LTS: Việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đang được dư luận rất quan tâm, đặc biệt là những người trong ngành.
Từng có nhiều bài viết đóng góp, xây dựng, đánh giá những đổi mới của ngành giáo dục, nhóm tác giả Việt Cường tiếp tục chia sẻ những nghiên cứu, trăn trở về vấn đề này.
Theo đó, nhóm Việt Cường cho rằng đổi mới giáo dục nhất thiết phải đổi mới hệ thống quản lý giáo viên vốn đang phức tạp và lộn xộn như hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Có lẽ hiếm thấy quốc gia nào lại có hệ thống quản lý giáo viên các trường công lập phức tạp, lộn xộn và thiếu đồng bộ như ở nước ta.
Giáo viên hệ Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở thì do chính quyền cấp huyện, cấp thành phố quản lý; giáo viên Trung học phổ thông lại do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý; giáo viên các trường Đại học lại do từng trường quản lý…
Hệ thống quản lý này dẫn đến kế hoạch và cách thức tuyển dụng giáo viên hết sức khác nhau.
Gần như mỗi địa phương lại có một cách thức tuyển dụng giáo viên riêng, mỗi nơi có một quy định, một luật lệ riêng chẳng nơi nào giống nơi nào.
Thậm chí, trong một địa phương, năm nay tuyển dụng giáo viên như thế này, năm sau đã lại khác; số lượng, nội dung và thang điểm các bài thi, điểm ưu tiên cho các đối tượng… cũng thay đổi xoành xoạch.
Nhóm tác giả Việt Cường cho rằng đổi mới giáo dục nhất thiết phải đổi mới hệ thống quản lý giáo viên. (Ảnh minh họa từ Báo Tuyên Quang) |
Có thể nói, 63 tỉnh thành là 63 kiểu tuyển dụng giáo viên khác nhau, không hề có một chuẩn mực chung, một quy định tuyển dụng chặt chẽ và thống nhất giữa các địa phương.
Ngay cả chỉ tiêu tuyển giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở ở nhiều nơi cũng hết sức tuỳ tiện.
Vì do chính quyền địa phương quản lý, số lượng giáo viên trong biên chế Nhà nước phải nằm trong tổng thể số lượng viên chức cấp huyện, cấp thành phố, cho nên dẫn tới việc nhiều ngành thì thừa viên chức, ngành giáo dục lại thiếu.
Nhiều trường không đủ giáo viên dạy, phải tự mình ký hợp đồng với những sinh viên mới ra trường.
Do đó, nhiều giáo viên hợp đồng mặc dù đã dạy học nhiều năm, lương tháng rất thấp mà mãi vẫn không được tuyển dụng thành viên chức Nhà nước.
Điều này đã xảy ra ở nhiều địa phương như Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương….
Đặc biệt, chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên do Huyện uỷ, Thành uỷ, Uỷ ban Nhân dân quyết định, cho nên xảy ra những hệ lụy đáng buồn là nhiều nơi giáo viên dư thừa, nhiều nơi thiếu hụt trầm trọng.
Chất lượng giáo viên là nhân tố quyết định thành bại của đổi mới giáo dục |
Việc các tỉnh như Thanh Hoá, Yên Bái… có kế hoạch điều chuyển hàng loạt giáo viên Trung học Cơ sở xuống dạy cấp Mầm non, Tiểu học thời gian qua là một minh chứng.
Ở đây, chúng tôi chưa nói đến việc điều chuyển ấy sẽ dẫn tới việc xáo trộn lớn trong hệ thống giáo dục, chất lượng giáo dục giảm sút nghiêm trọng do sự vênh lệch về năng lực, sở trường giáo dục giữa đội ngũ giáo viên các cấp.
Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến sự tuỳ tiện, lộn xộn, thiếu khoa học của hệ thống quản lý giáo viên ở nước ta.
Rồi việc trả lương cho giáo viên cũng hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách các địa phương.
Do đó, nhiều năm trước đây, ở rất nhiều tỉnh thành đã xuất hiện một vấn nạn là: giáo viên bị trả lương chậm, thậm chí nhiều tháng sau mới được trả lương, mà cũng không trả hết một lần, lại trả dần theo từng tháng.
Đời sống giáo viên đã khó khăn vì thu nhập thấp, có mấy đồng lương lại bị nợ, khiến họ không thể tập trung cho công việc giáo dục, phải làm đủ việc khác phải mưu sinh.
Do chính sách tuyển dụng giáo viên tùy tiện và phụ thuộc vào tổng biên chế của chính quyền địa phương như vậy, cho nên nhiều khi quyền lực tuyển dụng viên chức giáo dục rơi vào tay một số người hoặc một nhóm người.
Từ đó xuất hiện vấn nạn tham nhũng và tiêu cực trong ngành giáo dục. Dư luận lâu nay đã nhiều bức xúc về những thông tin: Chạy biên chế giáo viên ở tỉnh này, tỉnh kia tốn kém hàng mấy trăm triệu đồng. Vấn nạn này đã phổ biến và nhức nhối nhiều năm nay.
Nhiều khi, người giỏi thật sự, tâm huyết thật sự với sự nghiệp giáo dục khi thi tuyển viên chức lại trượt; người kém cỏi, dốt nát lại đỗ vì gia đình có tiền hoặc là con cháu ông nọ bà kia.
