Philstar ngày 8/3 đưa tin, hôm 7/3 tân Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, ông Chung Sơn đã sang thăm chính thức Manila và dự phiên họp Ủy ban Hợp tác kinh tế và thương mại song phương (JCETC).
Đây là cuộc họp đầu tiên được nối lại sau 5 năm gián đoạn vì những căng thẳng giữa hai nước trên Biển Đông, đặc biệt kể từ vụ Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines tháng 4/2012.
Một danh sách các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc đã được thỏa thuận trong cuộc họp giữa ông Sơn với Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez.
Ông Lopez tiết lộ, có 3 dự án tổng trị giá 3,4 tỉ USD đã được Trung Quốc xác định ưu tiên cấp vốn trong năm nay.
Tuy nhiên một quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng, tại thời điểm này vẫn chưa có công ty cụ thể nào sẽ thực hiện các dự án này.
Các hợp đồng vẫn chưa được ký cho nên ông không thể tiết lộ các điều khoản và điều kiện của các khoản vay cụ thể, Trung Quốc chỉ hứa cố gắng khởi động 3 dự án ưu tiên trong năm nay. [1]
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: guancha.cn. |
Từ Trung Quốc, tờ Người Quan Sát ngày 10/3 cho biết, tuần tới Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương sẽ sang thăm Philippines. Truyền thông Philippines nói rằng, ông Dương sẽ mang theo hợp đồng 1 tỉ USD nhập khẩu nông sản Philippines.
Chuyến đi Manila của ông Chung Sơn tuần này một mặt là để thực hiện thỏa thuận song phương giữa Tổng thống Rodrigo Duterte với Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 10 năm ngoái, mặt khác là để dọn đường cho ông Uông Dương sang Manila tuần tới.
Trong hội đàm, ông Chung Sơn liệt kê một loạt "thành quả" của kỳ họp JCETC lần thứ 28 này: tăng cường kết nối trực tiếp "sáng kiến Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc với tầm nhìn Philippines 2040;
Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu các mặt hàng có sức cạnh tranh của Philippines, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc sang Philippines đầu tư, tích cực tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình cải thiện dân sinh Philippines;
Trung Quốc "ủng hộ toàn diện Philippines thực hiện tốt vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017", thúc đẩy đàm phán Hiệp định quan hệ đối tác toàn diện khu vực (RCEP) và cố gắng ký được trong năm nay.
Tờ Philippines Daily Inquirer hôm 9/3 dẫn lời Bộ trưởng Thương mại nước này Lopez cho biết, tuần tới sang Manila, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương có thể mang theo các hợp đồng nhập khẩu nông sản Philippines trị giá 1 tỉ USD, bao gồm các mặt hàng cá, thịt gà - vịt, chuối, dứa và xoài. [2]
Những dấu hiệu bất thường
Các hoạt động thăm viếng nói trên của 2 quan chức cấp cao Trung Quốc sang Philippines trong thời gian ngắn theo cá nhân người viết có những dấu hiệu bất thường.
Thứ nhất, tháng trước Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành bất ngờ hủy chuyến thăm Philippines vào phút chót mà không rõ nguyên nhân. Dư luận giới quan sát cho rằng có liên quan đến những phát biểu của (cựu) Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay về Biển Đông.
Ông Chung Sơn thay ông Thành làm Bộ trưởng Thương mại hôm 24/2 và chọn Philippines làm quốc gia đầu tiên đến thăm, ngay giữa lúc đang họp Quốc hội.
"Trung Quốc vừa là bạn, vừa là mối đe dọa" |
Sau chuyến thăm kéo dài 3 ngày này, tuần tới Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cũng sẽ sang thăm Philippines, hai bên dự kiến ký kết Kế hoạch 6 năm phát triển hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc - Philippines.
Vậy là chỉ trong vài tuần, Bắc Kinh đã có những thay đổi 180 độ trong cách tiếp cận với nước láng giềng này.
Thứ hai, các hoạt động thăm viếng Philippines của Bộ trưởng Thương mại, Phó Thủ tướng Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở rộng phạm vi nhòm ngó từ Biển Đông và Scarborough sang vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa phía Đông Philippines hoàn toàn không có tranh chấp.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 10/3 nói với báo giới về việc tàu khảo sát Trung Quốc đã bén mảng đến rãnh Benham nhằm tìm đường cơ động và ẩn nấp cho tàu ngầm.
