"Donald Trump thờ ơ với châu Á, Nhật Bản nên phất cờ"

31/01/2017 07:59
Hồng Thủy
(GDVN) - Thủ tướng Shinzo Abe đang tỏ ra là người rất chủ động, tự lực tự cường trong việc đảm bảo an ninh cho nước Nhật trước những biến động chính trị quốc tế.

The Japan Times ngày 28/1 đưa tin, Giáo sư Yoshihide Soeya Đại học Keio trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Kyodo News đã bình luận: Nhật Bản nên thúc đẩy hợp tác với khu vực châu Á trong sự vắng mặt của Donald Trump.

Ông cho rằng, dường như Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ít chú ý đến trật tự ở khu vực châu Á. Nhật Bản cần thúc đẩy hợp tác với các nước châu Á khác để thực hiện mục tiêu cùng chung sống lâu dài với một Trung Quốc đang lên.

Sự thờ ơ rõ ràng của Trump trong việc thực hiện vai trò duy trì trật tự ở khu vực châu Á của Mỹ đã gây ra một mối quan ngại trong khu vực, chứ không nên xem đó là một cơ hội cho các nước châu Á suy nghĩ về trật tự khu vực mình.

Theo ông, Nhật Bản dự kiến sẽ đóng một vai trò trong việc thúc đẩy hợp tác ở châu Á, chẳng hạn như thông qua việc tăng cường giúp các nước Đông Nam Á phát triển năng lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời vẫn duy trì liên minh với Hoa Kỳ để ngăn chặn khả năng Trung Quốc thống trị châu Á.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ảnh: Times US.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ảnh: Times US.

Ở khía cạnh đó, Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương có thể cực kỳ quan trọng trong thúc đẩy hợp tác ở châu Á, ngay cả khi Hoa Kỳ vắng mặt.

TPP rất quan trọng đối với an ninh cũng như hệ thống kinh tế ở châu Á, được sử dụng bởi các nước không bao gồm Trung Quốc. Tuy nhiên điều này không có nghĩa các thành viên TPP ở châu Á đang bắt đầu một cuộc chiến với Trung Quốc.

Điều quan trọng là các nước cần thảo luận làm thế nào để giải quyết vấn đề giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, 2 nước cầm trịch ảnh hưởng lớn đến khu vực.

Trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác Nhật Bản - ASEAN, Giáo sư Yoshihide Soeya cũng cảnh báo chống lại chiến lực của Thủ tướng Shinzo Abe: nhấn mạnh mối đe dọa từ Trung Quốc và tìm cách hút các nước vào liên minh với Hoa Kỳ. Theo ông:

"Các nước ASEAN sẽ miễn cưỡng về việc hợp tác với Thủ tướng Abe nếu ông tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ trong chiến lược của mình để đối phó với Trung Quốc.

Những lo lắng về hành vi hung hăng của Trung Quốc đang gia tăng, nhưng các nước ASEAN không thể đối kháng công khai, lộ liễu với Trung Quốc, đồng thời họ cũng không muốn mất mặt với Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Cuối cùng, ông Shinzo Abe có thể sẽ chỉ làm lợi cho Trung Quốc nếu ông tiếp tục gắn bó với lý thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc.

Chính sách "nước Mỹ đầu tiên" của Donald Trump sẽ tiếp tục và ông ấy có vẻ không có bất cứ nguyên tắc nào liên quan đến trật tự quốc tế, trong khi Nhật Bản và các nước châu Á cần phải suy nghĩ cách bảo đảm trật tự khu vực. 

Vì vậy có một khoảng cách lớn giữa Donald Trump và châu Á".

Kyodo News giải thích rõ hơn ý Giáo sư Yoshihide Soeya rằng, Nhật Bản cần ghi nhớ, nếu Thủ tướng Shinzo Abe cố gắng tăng cường quan hệ với ASEAN chỉ vì chống Trung Quốc, sẽ tạo ra những rạn nứt trong khối, và điều này có lợi cho Trung Quốc.

"Donald Trump thờ ơ với châu Á, Nhật Bản nên phất cờ" ảnh 2

Khi Trump không nói chơi, người Việt cần thay đổi

(GDVN) - Bài học quan trọng nhất từ sự thay đổi chính sách của Trump, với Việt Nam cũng như các nước châu Á-Thái Bình Dương khác, đó là độc lập tự chủ, tự lực tự cường.

Người viết cho rằng, đầu tiên Nhật Bản không chỉ "nên", mà rõ ràng họ "đang" đóng vai trò rất quan trọng, chủ động trong cục diện an ninh Đông Á, đặc biệt là ở Biển Đông và Hoa Đông.

