Thầy giáo trẻ ấy là Lê Thành Vĩnh (SN 1990, đang là giáo viên Trường THPT Đinh Thiện Lý, Q.7, TP.HCM). Các khóa học ''nghiệp vụ sư phạm'' của Vĩnh có tên gọi The Great Inspirer (Người truyền cảm hứng).
Kỹ năng đọc chép đã cũ
Theo Vĩnh, mỗi một giáo viên là một người truyền cảm hứng mạnh mẽ đến học sinh của mình. Người truyền cảm hứng được thực hiện để tạo dựng một cộng đồng kết nối giữa những giáo viên tâm huyết, luôn tích cực đổi mới trong giáo dục học sinh.
Ở đó, các giáo viên, sinh viên sư phạm và những người làm trong ngành giáo dục có thể chia sẻ những kinh nghiệm, những phương pháp giảng dạy cũng như giới thiệu về dự án mà mình sắp truyền tải.
Các học viên tham gia sẽ cùng Vĩnh thảo luận về chủ đề chính, giới thiệu phương pháp mới và dự án của mình - ảnh: NVCC |
Vĩnh dự định, chương trình sẽ có 6 chuyên đề. Mỗi chuyên đề sẽ được tổ chức trong vòng 1 giờ 30 đến 2 giờ. Số học viên tham gia được giới hạn từ 12-20 học viên.
Các học viên muốn tham gia thì phải đăng ký, cung cấp thông tin, đưa ra nguyện vọng, cần chia sẻ kỹ năng gì. Vĩnh sẽ lọc rồi chọn những kỹ năng mà mình có kinh nghiệm làm chủ đề thảo luận. Sau đó, Vĩnh tự liên hệ với các học viên để thống nhất thời gian triển khai.
Anh cho biết đã thực hiện được hai chuyên đề. Chuyên đề thứ nhất, tổ chức hồi tháng 9/2016 về chủ đề ''kỹ năng thuyết trình của giáo viên''.
Chuyên đề thứ hai tổ chức vào tháng 11/2016 là chủ đề kỹ năng tổ chức hoạt động trong lớp học.
Những kỹ năng tiếp theo sẽ là: Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục học sinh, Kỹ năng lắng nghe... Tuy nhiên, hiện tại Vĩnh chưa thể thực hiện ngay được vì bận nhiều việc ở trường và kinh phí tiết kiệm chưa đủ.
Chia sẻ về việc làm của mình, Vĩnh nói: ''Hồi sinh viên tôi rất thụ động. tôi cứ nghĩ, học ở sư phạm rồi áp dụng kiến thức bên trường rồi đi dạy. Một giáo viên thì không cần kỹ năng sư phạm làm gì''.
Khi bước vào môi trường thực tế, được học các buổi huấn luyện kỹ năng sư phạm của trường, và được các đồng nghiệp đi trước hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, Vĩnh phát hiện, kỹ năng đọc chép không còn nữa đâu. Phương pháp giáo viên cứ đứng giảng, học sinh lắng nghe cũng trở thành truyền thống.
Phương pháp bây giờ, dạy học lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên đứng lớp phải biết tổ chức các hoạt động trông qua các trò chơi, tổ chức họp nhóm, tham gia nhóm, xây dựng nhóm cho học sinh, làm cho tiết học của mình thật thú vị thì mới giúp học sinh thích học, hoạt bát và tích cực xây dựng chủ đề giáo viên đưa ra.
Thông qua đó, giúp học sinh học được các kỹ năng, biết cách thành làm việc, học tập theo nhóm, lựa chọn phương pháp học phù hợp.
Qua tiếp xúc với một số bạn bè, tôi được biết rất nhiều người mới ra trường bối rối với những tình huống rất nhỏ.
Từ đó, tôi nghĩ họ cần được truyền lại những kỹ năng và kinh nghiệm đứng lớp”, Vĩnh nói. Thế là Vĩnh tự soạn giáo án, lên khung chương trình cho từng buổi học cụ thể và bắt đầu hành trình “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Vừa chia sẻ, vừa học kinh nghiệm
Nhiều giáo viên, sinh viên đánh giá đây là lớp học cần thiết và giúp ích rất nhiều cho họ trong quá trình va đập thực tế.
Vĩnh mở lớp không chỉ để dạy mà là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp khác - ảnh: NVCC |
Còn với Vĩnh, khi tổ chức lớp học này, anh mong muốn tạo ra một cộng đồng giáo viên, sinh viên có sự tương tác, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.
Qua đó, giúp cải thiện những kỹ năng còn thiếu, phát triển và tìm hướng đi mới trong suy nghĩ, cách dạy và cách làm việc của giáo viên.
''Tôi mở lớp để chia sẻ những gì mình biết đến mọi người và kết nối các giáo viên lại với nhau. Từ đó, tôi cũng học được nhiều kinh nghiệm sáng tạo trong phương pháp giảng dạy của các giáo viên khác'', Vĩnh tâm sự.
Trần Lê Duy, giáo viên trường Trung học thực hành Đại học Sư Phạm TP.HCM mới tham gia được một chuyên đề về kỹ năng tổ chức hoạt động trong lớp học, nhưng thấy rất hiệu quả khi áp dụng vào phương pháp dạy của mình.
''Trường tôi mới triển khai phương pháp đổi mới giảng dạy trong giáo dục đây thôi. Tôi còn non kinh nghiệm nên cảm thấy rất mơ hồ và chẳng biết làm như thế nào cho hiệu quả.
Tham gia lớp học do thầy Vĩnh tổ chức, tôi đã tìm được phương pháp cho mình khi nghe thầy thị phạm. Mang áp dụng vào thực tế, tôi thấy rất hiệu quả.
Các học sinh của tôi rất hứng thú với các tiết học của thầy giáo hơn. Điều đặc biệt, các em không phải nghe quá nhiều kiến thức mà học được rất nhiều'', Duy cho biết.
Còn Phan Thị Thu Thủy, giáo viên tự do thì được chia sẻ và học được nhiều phương pháp sư phạm mới khi đứng lớp.
''Tôi học được ở Vĩnh cách thiết kế giáo án hiệu quả. Phương pháp tiếp cận học sinh, cách quản lý lớp, kỹ năng lôi cuốn học sinh hứng thú với tiết học của giáo viên và học được cách làm sao lồng ghép được các hoạt động khi dạy.
Tôi cũng có được cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm mình đang có cho các bạn sinh viên trẻ và giới thiệu được các dự án của mình đang ấp ủ đến các đồng nghiệp'', Thủy nói.