mấy tờ báo khoanh đỏ vào bài cần đọc, thế là xong nhiệm vụ trưởng, phó đài, nhân viên đến giờ mở máy theo những khoanh đỏ đó đọc cho chuẩn (tuy hơi ngọng) là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?

Ngoài “loa phường” lại thêm “loa huyện”, đầu tư cho mỗi cột loa ấy chắc chắn phải vài chục triệu, cả huyện chắc phải tốn tiền tỷ nhưng thăm dò cho thấy 90% dân muốn bỏ, vậy có nên tiếp tục?

Hệ thống dây thông tin và dây điện Hà Nội đang là nỗi xấu hổ của Thủ đô khi truyền thông nước ngoài từng có lúc xếp Hà Nội thứ 3 thế giới về “mạng nhện” dây dẫn, đóng góp vào vị trí này không thể không có “công lao” của hệ thống “loa phường”!

Đương nhiên những người không muốn bỏ “loa phường” sẽ có lý do biện minh cho quan điểm của mình, trong số đó hẳn phải có những Trưởng đài, Phó đài và những “công chức đài” hay người thân của ai đó.

Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện/quận, 584 đơn vị cấp xã/phường. Giả sử đài phát thanh cấp huyện biên chế 4 người, cấp xã 1 người thì số lượng “công chức đài” sẽ vào khoảng 600 người.

Dù là chuyên nghiệp hay bán chuyên trách thì vẫn phải trả lương, vậy ngân sách phải chi bao nhiêu tỷ tiền lương cho đội ngũ này mà thực tế hiệu quả mang lại rất thấp nếu không nói là còn gây phiền hà cho người dân?

Nói thế để thấy “loa phường” đã hoàn thành “nhiệm vụ lịch sử” không chỉ với Thủ đô mà cả các thành phố lớn trong cả nước.

Người viết hoan nghênh quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc xem xét sự tồn tại của “loa phường, loa huyện” theo hướng loại bỏ phương tiện truyền thông này.

Nếu được thực hiện, Hà Nội sẽ góp phần vào tinh giản biên chế vài trăm người, cùng với đó là một số tiền khá lớn dành cho xây dựng trường học, bệnh viện, và cơ sở phúc lợi công cộng.

Lắng nghe ý kiến nhân dân, làm những điều dân muốn, đó chính là nét văn minh của một chính quyền “do dân và vì dân”.

Xuân Dương