Việc Thủ tướng Shinzo Abe chủ động tiếp xúc gặp gỡ ông Donald Trump ngay sau khi đắc cử hôm 8/11, mặc dù trước đó đã chuẩn bị cho phương án bà Hillary Clinton trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ, không hẳn là một sự "lệ thuộc Mỹ".

Nước cờ chủ động đó rất cần thiết, bởi nói gì thì nói, Hoa Kỳ vẫn là siêu cường số một trên thế giới hiện nay, đồng thời cũng là người cầm trịch an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương. 

Trong khi chính sách của Donald Trump với khu vực chưa rõ ràng, thay vì ngồi phỏng đoán, chủ động tiếp xúc và tìm hiểu thiết nghĩ là một lựa chọn phù hợp với tình thế.

Thứ hai là vai trò của TPP vẫn được Giáo sư Yoshihide Soeya nhấn mạnh dưới góc độ địa chính trị - an ninh khu vực, thay vì một hiệp định thuần túy thương mại - kinh tế.

Trong khi đó sức sống của TPP nằm ở góc độ thương mại - kinh tế. Nếu chỉ tìm cách khai thác các giá trị địa chính trị, địa chiến lược và an ninh khu vực từ TPP mà xem nhẹ các thành tố kinh tế - thương mại, phải chăng sẽ là duy ý chí?

Thứ ba, người viết đồng tình với Giáo sư Yoshihide Soeya ở điểm, Nhật Bản nên thận trọng trong việc lôi kéo ASEAN về phía Hoa Kỳ để chống Trung Quốc, bởi bất kỳ một sự lôi kéo nào tương tự từ Washington hay Bắc Kinh đều sẽ dẫn tới nguy cơ tan vỡ của khối.

Do đó, để bảo vệ trật tự quốc tế sau Chiến tranh Thế giới II, luật pháp và chuẩn mực quốc tế hiện hành, mọi hoạt động bang giao, đối ngoại trong khu vực cũng như đàm phán giải quyết ác tranh chấp quốc tế như Biển Đông cần đặt trên hệ quy chiếu pháp lý quốc tế đương đại và tinh thần thượng tôn pháp luật.

Cả 3 thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều đã từng chống lại phán quyết có thẩm quyền của cơ quan tài phán quốc tế.

Đó là Hoa Kỳ trong vụ kiện với Nicaragua tại Tòa án Công lý Quốc tế, đó là Nga trong vụ kiện của Hà Lan tại Tòa Trọng tài Thường trực.

Mới đây nhất là Trung Quốc trong vụ kiện trọng tài Biển Đông do Philippines khởi xướng tại Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Còn với Nhật Bản, việc không tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế về cấm đánh bắt cá voi cũng tạo ra một tiền lệ xấu về việc các siêu cường bẻ cong luật pháp quốc tế.

Trong khi Hoa Kỳ chưa phê chuẩn UNCLOS 1982, việc kêu gọi hay gây áp lực buộc Trung Quốc tuân thủ UNCLOS 1982 ở Biển Đông sẽ giảm hiệu lực, hiệu quả rất nhiều.

Thứ tư, Donald Trump có "thờ ơ" với châu Á hay chỉ thay đổi cách tiếp cận các vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương sao cho hiệu quả cần có thêm thời gian kiểm chứng.

Những cảnh báo của ông về việc các đồng minh cần gánh chi phí nhiều hơn trong việc bảo đảm an ninh quốc gia cho nước mình, thiết nghĩ chưa hẳn đã là một sự "thờ ơ" hay thiếu cam kết của Hoa Kỳ với khu vực.

Ngược lại, nên coi đó là cơ hội để mỗi nước châu Á - Thái Bình Dương xem lại chiến lược quốc phòng an ninh của mình trên tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết thống nhất, chứ không dựa dẫm, ỷ lại vào người Mỹ, trong khi đóng góp kinh phí duy trì sự hiện diện của Mỹ trên lãnh thổ đồng minh lại không tương xứng.

Lựa chọn của Donald Trump, Mỹ không làm chuyện "bao đồng" nữa, không cung cấp miễn phí các dịch vụ đảm bảo an ninh nữa, thiết nghĩ chính là đòi hỏi không chỉ của nền chính trị Hoa Kỳ, mà còn là đòi hỏi của xu thế, cục diện chính trị quốc tế mới.

Thủ tướng Shinzo Abe đang tỏ ra là người rất chủ động, tự lực tự cường trong việc đảm bảo an ninh cho nước Nhật trước những biến động chính trị quốc tế và quan điểm mới của Donald Trump về đối ngoại.

Tài liệu tham khảo:

http://www.japantimes.co.jp/news/2017/01/28/national/politics-diplomacy/japan-push-asian-cooperation-absence-effort-trump-expert-says/#.WI_YE1OLTIU

Hồng Thủy