Ông công khai thừa nhận tương quan lực lượng quá chênh lệch khiến Philippines không còn cách nào khác, là đấu tranh qua đường ngoại giao. Nhưng nếu lần sau tàu Trung Quốc còn xuất hiện, hải quân phải đuổi.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Philippines xác định, Trung Quốc vừa là bạn, cũng vừa là mối đe dọa đối với quốc gia láng giềng này. Ông kêu gọi dư luận bình tĩnh, chia sẻ với khó khăn của chính phủ Tổng thống Rodrigo Duterte trong ứng phó với Trung Quốc. [3]
Thứ ba, từ những phát biểu của ông Chung Sơn được Người Quan Sát trích dẫn khi đánh giá "thành tựu" của kỳ họp Ủy ban Hợp tác kinh tế và thương mại song phương vừa qua có thể thấy, những cái được của Philippines vẫn ở "thì tương lai", vẫn là lời hứa.
Nhưng những cái được của Trung Quốc thì đang trong "thì hiện tại", đó là "ủng hộ toàn diện Philippines thực hiện vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017", thúc đẩy ký kết RCEP trong năm nay, ký kết các văn bản kết nối "Một vành đai, một con đường" với tầm nhìn Philippines đến năm 2040.
Ngay cả những gói đầu tư, cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc ưu tiên giải ngân trong năm nay, đến giờ vẫn chưa ký và cũng chưa biết doanh nghiệp nào thực hiện.
Thông tin ông Uông Dương mang theo hợp đồng nhập khẩu nông sản Philippines tổng trị giá 1 tỉ USD cũng chỉ xuất hiện trên truyền thông Philippines.
Cá nhân người viết cho rằng, vấn đề lớn nhất đối với nền kinh tế Philippines hiện nay không hẳn đã phải là thiếu vốn. Mặc dù Tổng thống Rodrigo Duterte khi tranh cử đã cam kết sẽ mở ra thời kỳ hoàng kim cho xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế.
Nhưng vốn ở đâu ra? Hai nguồn vốn ông chủ Điện Manacanang nhắm tới là Nhật Bản và Trung Quốc. Tháng 10 năm ngoái, ông Duterte chọn Trung Quốc là nước đầu tiên sang thăm.
Về 5 trọng điểm chính sách đối ngoại Trung Quốc qua phát biểu của ông Vương Nghị |
Bắc Kinh đã ký với Manila hàng loạt dự án hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư với tổng trị giá 14 tỉ USD. Nhưng con số này vẫn mới chỉ nằm trên giấy.
Chuyến đi này của ông Chung Sơn mới chỉ cam kết khởi động 3 dự án ưu tiên trong năm nay, tổng trị giá 3,4 tỉ USD, nhưng cũng chưa ký, chưa rõ doanh nghiệp nào thực hiện.
Ông Duterte cũng nhận được những lời hứa đầu tư tương tự từ Nhật Bản trong chuyến thăm Tokyo sau khi đi Bắc Kinh không lâu.
Tuy nhiên vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Philippines hiện nay theo cá nhân người viết là quản trị, đặc biệt là tệ nạn tham nhũng và ma túy hoành hành.
Chừng nào thứ giặc nội xâm này còn chưa dẹp yên, chừng đó Philippines sẽ còn phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Còn những lời hứa hào phóng từ Trung Quốc sẽ chỉ biến thành các khoản giải ngân trong hiện thực, nếu Bắc Kinh thấy Manila thực sự đi theo quỹ đạo của mình, giống như Phnom Penh.
Sau Phán quyết Trọng tài, Trung Quốc đã tìm cách "dập" dư luận đòi hỏi nước này phải tuân thủ. Với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, chỉ cần Philippines không nhắc tới Phán quyết này, coi như là một thành công của Bắc Kinh về đối ngoại.
Những hoạt động rình rập ngoài vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa bờ Đông Philippines có lẽ mới chỉ là khúc dạo đầu. Có lẽ Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã đúng khi nhận định rằng, Bắc Kinh biết rất rõ thế và lực của Manila hiện nay. Và hơn thế nữa, Trung Quốc đang tìm cách đưa Philippines vào quỹ đạo.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.philstar.com/business/2017/03/08/1678913/philippines-china-reconvene-joint-trade-panel
[2]http://www.guancha.cn/politics/2017_03_10_398193.shtml
[3]http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Trung-Quoc-vua-la-ban-vua-la-moi-de-doa-post174953.gd