Với dự án "Thiết kế, tổng hợp và thử tác dụng kháng ung thư của một số dẫn chất axit hydroxamic mới mang khung 2-oxoindolin hướng ức chế histon deacetylase”, hai nữ sinh Trần Đan Khuê và Vũ Thị Nam Anh (học sinh trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học tự nhiên Hà Nội) đã giành giải Nhất toàn quốc cuộc Hội thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia khu vực phía Bắc diễn ra từ 6-9/3 vừa qua tại Phú Thọ.
Trăn trở với mối đe dọa khủng khiếp của căn bệnh ung thư ngày càng gia tăng tới sự sống con người, chia sẻ với phóng viên, Nam Anh tâm sự:
“Mỗi ngày qua báo đài, tivi em liên tiếp được nghe về những câu chuyện đau lòng liên quan đến căn bệnh ung thư.
Đặc biệt, khi tham gia thiện nguyện tại một bệnh viện điều trị ung thư (Hà Nội), chúng em đã chứng kiến không ít người bệnh ở các độ tuổi, vùng miền khác nhau phải chịu nhiều đau đớn.
Rồi đến việc thấy cái chết và sự sống đối với họ quá mong manh trong khi đó nhiều gia cảnh nghèo khó, tiền thuốc điều trị đắt đỏ, có gia đình kiệt quệ vì chữa ung thư.
Bởi thuốc điều trị ung thư ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là nhập ngoại với giá rất cao, trong khi quá trình điều trị của người bệnh rất dài.
Những hình ảnh đó đã ám ảnh tâm trí nên chúng em đã ấp ủ ý tưởng tạo ra một loại thuốc không chỉ có tác dụng điều trị tốt bệnh ung thư mà giá thành cũng phải phù hợp với thu nhập của người dân”.
Hai nữ sinh lớp 12 tổng hợp được 14 dẫn chất ức chế tế bào ung thư (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Chia sẻ về thời gian thực hiện dự án, Trần Đan Khuê chia sẻ:
“Ý tưởng và thời gian thực hiện dự án của chúng em bắt đầu từ tháng 5/2015 với sự hỗ trợ hết mình của Giáo sư Nguyễn Hải Nam - giảng viên khoa Hóa Dược (trường Đại học Dược Hà Nội), chúng em đã thực hiện thành công giai đoạn tiền lâm sàng dự án".
Được biết, hiện nay trong chế thuốc ung thư có 2 xu hướng là phát triển thuốc mới theo phương pháp truyền thống và phát triển thuốc mới theo mục tiêu phân tử.
Sinh viên chưa tốt nghiệp đã được tuyển dụng với lương tháng 60 triệu đồng |
Phương pháp thứ hai (phương pháp phân tử) có ưu điểm là rút ngắn thời gian và giảm chi phí đáng kể.
Ở phương pháp này, Histone deacetylase (HDAC) là một mục tiêu phân tử điển hình và tiềm năng trong thiết kế thuốc điều trị ung thư.
Do vậy tổng hợp các chất ức chế HDAC đang trở thành các tác nhân chống ung thư đầy triển vọng.
Đóng góp mới nhất của dự án do Đan Khuê và Nam Anh thực hiện chính là đã tổng hợp được 14 dẫn chất có tác dụng ức chế HDAC-2 và có hoạt tính ức chế mạnh trên ba dòng tế bào ung thư (đại tràng, tiền liệt tuyến và tuyến tụy).
Đặc biệt, nhóm đã phát hiện chất 5e có tác dụng ức chế mạnh nhất trên các dòng tế bào thử nghiệm, mạnh hơn các loại thuốc trị ung thư trên thị trường từ 5-8 lần và chưa có công bố nào ở Việt Nam cũng như thế giới.
“Thử trên người và trên động vật sẽ là bước nghiên cứu tiếp theo của nhóm trước khi đại diện Việt Nam sang Mỹ tham dự giải hội thi Khoa học và kỹ thuật Quốc tế (Intel ISEF) vào tháng 5 tới”, Đan Khuê chia sẻ.
Khi được hỏi về dự định về dự án này trong tương lai, hai cô gái cho biết:
“Chúng em sẽ hướng tới mục tiêu trước mắt là tập trung tốt cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2017 với mong muốn sẽ đỗ vào Đại học Y/ Dược Hà Nội để tiếp tục việc nghiên cứu của mình.
Sau đó, chúng em tập trung nghiên cứu để có thể đưa chất 5e vào làm thuốc điều trị ung thư trong thực tế”.