Người phụ nữ đam mê nghiên cứu khoa học và nỗi trăn trở với gia đình

08/03/2017 09:37
Thùy Linh
(GDVN) - Với đề tài nghiên cứu chế tạo hệ vật liệu nano sinh học nhằm kiểm soát hóa chất nông nghiệp, nữ giảng viên được nhận giải "Nhà khoa học nữ tiềm năng 2017".

TS. Lê Thị Hiên (sinh năm 1982) hiện đang là giảng viên bộ môn Công nghệ Nano sinh học, Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong 9 nhà khoa học nữ được Đại học Quốc gia Hà Nội trao giải thưởng “Nhà khoa học nữ tiềm năng năm 2017” ngày 7/3. 

TS.Lê Thị Hiên sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo, từ nhỏ cô đã mong ước được trở thành giảng viên một ngôi trường đại học. 

Nhờ đạt giải nhất môn Hóa học trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm 1999 khi đang là học sinh lớp 11 trường THPT Năng khiếu Trần Phú (tỉnh Hải Phòng), cô học trò này đã được tuyển thẳng vào lớp đào tạo cử nhân khoa học tài năng khóa 4 (ngành Hóa) của trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội và sau đó nhận được học bổng đi học tại khoa Hóa học, Đại học Quốc gia Matxcova, Liên bang Nga.

TS. Lê Thị Hiên (Ảnh: Thùy Linh)
TS. Lê Thị Hiên (Ảnh: Thùy Linh)

Tuy nhiên, khi phân chuyên ngành đại học, cô Hiên đã quyết định chọn chuyên ngành hóa hợp chất thiên nhiên và chọn chuyên ngành Hóa sinh hữu cơ làm nghiên cứu sinh vì theo cô, chuyên ngành có tính liên ngành có thể có nhiều ứng dụng trong y – sinh – dược, nông nghiệp và môi trường – các lĩnh vực rất quan trọng đối với cuộc sống tại Việt Nam. 

Tự nhận thấy mình là người may mắn, trao đổi với phóng viên, cô Hiên tâm sự: “Tôi đã được các thầy cô và các nhà khoa học tâm huyết hướng dẫn trong quá trình học tập trong và ngoài nước. 

Và được làm việc trong một nhóm nghiên cứu khoa học vững mạnh với các thành viên đều tràn đầy nhiệt huyết. 

Đặc biệt, tại trường Đại học Công nghệ là nơi có nhiều điều kiện tốt để làm nghiên cứu”

Những giáo viên 'bỏ nhà' cõng chữ lên non

Những giáo viên 'bỏ nhà' cõng chữ lên non

Rời xa gia đình lên miền núi, vùng đặc biệt khó khăn để dạy học, nhiều giáo viên phải ở nhà tranh vách nứa, trèo đèo lội suối, đi bộ cả ngày đường để vận động học sinh đến lớp.

Vị tiến sĩ này nhận định, giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ không thể tách rời của giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, hai nhiệm vụ này luôn bổ sung và hỗ trợ cho nhau. 

Đặc biệt, hiện nay khoa học công nghệ thay đổi từng giờ chính vì vậy để giảng dạy về khoa học công nghệ tốt và hiệu quả thì buộc đội ngũ cán bộ, giảng viên cần cập nhật thông tin khoa học công nghệ thường xuyên, điều này lại phục vụ rất nhiều cho việc nghiên cứu. 

Hơn nữa, khi làm nghiên cứu sẽ giúp giảng viên có nhiều kinh nghiệm có thể chia sẻ trong quá trình giảng dạy. 

Với đề tài “Nghiên cứu chế tạo hệ vật liệu nano sinh học ứng dụng trong hệ thống phân phối kiểm soát các hóa chất nông nghiệp”, cô Hiên đã trở thành một trong 9 nhà khoa học nữ được Đại học Quốc gia Hà Nội trao giải thưởng “Nhà khoa học nữ tiềm năng năm 2017”.

Và đây cũng là là một trong 3 đề tài được Đại học Quốc gia Hà Nội tài trợ để nghiên cứu trong năm 2017. 

Giải thích lý do lựa chọn đề tài này, TS.Lê Thị Hiên cho biết, hiệu suất sử dụng phân bón tại Việt Nam – một trong những hóa chất nông nghiệp, không cao, hiện chỉ khoảng 40%, còn lại khoảng 60% lượng phân bón bị mất đi do rửa trôi, bay hơi do phân bón vừa bón xuống ruộng là tan ngay. 

Điều này vừa lãng phí phân bón, vừa ô nhiễm môi trường và nguồn nước quanh khu vực trồng trọt. 

Do đó, tôi nghĩ đến việc cần tạo ra hệ phân phối phân bón nói riêng và hóa chất nông nghiệp nói chung có thể phân hủy trong đất và có thể kiểm soát được tốc độ phân phối theo thời gian đối với từng loại hóa chất thì sẽ tăng hiệu suất sử dụng của phân bón lên rất nhiều lần. 

Và tôi nhận thấy, đây là một hướng phát triển tốt của công nghệ nano sinh học và đã đề xuất đề tài này và được Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ kinh phí 100 triệu đồng để thực hiện
”, cô Hiên nói. 

Chia sẻ về những khó khăn khi nghiên cứu, cô Hiên cho rằng đó là cân bằng giữa công việc và gia đình. 

TS. Lê Thị Hiên tâm sự: “Tôi có con nhỏ nên việc sắp xếp thời gian đi công tác xa nhà là rất khó.

Nhưng tôi may mắn có được sự thấu hiểu của chồng và bố mẹ hai bên nội ngoại về công việc mà tôi đang làm. Điều này đã tạo điều kiện để tôi hoàn thành và phấn đấu trong công việc”


Thùy Linh