LTS: Bài học về việc nói lời cám ơn và lời xin lỗi tưởng như chỉ cần dạy cho học sinh khi còn nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay, không ít người lớn đã quên mất bài học từ thủa bé này.
Họ cho rằng nói lời cảm ơn là khách sáo, là “vẽ chuyện”; còn lời xin lỗi đôi khi sao lại khó cất lên thành lời, để rồi sau đó là xảy ra cãi vã, xô xát và bao chuyện chuyện đáng tiếc khác.
Cô giáo Phan Tuyết cho rằng, muốn giáo dục con trẻ về những cách ứng xử cơ bản này thì người lớn cần mẫu mực làm gương trong cuộc sống thường ngày.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Hai từ “Cám ơn” và “Xin lỗi” tưởng chừng như đơn giản nhưng đôi khi lại có sức mạnh vô biên, nó mang đến niềm vui, làm dịu đi cơn nóng giận, giải tỏa bao điều thắc mắc trong lòng mọi người.
Thế nhưng trong cuộc sống, không phải ai cũng hiểu và làm được điều đó đặc biệt nhiều người lớn còn chưa biết làm gương trách sao trẻ em lại hững hờ đến thế?
Tiếc cả lời cám ơn
Một phụ huynh chở con ngoài cổng trường đứa bé đánh rơi hộp sữa, chưa kịp quay xe lại lấy, một học sinh khác đã nhặt hộ mang tới dùm.
Cậu bé vừa đưa tay cầm hộp sữa, người mẹ đã phóng xe vù đi, đứa con chỉ kịp nói: “Con chưa cám ơn bạn mà”. Nghe tiếng người mẹ nói lại: “Vẽ chuyện”.
Người lớn cần làm gương để trẻ biết nói lời cảm ơn và xin lỗi. (Ảnh: blog.bizweb.vn) |
Một giáo viên nhờ học trò về lớp mang cho mình cuốn sách, nhưng khi nhận sách từ tay học sinh, cô giáo ấy cũng chẳng nói nổi lời cám ơn cứ như việc giúp đỡ cô của học trò là điều đương nhiên phải thế.
Giá chỉ cần lời xin lỗi
Đứng đợi con ngoài cổng trường, có lẽ đang bực mình vì cậu bé ra trễ, chị Mai bất ngờ bị một phụ huynh khác đạp nhầm vào chân đau điếng nên chị lên giọng gắt gỏng “Đi kiểu gì lạ thế? Không nhìn thấy đường à?”
Người phụ huynh thay vì nói lời xin lỗi có lẽ mọi chuyện đã khác, chị ta cũng sẵng giọng đốp luôn “Ai bảo đứng giữa đường làm gì? Bị thế còn nhẹ đấy chứ xe mà đụng thì toi mạng”.
Bực vì người đạp chân mình không xin lỗi lại còn buông lời trù úm nên chị Mai đã hét lên: “Mày ăn nói kiểu gì thế? Đạp vào chân người khác mà còn tinh tướng?”.
Thế rồi cuộc khẩu chiến đã nổ ra một cách ồn ào trước sự chứng kiến của mấy đứa trẻ con tan trường.
Câu chuyện bạo hành giữa cô gái và bà cụ đi chùa Hương cách đây ít hôm cũng xuất phát từ việc người đạp nhầm chân không biết nói lời xin lỗi.
Vì sao văn hóa ứng xử trong trường học ở Việt Nam thiếu chuẩn mực? |
Nhiều người chứng kiến câu chuyện cứ thấy tiếc “Giá chỉ cần nói lời xin lỗi đúng lúc thì câu chuyện đâu có tệ đến mức này”.
Quan niệm sai lầm
Nhiều người cho rằng người lớn không cần xin lỗi người nhỏ, ba mẹ không phải xin lỗi con cái.
Người lại cho rằng “Biết mình sai là được rồi, nói chi lời xin lỗi nghe sáo rỗng lắm”. Hay “Cha mẹ mà phải xin lỗi con á? Như thế thì chúng nhờn mặt mất…”.
Ngay như các thầy cô người hằng ngày vẫn dạy trò biết nói lời cám ơn xin lỗi.
Nhưng không phải giáo viên nào cũng biết nói những điều này với học trò khi chính mình được giúp đỡ hoặc làm sai.
Có thầy cô quan niệm phải xin lỗi học trò là điều gì đó ghê gớm lắm “làm thế thì mất mặt và tổn hại đến danh dự quá”. Một giáo viên chia sẻ khi được hỏi.
Bởi thế, khi những người này mắc lỗi họ chẳng bao giờ biết nói lời xin lỗi với người nhỏ tuổi hơn, với học sinh hoặc với chính con cái của mình.
Không biết nói lời xin lỗi với ai thì đương nhiên những người này họ cũng chẳng bao giờ biết dạy con biết nói lời xin lỗi và xin lỗi thế nào cho phù hợp.
Học sinh hàng ngày trên trường vẫn được thầy cô dạy về kĩ năng ứng xử trong giao tiếp cụ thể như “Đáp lời cám ơn, xin lỗi”…
Nhưng chính thầy cô lại lãng quên điều đó hoặc khi về với gia đình, cha mẹ các em không có thói quen này, trẻ sẽ dễ dàng bắt chước và quên đi những điều mình đã được học. Muốn dạy trẻ, người lớn nhất định phải làm gương.