LTS: Phong tục mừng thọ đầu xuân là một trong những nét đẹp văn hóa, thể hiện đạo lí “uống nước nhớ nguồn”. Đây là dịp con cháu bày tỏ tấm lòng hiếu thảo với các bậc cao niên.
Thầy giáo Bùi Minh Tuấn cho rằng, gần đây, mĩ tục này đang bị méo mó, biến dạng khi nhiều gia đình tổ chức linh đình, phô trương, thậm chí tổ chức mừng thọ cho ông bà, cha mẹ để trục lợi.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Đã thành thông lệ, vào mỗi dịp đầu xuân mới, nhiều gia đình, địa phương lại tổ chức lễ mừng thọ đối với các bậc cao niên.
Đây là mĩ tục truyền thống của dân tộc thể hiện đạo lí “uống nước nhớ nguồn”.
Thông qua lễ mừng thọ, con cháu có dịp bày tỏ tấm lòng yêu kính, tri ân đối với ông bà, cha mẹ; cộng đồng, xã hội thể hiện sự quan tâm đối với lớp người “cây cao bóng cả”.
Lễ mừng thọ được tổ chức trang trọng, đầm ấm, tiết kiệm còn có ý nghĩa khuyến khích, động viên để các bậc cao niên, sống vui, sống khỏe, sống có ích với gia đình và xã hội.
Thông thường, người bước vào tuổi 60 đã được tổ chức lễ mừng thọ. Tuy nhiên, hiện nay do xã hội phát triển, mức sống chung được cải thiện, tuổi thọ con người được kéo dài hơn nên thường lễ mừng thọ được tổ chức vào tuổi 70, 80, 90…
Lễ mừng thọ là dịp để con cháu bày tỏ tình cảm với những người cao tuổi trong gia đình. (Ảnh minh họa trên Báo Gia đình và Xã hội) |
Nghi thức trong lễ mừng thọ phụ thuộc vào phong tục của từng địa phương mà có cách tổ chức khác nhau.
Nhưng về cơ bản, lễ mừng thọ sẽ do con cháu trong nhà tổ chức riêng. Sau đó, ở đình làng, nhà văn hóa khối, xóm, các tổ dân cư tiến hành tổ chức một lễ mừng thọ chung cho các bậc cao niên trên địa bàn.
Theo phong tục truyền thống, trong ngày mừng thọ, con cháu sẽ chúc rượu thọ, nói những lời tốt đẹp để tỏ lòng biết ơn, mong cha mẹ, ông bà được sống lâu, sống thọ, tặng một sỗ lễ vật nhỏ như: tấm áo, chiếc khăn, tặng chữ, tặng tranh hay làm thơ, câu đối… để ông bà vui lòng.
Cụ Hồ Trọng Đức (80 tuổi), xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết trong lễ mừng thọ được tổ chức đầu xuân tại địa phương:
“Tôi thấy hạnh phúc, ấm áp vì con cháu đề huề lại hiếu thảo, công sức nuôi dạy con cái, cống hiến cho xã hội đã được đền đáp, ghi nhận”.
Mặc dù vậy, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều người không khỏi băn khoăn khi ở một số nơi, mĩ tục mừng thọ người cao tuổi đầu xuân đang bị làm mất đi ý nghĩa đích thực vốn có.
Trước đây, lễ mừng thọ thường được tổ chức đơn giản, chủ yếu chỉ có tiệc ngọt, trà nước, trầu cau nhưng trang trọng, vui vẻ và ấm áp.
Trong ngày lễ này, con cháu, họ hàng, làng xóm, khối phố cùng tụ hội để chúc cho người cao niên khỏe mạnh, sống lâu cùng con cháu.
Cũng có gia đình tổ chức tiệc mặn, song cũng chỉ là một vài mâm cơm trong nội bộ gia đình.
Lễ vật, quà tặng thường chỉ là tấm lụa, áo quần, không có mấy người mừng thọ bằng tiền.
Tuy nhiên hiện nay, đang xuất hiện tình trạng nhiều địa phương, gia đình đua nhau tổ chức lễ mừng thọ phô trương hình thức, rườm rà, tốn kém.
Có gia đình tổ chức lễ mừng thọ cho ông bà, cha mẹ mà cũng in thiệp mời, dựng rạp, tổ chức tiệc mặn kéo dài đến vài ngày.
Đáng phê phán nhất là một số gia đình ngày thường con cháu thiếu sự quan tâm, hiếu lễ với ông bà, cha mẹ thậm chí ngược đãi nhưng tổ chức lễ mừng thọ rất “hoành tráng”, chỉ với mục đích phô trương với làng xóm, khu phố.
Thậm chí có gia đình còn xem việc tổ chức lễ mừng thọ là dịp để trục lợi. Rõ ràng, những biểu hiện trên đã khiến cho phong tục mừng thọ bị méo mó, biến dạng.
Trong tâm thức dân gian, người có tuổi thọ và gia đình có người cao tuổi là có được một cái phúc lớn.
Do vậy, để giữ gìn nét đẹp văn hóa mừng thọ người cao tuổi vào mỗi dịp Xuân về, chính quyền các cấp cần tăng cường tuyên truyền nếp sống mới trong việc mừng thọ.
Các gia đình không nên tổ chức ăn uống, cỗ bàn linh đình, tốn kém, làm mất đi ý nghĩa của nét đẹp văn hóa mừng thọ.