LTS: Nhà giáo Phạm Toàn gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết tiếp theo của ông, giới thiệu về cách làm giáo dục của nhóm Cánh Buồm.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Mở đầu – Góc nhìn Giáo Dục
Chúng ta thử gõ cụm từ này vào trang công cụ Google “Bàn về Cải cách nền Giáo dục Việt Nam”, chỉ sau 0.56 giây, ta có 1.710.000 kết quả.
Nếu gõ cụm từ này nữa “Bàn về định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, cũng chỉ trong 0.63 giây, ta được 984.000 kết quả.
Con số kết quả đó cho thấy ít nhất hai điều: một là mối quan tâm to lớn đến cuộc đổi mới sự nghiệp Giáo dục nước nhà;
Và hai là, mọi việc trên đời này không có gì là hoàn hảo, giỏi lắm là tìm cách giảm thiểu những điều còn có thể sai để tới được điều tốt đẹp hơn.
Nhà giáo Phạm Toàn, ảnh do tác giả cung cấp. |
Để có thể đổi mới căn bản, toàn diện công cuộc Giáo dục, có lẽ trước hết cần biết Sứ mệnh của Giáo dục là gì, và Nhiệm vụ của nền Giáo dục phổ thông là gì.
Trả lời được câu hỏi gốc đó, thì sẽ tìm thấy những việc phải làm, việc nọ tiếp diễn sang việc kia, cho tới khi hoàn thành những đòi hỏi to tát.
Cần thoát khỏi lối định nghĩa áp đặt
Khái niệm Giáo dục tưởng như dễ định nghĩa, kỳ thực rất khó. Định nghĩa theo cung cách coi thường người học thì rất dễ.
Có những cung cách coi thường người học như sau:
Cách lão trị – lấy người già làm trung tâm: cứ nhiều tuổi hơn thì coi là có thể làm thày được.
“Bảy mươi học bảy mốt”; “Con ơi muốn nên thân người, lắng tai nghe lấy những lời mẹ ru”; “trứng không thể khôn hơn vịt”… đó là những thái độ lão trị, dựa trên tuổi tác để xếp hạng thày-trò.
Cách đức trị – lấy người có “đạo đức” làm trung tâm – lấy cái Đức của người già, người bề trên và người thành đạt làm tầm gương cho người khác noi theo.
Trong một nước thì vua là bề trên, trong gia đình thì người đàn ông “chủ gia đình” là bề trên, ở trường thì thày giáo là bề trên. Các bề trên đều mặc định là có đạo đức cao hơn bề dưới.
Ta công nhận có những bề trên có đạo đức; nhưng áp đặt đạo đức bề trên cho bề dưới có thể phản lại tinh thần thời đại.
Cách pháp trị – lấy pháp lý làm trung tâm – dùng những quy định, kể cả những quy định không phù hợp với quyền lợi người dân, để “giáo dục” người dân phải theo.
Tất cả các phương thức giáo dục áp đặt đều có chung một mẫu số mơ hồ: dạy con em “nên người”.
Khẩu hiệu “Tiên học Lễ hậu học Văn” thể hiện cái đòi hỏi “nên người” mơ hồ đó. Bài báo của thạc sĩ Võ Thanh Vân giúp chúng ta phân tích tỉ mỉ vấn đề này [1]. “Lễ” trước, “học làm người” trước…
Làm sao có con người thoát ly khỏi sự nên người qua các tri thức? Làm sao nên người nhờ biết tư duy lại có thể thoát ly khỏi sự nên người qua cách tư duy khoa học, tư duy nghệ thuật và tư duy sống chung trong xã hội?
Cần một định nghĩa khác
Xã hội lâu nay đã quen với khái niệm lấy trẻ em làm trung tâm trong tổ chức công cuộc Giáo dục.
Trò chuyện cùng nhóm Cánh Buồm: Cải cách nhà cải cách - ưu tiên của mọi ưu tiên |
Đó là một cách nhìn tôn trọng trẻ em – tôn trọng con người – hoàn toàn khác với cách nhìn trẻ em – người học – đối tượng hưởng thụ Giáo dục của một thời đã qua.
