Mỹ có thể điều cụm tàu sân bay tấn công tới tuần tra ở Trường Sa, Hoàng Sa

13/02/2017 06:39
Hồng Thủy
(GDVN) - FONOPS có thể được thực hiện bởi cụm tàu sân bay tấn công Carl Vinson đóng tại tại San Diego, nhưng đang ở Thái Bình Dương và trên đường hướng về Biển Đông.

Navy Times ngày 12/2 đưa tin, lãnh đạo Hải quân Mỹ và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đang muốn tiến hành một hoạt động tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông, theo 3 quan chức hải quân giấu tên.

Tự do hàng hải, còn được gọi là FONOPS có thể được thực hiện bởi cụm tàu sân bay tấn công Carl Vinson đóng tại tại San Diego, nhưng đang ở Thái Bình Dương và trên đường hướng về Biển Đông.

Hải quân Mỹ có thể điều cụm tàu sân bay tấn công này tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc mới bồi đắp (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), và / hoặc quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) mà Trung Quốc đang chiếm đóng (trái phép).

Hành động này sẽ thách thức các tuyên bố chủ quyền (bất hợp pháp) của Trung Quốc đối với hai quần đảo này, nó có thể gây căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh như trong quá khứ.

Một chiếc chiến đấu cơ EA-18G trong biên chế cụm tàu sân bay tấn công Carl Vinson, ảnh minh họa: internet.
Một chiếc chiến đấu cơ EA-18G trong biên chế cụm tàu sân bay tấn công Carl Vinson, ảnh minh họa: internet.

Kế hoạch này được sự chấp thuận của Tổng thống Donald Trump và sẽ đặt nền móng cho các hoạt động xuyên quốc gia, thể hiện những gì chính quyền mới muốn chính sách châu Á của mình cần đạt được.

Trong nhiều năm qua, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã cắt giảm các hoạt động hải quân quanh khu vực tranh chấp như quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã bồi lấp đảo nhân tạo những năm gần đây.

Thậm chí họ đã xây dựng các đường băng quân sự trên một số đảo nhân tạo và có thể triển khai các vũ khí phòng không ở đó. Lãnh đạo hải quân Mỹ tin rằng, các hoạt động FONOPS sẽ giúp làm rõ các quyền theo luật pháp quốc tế, đảm bảo ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Tiến sĩ Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế từ Washington DC nói với Navy Times:

"Chính quyền Donald Trump phải quyết định những gì họ muốn đạt được. Tôi thì nghi ngờ họ có thể buộc Trung Quốc phải rút khỏi các đảo nhân tạo họ mới bồi đắp ở Trương Sa.

Tuy nhiên, Mỹ có thể phát triển một chiến lược ngăn chặn họ tiếp tục bồi đắp thêm, tăng cường quân sự hóa, đồng thời ngăn chặn Trung Quốc sử dụng các tiền đồn quân sự mới để đe dọa, ép buộc các nước láng giềng".

Thông tin về các hoạt động FONOPS của Hải quân Mỹ ở Biển Đông xuất hiện trong bối cảnh báo chí Nhật Bản cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis trong cuộc họp kín với đồng minh châu Á đã đảm bảo với các quan chức Nhật, Mỹ đã có kế hoạch tiếp cận quyết đoán với hành vi leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ như Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đã tìm cách tiếp cận tích cực hơn đối với Trung Quốc ở Biển Đông.

Các quan chức Hải quân Mỹ đang nhanh chóng chỉ ra rằng Mỹ đã hoạt động ở đó trong nhiều thập kỷ và sẽ duy trì nguyên trạng. Nhưng ông Obama đặc biệt cấm Hải quân Mỹ thực hiện các hoạt động FONOPS ở Biển Đông từ năm 2012 đến 2015.

Chính trong thời gian đó, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông trên 7 cấu trúc ở Trường Sa.

Người phát ngôn Hạm đội 3 Ryan Perry cho biết:

"Việc triển khai cụm tàu sân bay tấm công của Hạm đội 3 tới Tây Thái Bình Dương không có gì đặc biệt. 

Cụm tàu sân bay tấn công của chúng tôi đã tuần tra thường xuyên ở Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương trong hơn 70 năm qua và sẽ tiếp tục. An ninh, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực phụ thuộc vào nó".

Cụm tàu sân bay tấn công bao gồm hàng không mẫu hạm lớp Nimitz, USS Carl Vinson cùng với 2 khu trục hạm Wayne E. Meyer, Michael Murphy, tàu tuần dương Carrier Air Wing 2.

Đi kèm đội hình này là các phi đội máy bay trực thăng Sea Combat 4, phi đội máy bay trực thăng hải quân tấn công số 78, các phi đội chiến đấu cơ tấn công số 2, 34, 137, 192, phi đội cảnh báo sớm số 113, phi đội tác chiến điện tử 136, phi đội hỗ trợ hạm đội số 30.

Tài liệu tham khảo:

https://www.navytimes.com/articles/navy-south-china-sea

Hồng Thủy