Hận ghen 10 năm, cụ ông 77 tuổi gây trọng án

15/10/2011 06:48
Theo Cảnh sát toàn cầu
Lẽ ra, giờ này ông đã có thể an hưởng tuổi già, vui thú điền viên bên người vợ tần tảo, gắn bó với ông suốt nửa cuộc đời...

Xấp xỉ tuổi 80, ông Phạm Văn Phê (SN 1934, trú tại thôn Bình Đê, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) có thể nói đã nếm trải đủ những thăng trầm của đời người với những “hỉ, nộ, ái, ố”. Lẽ ra, giờ này ông đã có thể an hưởng tuổi già, vui thú điền viên bên người vợ tần tảo, gắn bó với ông suốt nửa cuộc đời, là tấm gương cho đàn con cháu, có nếp, có tẻ đều hiểu, nghĩa vẹn toàn…

Cơn ghen điên loạn đã khiến cụ ông 77 tuổi mất hết lý trí. Trong Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương, cụ ông 77 tuổi đã bộc bạch tâm sự từ đáy lòng với sự tiếc nuối khôn nguôi.

1. “Chẳng biết tôi có đủ sức khỏe để chờ đến ngày ra trại, dự đám cưới thằng cháu đích tôn không?”, giọng buồn buồn, ông Phê bộc bạch. Nhắc đến mấy đứa cháu, giọng ông Phê rơm rớm nước mắt: “Mấy hôm nay, thằng cháu nội vẫn đều đặn gửi đồ tiếp tế vào cho tôi. Nó cứ động viên bảo rằng ông nội yên tâm cải tạo sớm về với cháu”. Lúc ấy tôi vừa xấu hổ, lại vừa giận mình. Ở tuổi này, lẽ ra tôi phải làm gương cho các con, các cháu vậy mà…”

- Ông có mấy đứa cháu?. Tôi hỏi ông Phê.

Cả thảy, tôi có 6 đứa, 2 cháu nội và 4 cháu ngoại, đứa nào cũng khỏe mạnh ngoan ngoãn. Các con của tôi có 5 đứa thì 4 đã lập gia thất, chỉ có thằng thứ hai đã ngoại tứ tuần mà vẫn chẳng chịu lấy vợ. “Tất cả là do lỗi của tôi”, ông Phê rầu rầu. Rồi ông tự trách mình: “Vợ chồng tôi thường xuyên mâu thuẫn nên cháu cũng buồn, chẳng muốn lấy vợ, giục mãi nó cứ ỳ ra. Những lúc tĩnh tâm, tôi biết mình cũng hơi quá… nhưng khi nóng giận thì lại chẳng làm chủ được bản thân. Cô thử nghĩ xem, nó đã ngoại tình với vợ tôi còn xé rách hết quần áo của tôi, phá hoại đồ đạc của tôi”.

Hiện trường vụ án
Hiện trường vụ án

Nhắc đến ông Nguyễn Văn Tài (SN 1944) nạn nhân của vụ án đồng thời cũng là người ông nghi ngờ có quan hệ bất chính với vợ mình là bà Nguyễn Thị Nga (SN 1938), giọng ông Phê lạc hẳn đi, hằn học đầy sự tức tối. Như để minh chứng, ông Phê lần giở vạt áo màu xanh nhạt đã ngả màu, dùng các ngón tay khẳng khiu đầy những vết đồi mồi trỏ vào những chiếc lỗ nhỏ ly ty trên ngực và vai áo rồi nói: “Cô bán hàng còn bảo tôi là sao mà quần áo của ông hay bị rách thế.

Cô bảo nó (nó mà ông Phê nói đến ở đây là ông Tài) cứ hủy hoại tài sản của tôi thế này thì ai mà chịu được”. Rồi không kiềm chế được lòng mình, ông nói tiếp: Có lần tôi để rổ bát giữa nhà, nó cũng đập vỡ. Tôi hỏi vợ tôi, bà ấy bảo là con mèo nó gạt đổ rổ bát. Tôi hỏi cô con mèo nào mà làm vỡ được bát…

Cho đến lúc này, ông vẫn ghen tuông mù quáng. Mười chín tuổi, ông Phê theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ, đó là vào những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong những ngày tháng khốc liệt, lằn ranh giữa sự sống và cái chết, ông cùng đồng đội đã chiến đấu anh dũng trên trận mạc.

Năm 1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với trận đánh lịch sử, trấn động địa cầu, ông Phê theo đơn vị về đóng quan tại hồ Thác Bà (Yên Bái) tiếp tục huấn luyện chiến đấu. Những ngày tháng đằng đẵng xa nhà, tình cảm trìu mến với cô gái cùng xóm, kém 4 tuổi là ngọn lửa sưởi ấm ông suốt trong những năm tháng ác liệt.

Bà Nga khi đó là cô gái đẹp người, đẹp nết được khá nhiều người trong và ngoài xã đến mai mối, xin về làm dâu con. Nhưng ông Phê đã được bố vợ “chấm điểm” vì tính tình hiền lành, lam lũ… Trong một đợt nghỉ phép, ông Phê và bà Nga đã nên nghĩa vợ chồng.

Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang” sau đám cưới ông vội trở về đơn vị, trong lòng luyến lưu nhớ đến người vợ hiền tần tảo, nơi quê nhà. Năm 1962, ông Phê xuất ngũ, trở về địa phương, có điều kiện gần gũi vợ con và giúp đỡ gia đình.

Nhớ lại kỷ niệm thời còn “mặn nồng”, ông Phê rầu rầu, ánh mắt đầy sự tiếc nuối muộn màng. Ngày đó, ông xin về làm công nhân sửa chữa ôtô ở một nhà máy thuộc tỉnh Hải Dương, còn bà Nga tần tảo đồng áng xoay xở, nuôi 5 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Những ngày đó, cuộc sống tuy còn thiếu thốn nhưng vợ chồng ông đều “đồng thuận, đồng lòng”, hạnh phúc tưởng như viên mãn, nào ngờ.

2. “Mối quan hệ của chúng tôi bắt đầu phức tạp khoảng gần 10 năm trở lại đây, vì vợ tôi có quan hệ bất chính với ông Tài”, ông Phê nói giọng nghẹn lại.

- “Ông có bằng chứng gì không?”, tôi gặng hỏi ông Phê.

Tôi nghe dư luận đồn thổi thế. Và lại có lần một số người dân trong làng nhìn thấy vợ tôi và ông Tài hẹn gặp nhau. 2 giờ sáng thì bà ấy đi ra ngoài đường làm gì?

Giọng ông Phê gằn lại. Ông cố gắng kìm nén cơn ghen đang dậy sóng trong lòng nhưng sự khiên cưỡng dễ khiến người ta nhận ra.

Năm 1983, ông Phê nghỉ hưu nhưng vốn là người chăm chỉ nên ông chẳng chịu nghỉ ngơi. Với tay nghề bậc cao, ông dễ dàng xin được vào một xưởng sửa chữa ôtô ở TP Hải Dương. Quãng đường từ TP Hải Dương về Gia Lộc chỉ hơn chục cây số nhưng phần vì bận công việc, phần vì sức khỏe nên một rồi hai tuần ông mới có dịp về thăm nhà.

Những ngày ấy, bà Nga tần tảo sớm hôm nuôi dạy 5 người con. Những dịp cuối tuần khi cả gia đình lại quây quần bên nhau, nụ cười rạng rỡ trên gương mặt đôn hậu của bà Nga. “Giông bão” ập xuống gia đình bé nhỏ ấy khoảng 5 năm trước, khi những lời đồn thổi về mối quan hệ nam nữ giữa bà Nga với ông Tài đến tai ông Phê.

Khoảng thời gian đó, ông Phê đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” còn bà Nga cũng gần thất thập, họ đã có con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại đầy đàn… 

“Đàn ông nông nổi giếng khơi…” ông Phê đã từng kinh qua trận mạc, ra sống vào chết lẽ ra phải tỉnh táo để tìm hiểu thực hư, làm rõ trắng đen thì lại ghen tuông với vợ một cách vô lối. Mà giả sử nếu bà Nga có trót lầm lỗi, thì ông cũng phải vì con, vì cháu, vì thể diện của gia đình mà tha lỗi cho bà, sống đầm ấm bên con cháu tận hưởng quãng đời còn lại…

Đằng này, trong suốt ngần ấy năm, ông không có một chứng cứ gì, chứng minh rằng bà Nga đã phản bội chồng nhưng vẫn ghen tuông, nhiều lần tra hỏi vợ về mối quan hệ giữa bà Nga và ông Tài… Ban đầu, “một chút gia vị của tình yêu” cũng khiến bà Nga xốn xang, vì ghen có nghĩa là còn được yêu.

Ban đầu, bà Nga nhẹ nhàng giải thích, dùng sự khéo léo của một người phụ nữ, phân tích cho ông hiểu rằng, ông đang ghen tuông một cách mù quáng nhưng ông chẳng nghe.

Ông Phê kể lại: “Tôi đã ba lần rình rập để bắt quả tang bà ấy, mà đều bắt hụt”. Rồi ông kể: Một lần tôi đã khóa then cửa nhưng rồi bà ấy vẫn mở ra cho nó vào. Tôi nghe thấy tiếng động bật dậy thì thấy bà ấy đang ghé vào giường của tôi, thế là nó chạy thoát”.

- Thế lần sau là khi nào? Ông Phê bộc bạch: Một lần nữa là ở đầu nhà vệ sinh, tôi để bình điện ắc quy ở đó, bà ấy đi ra đã chạm vào đèn pin của tôi. Bà ấy bảo là đi lấy thuốc hen cho tôi, mà hôm đấy tôi có bị lên cơn hen đâu mà lấy thuốc.

Vậy là tất cả những nghi ngờ của ông Phê về mối quan hệ bất chính của bà Nga với ông Tài, đều mơ hồ, không có một căn cứ gì nhưng ông vẫn không buông tha cho người vợ đã cả đời gắn bó với ông. Cậu con trai trưởng của ông ở cách vài nhà và mấy đứa cháu nội, vẫn thi thoảng phải can ngăn những cơn ghen của ông nội đã ở tuổi xế chiều.

