Chiều 1/3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, một vấn đề mà dư luận quan tâm đó chính là việc doanh nghiệp tặng xe siêu sang cho chính quyền xảy ra tại Cà Mau và Đà Nẵng vừa qua có hợp pháp hay không? Đâu là căn cứ pháp lý cho hành vi nhận quà tặng đắt tiền trên của chính quyền?.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời câu hỏi của báo chí (Ảnh: VGP/Nhật Bắc). |
Trả lời báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết:
“Vừa qua thông tin báo chí có phản ánh vấn đề tỉnh Cà Mau có nhận 2 xe Lexus, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng nhận 1 xe của doanh nghiệp tặng.
Quyết định số 64 đối với việc tặng và nhận quà của cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước quy định rất rõ.
Sau khi báo chí đăng về vấn đề hai địa phương nhận quà thì có nhiều quan điểm, đánh giá khác nhau.
Về việc này Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp kiểm tra, làm rõ, nếu có vi phạm vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.
Đây có thể nói là chỉ đạo rất trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ sau khi báo phản ánh. Sau khi có kết quả của các cơ quan chức năng thì sẽ thông báo với các cơ quan báo chí tại phiên họp báo thường kỳ tiếp theo. Tinh thần là rất minh bạch, rõ ràng".
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai (Ảnh: VGP/Nhật Bắc). |
Cũng liên quan đến căn cứ pháp lý trong việc cho tặng siêu xe, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết:
“ Theo Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức, có quy định trường hợp nào được nhận quà tặng và trường hợp nào không được nhận, trường hợp nào nghiêm cấm nhận quà tặng.
Tại Nghị định số 29/2014/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước.
Trong đó, căn cứ tại Điều 33 quy định về Căn cứ tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận tài sản phải lập phương án xử lý tài sản cùng với hồ sơ đề nghị xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản để trình cấp có thẩm quyền.
Mở cửa … ăn mày |
Trường hợp tài sản được chuyển giao phù hợp với đối tượng, điều kiện tiếp nhận, tiêu chuẩn, định mức, chế độ theo quy định của pháp luật thì giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận quản lý, sử dụng.
Còn trường hợp không phù hợp thì đơn vị phải từ chối, trường hợp không từ chối được thì phải xử lý bán theo quy định.
Nếu tài sản là ô tô thì phải căn cứ vào Quyết định 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý sử dụng ô tô trong cơ quan nhà nước, trong đó có quy định rõ định mức ô tô phục vụ cho các chức danh ở các bộ, ngành cũng như các chức danh ở địa phương và quy định định mức ô tô dùng chung.
Như ý kiến của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính sẽ căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật và xem xét kỹ lưỡng để có báo cáo cụ thể với Thủ tướng và sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí truyền thông”.