Liên quan đến cuộc tranh luận “chọn hoa hay ngọc” đang gây nhiều tranh cãi, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, em N.T.T, một sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đau khổ cho hay chính vì tặng hoa bạn gái mà bị chê là viển vông, không tâm lý, sau đó hai người nhiều lần cãi nhau và cuối cùng là chia tay.
Cú sốc mất bạn gái chỉ vì tặng hoa khiến T. có ý nghĩ cực đoan, thậm chí là thiếu hiểu biết và viển vông là nhà nước nên cấm việc tặng hoa.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển cho rằng, câu chuyện của sinh viên này giống như một câu chuyện bi hài của cuộc sống.
Việc tặng hoa hay không là quyền cá nhân của mỗi người. |
Việc cấm đoán này cũng giống như một trò cười, vì không nhà nước nào đi can thiệp vào những việc cá nhân như thế.
“Nhưng với tư cách cá nhân, tôi mong là các cặp trai gái mâu thuẫn chỉ vì việc tặng hoa thì hãy chia tay ngay và luôn vì rõ ràng họ đã không chọn đúng đối tượng” – Tiến sĩ Vịnh nói.
Đạo diễn Lương Đình Dũng bày tỏ quan điểm cấm tặng hoa hoa là việc thật điên rồ.
“Hoa hay những món quà hình thức cũng rất quan trọng trong cuộc sống, nó có thể làm người ta gần nhau hơn, trân trọng nhau hơn. Nếu cứ tặng là quà phải có nhiều giá trị vật chất thì ý nghĩa của chữ tặng đã không còn thi vị nữa rồi” - tác giả bộ phim “Cha cõng con” chia sẻ.
Anh cũng cho hay, thực ra ý nghĩa đằng sau món quà mới là quan trọng, còn tặng cái gì, hoa hay quà thì phải đặt trong hoàn cảnh thực tế làm sao cho món quà đó có ý nghĩa nhất với người được nhận
Theo Tiến sĩ Vịnh, đôi khi chỉ với một món quà nhỏ nhưng nếu người mang tặng thể hiện mình biết rõ người nhận thực sự muốn nhận nó, chắc chắn hai bên cùng vui.
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng kiến nghị cấm tặng hoa thật điên rồ. |
Thực ra, quà tặng có nhiều loại, nhiều mức giá, hợp túi tiền của nhiều người khác nhau trong xã hội.
Quan trọng nhất vẫn là “ngọc” trong tấm lòng của người tặng sẽ khiến người nhận hiểu và trân trọng nó.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội cho rằng giá trị của món quà không phải là tiền bạc, nó là tấm lòng, tình cảm, sự quan tâm của người tặng cho mình, người ta nhớ đến mình người ta muốn làm mình vui nên tặng quà cho mình.
“Không thể đem giá trị của hoa so với ngọc trai, vàng bạc hay những món quà vật chất khác để nói món quà nào quý hơn được. So sánh hoa với những món quà vật chất thì rất khập khiễng” – Tiến sĩ Hồng nói.
Bà cũng cho biết thêm, tặng hoa hay tặng quà thì điều quan trọng hơn cả là đối xử tốt với nhau cả 365 ngày chứ đừng một ngày tặng hoa, tặng quà rồi những ngày còn lại đối xử với nhau tệ bạc, không giúp đỡ nhau thì tặng gì cũng không có ý nghĩa.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng "so sánh việc tặng hoa với những món quà vật chất thì thật khập khiễng". |
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng đặt câu hỏi: “Tại sao lại cấm tặng hoa?".
Theo bà, tặng hoa không hề viển vông, nó chỉ viển vông khi không thể hiện tình cảm thật của người tặng hoa. Ví dụ như bạn chỉ tặng hoa một lần rồi bạn đối xử với người đó không ra gì thì tặng gì cũng phí.
“Với các dịp lễ, có nhiều yếu tố để mình quyết định tặng gì và tặng lúc nào. Một là tùy mức độ quan hệ giữa hai người là mới quen, đang tìm hiểu, thân nhau yêu nhau lâu rồi.
Bên cạnh đó còn phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của người tặng nữa, họ có điều kiện để tặng món quà giá trị hay không.
Tuy nhiên, nếu có điều kiện nên tìm hiểu người được tặng quà thích gì, nếu có đủ khả năng tặng món quà đúng ý của người đó là tuyệt nhất” – nữ Tiến sĩ phân tích.
Mùng 8/3, tôi chả cần hoa hay quà, đi chơi hoặc ăn với nhau một bữa là được! |
Bằng trải nghiệm của một phụ nữ, bà Hồng nói thêm, tặng quà hay tặng hoa cũng phụ thuộc vào sở thích của người được nhận.
“Cùng bằng chừng đó tiền, thế nhưng tặng món quà không phù hợp người ta không dùng đến thì cũng không ý nghĩa, biết đâu người ta thích hoa hơn thì sao.
Trong mối quan hệ chân thành thì tôi nghĩ người được tặng quà cũng không phật lòng nếu được hỏi thẳng món quà mình muốn nhận đâu.
Còn khi tình cảm chưa thân thiết thì mình có thể tìm cách dò hỏi… để biết được nên tặng gì thì phù hợp và mang lại nhiều nghĩa” – bà Hồng nói.