Không khí gia đình cũng vì thế mà lúc nào cũng ảm đạm. Cứ vài ngày, ông lại chửi bà, nhất là những khi đồ đạc nào trong gia đình bị hỏng.

- Ông có nghĩ đến thể diện của gia đình và con cháu không? Trước câu hỏi của tôi, ông Phê trả lời:

Những đêm không ngủ, tôi ngồi thẫn thờ trước hiên nhà. Trong đầu luẩn quẩn ý nghĩ rằng bà ấy đã phản bội tôi, tôi đã bị cắm sừng. Chỉ cần nghĩ đến điều ấy là trong người tôi như muốn sôi lên…

Và vì thế, ông Phê luôn tìm cách gây sự với bà Nga, không khí gia đình bởi thế luôn căng thẳng. Lúc đó, các con của ông Phê đều đã trưởng thành, nhiều lần khuyên can cha nhưng ông vẫn không thay đổi. Những trận cãi vã giữa hai vợ chồng già thường xuyên diễn ra mà nguyên nhân cũng chỉ bắt nguồn từ ghen.

Lâu dần, tình cảm giữa ông Phê và bà Nga dần nguội lạnh, hai ông bà tuy sống trong cùng một mái nhà nhưng lại là hai suy nghĩ khác nhau. Mỗi khi đồ đạc nào trong gia đình bị hỏng, ông đều đổ lỗi cho rằng bà Nga đưa ông Tài về nhà ngủ, sau đó ông Tài đập phá tài sản của ông…

3. Sự ghen tuông, ích kỷ chất chứa trong lòng bao nhiêu năm đã “bùng cháy” vào buổi chiều định mệnh ấy, chiều 8-10. Ông Phê xót xa kể lại, trong lòng nặng trĩu nỗi buồn: Chiều hôm đó như thường lệ chỉ có ông Phê và bà Nga ở nhà. Khi thấy một chiếc vợt muỗi bị hỏng, ông Phê lại lớn tiếng chửi bà Nga vì cho rằng ông Tài đã phá hủy đồ đạc trong gia đình…

Lần này, bà Nga chẳng thể nín nhịn được nữa. Lời qua, tiếng lại giữa hai bên đã xảy ra xô xát. Trong lúc tức giận, ông Phê đã tát vào mặt bà Nga. Khi thấy tiếng ồn ã bên nhà ông bà nội, Phạm Văn Hùng (SN 1989) là cháu nội của ông Phê vội vã chạy sang can ngăn.

Nhờ có sự can thiệp của thằng cháu đích tôn, bà Nga mới có cơ hội thoát ra bên ngoài tránh được trận đòn vô cớ của người chồng hay ghen. Vừa đi, bà vừa khóc cho số phận của mình, đã ngần này tuổi vẫn bị chồng đánh ghen…

Chuyện ông bà nội “xô xát” diễn ra như cơm bữa nên sau khi can ngăn, cháu Hùng đã đi vào sân trong nhà. Chẳng ngờ! Ông dừng lại một lúc.

“Vào đây rồi, tôi mới hiểu mình đã quá nông nổi và sai lầm”, ông Phê thốt lên giọng đớn đau. “Lúc đó, tôi như kẻ điên dại, tôi không làm chủ được bản thân mình”… Tôi vội chạy vào nhà ngang lấy con dao bầu có chuôi bằng gỗ, trên đó có khắc tên tôi rồi chạy theo bà Nga ra cổng.

Số phận run rủi thế nào lúc này, ông Tài lại đạp xe đạp đi ngang qua. Đang bực tức vợ lại nhìn thấy ông Tài, tôi không kiềm chế được cảm xúc của mình. Tôi lao đến chặn đầu xe của ông Tài, miệng hét lớn mày phá hết vợt muỗi, quần áo, giày dép và xoong chảo nhà tao.

Nhát dao oan nghiệt của ông Phê trong cơn ghen điên loạn đã cướp đi mạng sống của ông Tài đồng thời đẩy ông Phê vào vòng lao lý”.

Tuổi già như chiếc lá chẳng biết lúc nào lìa cành… Tôi nhìn theo ông Phê mà lòng ngao ngán. Chỉ vì nóng giận, bản thân ông giờ đang trong vòng lao lý nhưng những người thân của ông cũng đã và đang phải sống trong những ngày tháng thật chẳng dễ chịu, trước những “bia miệng” của đời người.

Chiều 10-10, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Hải Dương đã chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương, đề nghị khởi tố ông Phạm Văn Phê về hành vi giết người. Trước đó, được sự động viên của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Hải Dương và Công an huyện Gia Lộc, ông Phê đã đến cơ quan công an đầu thú, giao nộp hung khí gây án.

Ông Phạm Văn Phê học hết lớp 6/10. Năm 1953 thì đi bộ đội. Năm 1962, ông Phê xuất ngũ trở về địa phương và công tác tại xưởng đại tu sửa chữa ôtô tại TP Hải Dương. Bản thân ông Phê chưa từng có tiền án, tiền sự.

Theo Cảnh sát toàn cầu