Khi đi tìm một định nghĩa tổng quát nhất cho sứ mệnh (hoặc nhiệm vụ) của hệ thống Giáo dục phổ thông trong công cuộc Giáo dục quốc dân, chúng ta sẽ chú ý đến người học trên cả ba phương diện sau:
Người học sinh mang tư cách người với địa vị cao quý trong muôn loài;
Người học sinh trong tư cách người học với sự phát triển tự nhiên nhất của nó;
Người học sinh trong tư cách người vào đời trước vô vàn ẩn số trên đường đời.
Với tư cách là con người, ta cần chú ý đến bản chất tự do của nó. Tự do của con người không ai ban cho hết – tự do của con người do chính nó tự có từ khi lọt lòng. Nhưng cái tự do đó lại cần thiết được cảm nhận và sử dụng có ý thức.
Về mặt này, có lẽ tư tưởng của đại văn hào triết gia Nga Lev Tonstoi có thể giúp chúng ta ở nhiều mặt. [2] Luận điểm quan trọng trung tâm của Lev Tonstoi là:
Con người tự do nhất trong muôn loài, nó không bị cầm tù trong không gian như giới thực vật, nó không tự do tương đối trong không gian như giới động vật.
Nó hoàn toàn tự do trong không gian, và nhất hạng là nó tự do trong thời gian, và còn quan trọng hơn nữa, con người có thể chủ động tổ chức sự sống của nó trong thời gian, kể cả sau khi nó chết – và đó là ý nghĩa thâm sâu của khái niệm tâm linh người.
Một sự nghiệp giáo dục thực sự tôn trọng con người cần chú ý đến bản chất tâm linh tự do đó của trẻ em với tư cách là người học.
Ý nghĩa sâu xa nhất của tự học chính là cái bản chất tự do tâm linh đó của học sinh. Tự học không phải là một phương tiện để “vươn lên” mà là bản chất của việc học trong tư thế con người.
Ngay cả ý nghĩa của việc học của trẻ em trong tư thế người vào đời cũng không thể xem xét theo lối “kỹ trị” qua định nghĩa “Giáo dục chuẩn bị nhân lực cho đất nước” như có lúc đã được dư luận bàn tán và ủng hộ.
Chính vì thế, trong phạm vi một nền Giáo dục phổ thông lành mạnh và hiện đại trong sự nghiệp Giáo dục quốc dân, một định nghĩa cần được xem xét có lẽ nên là:
Giáo dục có sứ mệnh tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên cả dân tộc.
Theo định nghĩa này, giáo dục sẽ tôn trọng người học. Giáo dục không làm công việc “dạy dỗ dân” theo quan điểm Khổng Nho.
Giáo dục tạo nên sự trưởng thành về tư duy của thanh thiếu niên |
Giáo dục dù cao quý đối với dân với nước, nhưng không có quyền tự coi mình đứng trên mọi con người mà về bản chất “sinh ra đã là tự do”.
Định nghĩa này quy định cách hành xử của Giáo dục là làm công việc tổ chức sự HỌC của con người chứ không phải là làm công việc DẠY con người.
Để tổ chức việc học của con em thì sẽ phải đi tìm cơ chế tâm lý của việc học, cụ thể hóa thành nhiều cách học, để cuối cùng, người học đạt tới khả năng tự học.
Khi đó, “tự học” không phải là một lời khuyên mà là một phương pháp, một lối sống, một thói quen, một thành phần của năng lực người.
Tổ chức được công việc tự học cũng đồng thời là làm công việc tổ chức cái nền của con người đủ năng lực tự lập và có lối sống tự lập.
Cuộc Hội thảo khoa học lần thứ ba khi Cánh Buồm ở tuổi lên ba (năm 2011) mang tên Tự học – Tự giáo dục là có ý nghĩa đó.
