Trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi “Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” được đăng trên “Báo Cứu quốc” số ra ngày 17/10/1945, có đoạn viết:
“Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.
Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Vậy “công bộc” là gì? Theo từ điển Hán-Việt, công có nghĩa là của chung, bộc có nghĩa đầy tớ, cụm từ “công bộc của dân” có nghĩa là “người đầy tớ chung của dân” hay người đầy tớ công vụ.
Những cây gậy "Như ý" giúp cán bộ trẻ lên như diều gặp gió. (Ảnh minh họa trên báo Tuổi trẻ) |
Phàm là thân phận “đầy tớ của dân” phải mang trách nhiệm phục vụ như người quản gia phục tùng ông chủ, thêm một nguyên tắc nữa là xưa nay đầy tớ chưa bao giờ giàu hơn ông chủ, nếu giàu hơn chắc chắn không còn làm đầy tớ.
Lời Bác dạy thế mà đã tròm trèm 2/3 thế kỷ.
Bước vào thời kỳ đổi mới việc học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác trở thành nhiệm vụ chính trị cần kíp cấp bách, khẩu hiệu “dân giàu, nước mạnh” trở thành câu kết hùng hồn không thể thiếu trong mỗi bài diễn văn, báo cáo…
Song thực tế chỉ ra rằng, không phải ai giàu nước cũng mạnh bởi vì có một “bộ phận không nhỏ” giàu lên bất thường đất nước sẽ yếu đi.
Dĩ nhiên Bác Hồ đã đặt những người mang chức mang quyền vào vị trí “công bộc” là có lý do, nó như sợi cương ghìm con ngựa mỗi khi bất kham.
Đó là vô số những trường hợp “công bộc” vượt mặt ông chủ quay trở lại đè đầu cưỡi cổ, diễu võ dương oai.
Những khối tài sản kếch xù từ đâu mà có, những cung đường thăng tiến theo mũi tên lên thẳng chẳng khác nào con diều no gió bất chấp mọi quy định.
Mà phải nói con diều bay luôn phải chịu tác động của trọng lực nhưng đường quan lộ của không ít người còn bất chấp mọi định luật vật lý!
Mấy hôm nay dư luận đang sung sướng với cụm từ “đứng đằng sau”, “chống lưng” của Chủ tịch Hà Nội – Nguyễn Đức Chung khi nói về nạn “cát cứ” vỉa hè.
Đúng như ông Chung nói phải có cái “gậy Như ý” nào đó mới có thể chống được ngàn cân dựa vào mà một thời gian dài chẳng ai (dám?) lên tiếng.
Trong lịch sử Việt Nam, đất Thanh Hóa là cái nôi phát tích rất nhiều vua chúa, quá xứng đáng để gọi mảnh đất này “địa linh nhân kiệt”, nhưng ngày nay người ta đang rất lo lắng vì điều đó dường như không được phát huy.
Chuyện nhiều vị vừa tròn sáu mươi bỗng nhiên hóa “đại gia” ở tỉnh này một thời khơi gợi “cảm hứng” cho búa rìu dư luận.
Cái “nhọt” ông nguyên Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa – Hoàng Sỹ Bình to đến mức tờ VnExpress giật cái tít thẳng băng “Nguyên giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa lạm quyền tuyển hơn 3.700 lao động”[1].
Cớ gì khi bệnh viện chưa xây xong nhưng lại “vội vàng” làm cái chuyện hệ trọng – công tác cán bộ!? Có phải đây là động lực thúc đẩy bỗng nhiên thành đại gia.
Chưa dừng lại ở đó, người ta còn xuýt xoa với tài sản “tiết kiệm” của ông Bình: “ngôi biệt thự được xây 04 tầng, tọa lạc trên diện tích 410m2, Khu đô thị Bình Minh đứng tên ông Hoàng Vân (sinh năm 1985, con trai ông Hoàng Sỹ Bình) vừa bị phát hiện cũng giá trị tới cả chục tỷ đồng”[2].
Chẳng hiểu từ khi nào thiên hạ có lắm cái bỗng nhiên: Bỗng nhiên lên chức vù vù khi thành tích “phá” nhiều hơn “xây”, bỗng nhiên có cái bằng tiến sỹ dù chả thấy học hành nghiên cứu gì sất, bỗng nhiên đổ bệnh tâm thần khi cái gậy “Như ý” không còn chống nổi, bỗng nhiên trẻ lại đôi ba tuổi khi gần “sáu mươi năm”…
Gần đây, bỗng nhiên nổi lên hội chứng “bỗng dưng rất giàu”.