Muốn đổi mới giáo dục, nhất định phải thay đổi đội ngũ quản lý trước |
Có một thực tế đau lòng là nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi Đại học Sư phạm hệ chính quy ở Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Thái Nguyên… - những cơ sở có tiếng về chất lượng đào tạo không bao giờ được làm viên chức giáo dục, phải chuyển nghề để mưu sinh.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm ở các địa phương, trình độ có hạn lại nghiễm nhiên trở thành viên chức giáo dục.
Rồi chính sách ưu tiên người tốt nghiệp loại giỏi cũng rất khác nhau, sinh ra nhiều hệ lụy.
Thống kê của chúng tôi cho thấy ở những trường Đại học Sư phạm đào tạo nghiêm túc, chất lượng tốt, số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi không nhiều chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn.
Trong khi đó, ở nhiều trường Cao đẳng Sư phạm địa phương, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi cực lớn.
Trước đây, nhiều tỉnh thành không phân biệt hệ đào tạo Cao đẳng Sư phạm hay Đại học Sư phạm, cứ loại giỏi là ưu tiên.
Điều đó khiến cho không ít em tốt nghiệp Đại học Sư phạm có trình độ và năng lực tốt lại không có lợi thế cạnh tranh khi tuyển dụng so với các em tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm.
Ngẫm nghĩ về hệ thống viên chức, công chức, những người được hưởng lương Nhà nước ở xứ ta, chúng tôi thầm ước ao ngành Giáo dục cũng có được hệ thống quản lý và tuyển dụng như ngành Công an và Quân đội thì tốt biết bao.
Những ngành đó có quy định riêng, tự quyết về mặt biên chế, tổ chức, có hệ thống quản lý cán bộ, chiến sĩ, các đơn vị, cơ quan… hết sức chặt chẽ, đồng bộ, không bị lệ thuộc vào bất cứ bộ ngành nào.
Chính vì vậy, mọi sắp xếp, thay đổi, đổi mới của hai ngành này luôn luôn đạt được mục tiêu đã đề ra, có sự đồng thuận lớn.
Tất nhiên, những cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ nhân dân, chế độ và Tổ quốc cần có chính sách và hệ thống quản lý riêng, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.
Thế nhưng so sánh tổng biên chế đội ngũ giáo viên và viên chức giáo dục với hai ngành Quân đội và Công an thì ta thấy không nhiều chênh lệch.
Có thể khẳng định rằng đây là ba bộ ngành có số lượng viên chức, công chức lớn nhất quốc gia.
Thế mà hệ thống quản lý, tuyển dụng viên chức giáo dục lại hết sức tuỳ tiện, phức tạp, thiếu đồng bộ…
Nghị quyết của các Đại hội Đảng Toàn quốc đều xác định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, vì vậy cần đổi mới ngay cơ chế quản lý, tuyển dụng viên chức trong ngành giáo dục.
Đó là yêu cầu cấp bách trong hoàn cảnh “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” hiện nay.
Chúng tôi kiến nghị việc tuyển dụng và quản lý viên chức giáo dục nên dành riêng cho ngành giáo dục.
Các cơ quan quản lý giáo dục từ Bộ xuống Sở, xuống Phòng, đến các Trường phải có một cơ chế quản lý đồng bộ, xây dựng chuẩn mực chung về người giáo viên với một quy định tuyển dụng chặt chẽ, khách quan và khoa học.
Hàng năm, các Phòng Giáo dục và Đào tạo phải thống kê, tổng hợp, đánh giá số lượng và chất lượng giáo viên ở các trường; dự báo nhu cầu thừa - thiếu theo tình hình thực tiễn; báo cáo và đề xuất về các Sở Giáo dục và Đào tạo. Các Sở lại tổng hợp, báo cáo và đề xuất về Bộ.
Bộ nắm vững đội ngũ giáo viên công lập cả nước, đánh giá chính xác nhu cầu của các vùng miền, các địa phương.
Từ đó mới có những chỉ đạo sát đúng về công tác và quy mô đào tạo, kế hoạch bồi dưỡng giáo viên ở các trường Đại học Sư phạm.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo các Phòng giáo dục luân chuyển, sắp xếp đội ngũ giáo viên cho phù hợp với từng trường;
Đưa ra chỉ tiêu tuyển dụng hàng năm trên cơ sở các giáo viên đến tuổi nghỉ hưu, căn cứ vào thực tế thêm lớp mới hoặc giảm lớp đi của các trường mà phân bổ giáo viên cho hợp lý.
Trên cơ sở đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ cân đối số lượng giáo viên trong toàn tỉnh, bố trí phù hợp với từng huyện, thị…
Nếu làm được điều đó thì có lẽ sẽ không bao giờ rơi vào vấn nạn nơi thừa quá nhiều, nơi thiếu trầm trọng; cấp học này thừa, cấp học kia lại thiếu như ở nhiều địa phương thời gian qua.
Nếu xây dựng được một bộ quy chế tuyển dụng giáo viên chặt chẽ, khách quan, khoa học và được thực hiện đồng bộ trên phạm vi cả nước cũng sẽ hạn chế được rất nhiều chuyện tiêu cực, chạy chọt làm viên chức giáo dục ở nhiều địa phương.
Qua đó, sẽ tuyển dụng được những thầy cô giáo đủ năng lực và tâm huyết với nghề, góp phần làm cho công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà” đi tới thành công.
Trên đây là một số suy nghĩ, trăn trở của nhóm nghiên cứu chúng tôi muốn gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo và bạn đọc của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam với mong muốn nền giáo dục nước nhà ngày càng phát triển tốt đẹp.
Rất mong nhận được sự chia sẻ của quý bạn đọc!