Cuối cùng, định nghĩa lại Giáo dục là nhằm vào mục đích tổ chức sự trưởng thành của người học, và những người học đó chỉ giới hạn trong lớp thanh thiếu niên cả dân tộc.
Sự trưởng thành của thanh thiếu niên không được đo bằng những kỳ thi, những khối lượng kiến thức, cùng những “kỹ năng” đủ loại khác.
Sự trưởng thành của một trang thanh niên nằm ở tư duy – một cái đầu biết học, biết làm, biết sống.
Sự trưởng thành của một trang thanh niên không nhất thành bất biến. Nếu đã là trưởng thành, thì con người đó sẽ tiếp tục phát triển, “càng ngày càng phát triển”.
Đó là cái lý thúc đẩy nghề sư phạm không thể đời đời vững như bàn thạch với những giáo lý và cách làm việc giáo điều, xơ cứng, những giáo trình chép đi chép lại.
Đó cũng là cái lý thúc đẩy nghề sư phạm không thể hành động cẩu thả.
Thầy phải là người bạn lớn, bình đẳng, đồng hành cùng học trò đi tìm chân lý |
Không thể nhặt nhạnh kinh nghiệm dù tốt đẹp ở đâu đâu về áp dụng ở quê ta sau vài ba chỉ thị áp đặt.
Đó nhất thiết phải là cái lý thúc đẩy nghề sư phạm nghiên cứu sâu vào con em Việt Nam để xây dựng nền giáo dục Việt Nam của nền văn hóa Việt Nam ở đây, và ngay lúc này.
Đó là những điều của thực tiễn Việt Nam, một thực tiễn cần có một lý lẽ cốt lõi để diễn biến lành mạnh. Mục tiêu thực tiễn của người thanh thiếu niên trưởng thành sẽ là những con người tự lập, tự học, tự giáo dục.
Con đường đi đến trưởng thành là thông qua phương thức nhà trường hoặc nói cách khác là thông qua cách học bắt đầu với những thiết chế sẵn có và qua các nội dung môn học.
Điều căn bản rút ra từ định nghĩa mới về Giáo dục chung quy là việc xây dựng một kiểu nhà trường khác với cách học khác và những chuẩn mực đánh giá khác.
Theo đường lối thể hiện trong bộ sách Cánh Buồm là tự đánh giá thay vì bị đánh giá.
Cần phải có cách học khiến con người tôn trọng sự tự do của mình. Đó là cách học để người học bị cuốn hút tự nhiên vào con đường học cho mình và xây dựng dần dần được tinh thần học vì Tôi – học vì Chúng Ta.
Một định nghĩa lại cho khái niệm giáo dục đủ để chữa chạy nền Giáo dục đang xuống cấp – “Giáo dục và khoa học xuống cấp không chỉ vì nghèo”, giáo sư Hoàng Tụy đã bộc bạch như vậy. [3]
Định nghĩa này cũng mở ra một lối thoát đúng đắn và giúp cho nhà giáo dục giỏi tay nghề hơn và do đó cũng yêu nghề hơn.
Nhà giáo dục sẽ có một tư duy khác trong việc làm mỗi ngày, và niềm vui càng được củng cố khi thấy rõ con em học giỏi một cách tự nhiên.
Tài liệu tham khảo:
[1] Nguyễn Thị Lan Hương, Vay 77 triệu đô la Mỹ cho đổi mới Giáo dục phổ thông và Quyền được thông tin http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Vay-77-trieu-do-la-My-cho-doi-moi-giao-duc-Pho-thong-va-Quyen-duoc-thong-tin-post173983.gd
[2] Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, giới thiệu, chú giải, cùng các dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền, Vũ Thế Khôi, Từ Thị Loan và Lã Nguyên, Lev Tonstoi, Đường sống – Văn thư nghị luận chọn lọc, Tri thức xuất bản, Hà Nội, 1181 trang.
[3] Nhiều tác giả, Bàn về Giáo dục, Hoàng Tụy, “Một số vấn đề khoa học và giáo dục; góc nhìn trong cuộc”, trang 9.