Đó là một số cán bộ bao nhiêu năm công tác, bản kê khai tài sản “bèo bọt” đến đáng thương, khiến Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã phải chua chát thốt lên:
“Đọc bản kê khai tài sản mà tôi thấy thương cán bộ nhà ta quá. Ai cũng nghèo, nhà nhà nước cấp, lương ba cọc”.
Rồi bỗng nhiên xuất hiện vị lãnh đạo “đại gia” ở Bộ Công thương có cổ phần ở Công ty Điện Quang khiến dư luận hồ nghi “vừa đá bóng vừa thổi còi”, đích thân Tổng Bí thư đã chỉ đạo làm rõ ngọn ngành nhưng thêm một lần nữa người ta có lý do để cười nhếch mép vào những bản kê khai tài sản.
Lại bỗng nhiên có một nữ “công bộc” vừa bước qua tuổi ba mươi xinh như mộng phát lộ khối tài sản vạn người ao ước, ở biệt thự tiền tỷ, đi xe hiệu Cadillac và thăng tiến bất chấp mọi trở lực.
Đó là trường hợp của cô Quỳnh Anh – Trưởng phòng Quản lý và và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa.
“Từ năm 2008 - 2010, với tấm bằng Cao đẳng Công nghệ thông tin ở Nghệ An, bà Quỳnh Anh được nhận vào làm hợp đồng tại Văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân tin học (hệ tại chức) Trường Đại học Vinh, đầu năm 2011, bà Quỳnh Anh được nhận vào làm hợp đồng tại Trung tâm kiểm định chất lượng của Sở Xây dựng Thanh Hóa.
Năm 2012, bà Quỳnh Anh được điều về Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản của sở này.
Tháng 4.2015, bà Trần Vũ Quỳnh Anh được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, và chỉ 6 tháng sau (tháng 10.2015), được bổ nhiệm làm trưởng phòng”[3].
Đó là mô tả tóm tắt con đường quan lộ của cô này, 9 năm công tác hầu hết ở danh phận hợp đồng nhưng đã “trèo” lên tận vị trí Trưởng phòng mà không thấy bóng dáng của thi tuyển công chức và tập sự ở đâu.
Hà Nội những năm 2000 - lời khen và … “Thiên lý trường gậy” |
Con đường thăng tiến mà những người trong ngành không có vần “ệ” cảm thấy nóng mặt.
Trong khi đó, theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh):
“Cần phải xem xét làm rõ chị trưởng phòng này trong quá trình công tác có lợi dụng vị trí công việc để tạo ra khối tài sản đó không, nếu không lương của một công chức như vậy thì tiền đâu mà có được khối tài sản lớn như vậy?”[4].
Xưa “hồng nhan bạc phận” nay “hồng nhan…bạc tỷ”, cái nhẽ ở đời là thế, chân dài ắt có đại gia nâng đỡ bằng cái “gậy thần kỳ" nào đó. Dư luận cũng từng đồn đoán cô là bồ nhí của một vị cỡ bự xứ Thanh, nhưng sau đó tỉnh này đã ra thông cáo chung bác bỏ.
Suy cho cùng cái người ta muốn biết là ngân khố quốc gia có hao hụt đi hay không, còn chuyện “chim” và “chuột” âu cũng là cái lẽ hồng nhan ở đời.
Hóa ra mọi nhẽ chẳng “đơn thương độc mã” bao giờ mà luôn có cái “gậy Như ý” chống sau lưng, ông Chủ tịch Hà Nội đã nhìn thấy một trong những cây gậy như thế, việc còn lại là phá hỏng cây gậy ấy đi là người được chống sẽ ngã nhào.
Nhưng nhìn thấy là một việc còn đủ sức công phá hay không là chuyện khác.
Tài liệu tham khảo:
[2]http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/su-tam-toi-va-ca-ho-may-thom-323707.html
[3]http://thanhnien.vn/thoi-su/quan-lo-than-toc-cua-hot-girl-xu-thanh-808600.html