Tờ Caixin, Trung Quốc ngày 17/3 đưa tin, cùng ngày khi ở thăm Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, chính sách nhẫn nại chiến lược với CHDCND Triều Tiên của Hoa Kỳ đã kết thúc.
Chính phủ Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc mọi phương án, không loại trừ dùng vũ lực phủ đầu Bình Nhưỡng. Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc, ông Tillerson nói với báo giới:
"Chúng tôi hoàn toàn không mong muốn tình hình leo thang thành xung đột quân sự.
Nhưng một khi Triều Tiên uy hiếp Hàn Quốc và quân đội Mỹ đóng tại đây, chúng tôi sẽ phải hành động tương ứng. Một khi Bình Nhưỡng đi quá giới hạn, chúng tôi sẽ ra tay".
Trước đó trong cuộc họp báo sau hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, ông Tillerson cũng đã nói với báo giới:
"Để giúp CHDNCD Triều Tiên, Mỹ đã tiêu tốn mất 1,35 tỉ USD, kết quả lại chỉ chuốc lấy việc họ gia tăng năng lực hạt nhân và khả năng phát triển tên lửa đạn đạo. Chúng tôi phải có tư duy mới, khác hoàn toàn trước đây". [1]
Đa Chiều ngày 17/3 dẫn lại bài báo trên tờ Sankei Shimbun cho biết, vấn đề Bắc Triều Tiên là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận giữa ông Rex Tillerson với Thủ tướng Shinzo Abe và Ngoại trưởng Fumio Kishida.
Sau đó trong cuộc họp báo hôm 16/3, ông Rex Tillerson nói rằng, cục diện bán đảo Triều Tiên ngày nay là kết quả tồi do chính sách của các chính phủ tiền nhiệm tạo ra.
Một người lính Triều Tiên chụp ảnh Ngoại trưởng Rex Tillerson từ đằng sau, qua cửa kính tòa nhà Bàn Môn Điếm. Ảnh: SCMP. |
Tờ báo đánh giá, Ngoại trưởng Mỹ nhận xét như vậy về chính sách đối ngoại của các chính phủ tiền nhiệm là vô cùng hiếm gặp. [2]
Sự thay đổi chính sách của Hoa Kỳ với vấn đề Triều Tiên
Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trở thành tâm điểm chú ý của dư luận kể từ khi Bình Nhưỡng tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Chống phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1993.
Năm 1994, chính quyền Tổng thống Bill Clinton quyết định cung cấp cho Bình Nhưỡng lò phản ứng nước nhẹ để đổi lấy cam kết của Triều Tiên, đóng băng kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân.
Chính quyền kế nhiệm của Tổng thống George W. Bush ban đầu theo đuổi chính sách gây áp lực, nhưng sau đó cũng làm mềm lập trường bằng cách bỏ CHDCND Triều Tiên khỏi "danh sách các nước tài trợ khủng bố".
8 năm cầm quyền của Tổng thống Barak Obama, ông theo đuổi chính sách "nhẫn nại chiến lược", chờ đợi Bình Nhưỡng tự giác từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, nhưng kết quả trong 8 năm này Triều Tiên liên tục thử hạt nhân và tên lửa.
Bởi vậy chính phủ Tổng thống Donald Trump se phải tìm cách ngăn chặn Bình Nhưỡng tiếp tục tiến về phía trước trong kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của họ.
Bloomberg ngày 17/3 dẫn lời ông Tillerson tuyên bố:
"Hãy để tôi nói rõ: chính sách kiên nhẫn chiến lược đã kết thúc. Tất cả các lựa chọn đã được đặt lên mặt bàn.
Bắc Triều Tiên cần hiểu rằng, con đường duy nhất để tiến tới một tương lai an toàn, thịnh vượng về kinh tế là từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo cũng như các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt". [3]
Hôm nay 18/3 Ngoại trưởng Mỹ sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị để tìm ra cách tiếp cận mới thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Bình Nhưỡng, mở rộng vòng tròn đồng minh đối phó với CHDCND Triều Tiên.
Ông vẫn nhắc lại, Hoa Kỳ mong muốn sự thinh vượng kinh tế, đảm bảo an ninh cho Bắc Triều Tiên nếu nước này từ bỏ chương trình hạt nhân. Bình Nhưỡng không có gì phải sợ.
Kịch bản tấn công phủ đầu
Business Insider ngày 17/3 đã có cuộc trao đổi với chuyên gia về Triều Tiên, Sim Tack từ Stratfor về cách thức Mỹ có thể tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu vào CHDCND Triều Tiên, một trong những lựa chọn đã được ông Tillerson đặt lên bàn.
Máy bay ném bom chiến lược B-2 của Mỹ, ảnh: UPI. |
Hành động quân sự chống lại CHDCND Triều Tiên sẽ không phải chuyện dễ dàng với bất kỳ chỉ huy nào của Mỹ, bởi sự hủy diệt của chiến tranh với dân thường Hàn Quốc, Nhật Bản và lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại 2 nước này sẽ không hề nhỏ.
Tuy nhiên, bên cạnh khả năng hủy diệt hoàn toàn các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên cùng các căn cứ quân sự, Mỹ vẫn có lựa chọn khác là tiến hành các cuộc tấn công chớp nhoáng vào các cơ sở hạt nhân quan trọng nhất.
Lựa chọn thứ 2 sẽ tập trung vào làm tê liệt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, chặn đứng các nguy cơ đe dọa chủ yếu đến Mỹ và đồng minh. Trong khi phương án thứ nhất có thể khiến Mỹ sa lầy vào một cuộc xung đột kéo dài ở châu Á.
Công cụ tốt nhất Mỹ có thể sử dụng là máy bay tàng hình F-22 và máy bay ném bom B-2, theo Tack. Mỹ có thể sẽ dần bố trí tàu ngầm, chiến hạm và máy bay tàng hình tại các căn cứ gần Triều Tiên.
Giờ G đến, máy bay ném bom Hoa Kỳ sẽ xuất hiện trên bầu trời Triều Tiên, đột nhiên dư luận bất ngờ với các bản tin về việc Mỹ tiến hành các cuộc không kích.
Trong khi F-22 và có thể cả F-35 tìm cách diệt các trận địa tên lửa đối phương, B2 sẽ làm công việc hủy diệt các cơ sở hạt nhân.
Là loại máy bay ném bom chiến lược công suất lớn, B-2 có thể thả những quả bom rất lớn vào các hầm ngầm sâu ở Bắc Triều Tiên, trong khi nó có thể cơ động từ Guam, thậm chí từ lục địa Mỹ.
Trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công chớp nhoáng ấy, nhiều khả năng nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng có rất nhiều lựa chọn đối phó. Ông có thể lệnh cho các trận địa pháo nã thẳng vào Hàn Quốc chỉ trong một vài giây.
Tuy nhiên, hầu hết các loại pháo trong biên chế Triều Tiên không thể vươn tới Seoul, trong khi mấy chục năm qua Hàn Quốc vẫn gia cố hệ thống hầm ngầm và cơ sở hạ tầng bảo vệ công dân khi chiến tranh xảy ra.
Việc tàu ngầm Triều Tiên có khả năng phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân là một mối nguy thực sự với Mỹ, vì nó có thể di chuyển ngoài phạm vi phòng thủ mà Hoa Kỳ thiết lập.
Tuy nhiên những "thợ săn tàu ngầm" tốt nhất đều nằm trong hải quân Mỹ, từ trực thăng thả phao nghe đặc biệt cho đến tàu khu trục sử dụng hết các loại ra đa tối tân, tàu ngầm Mỹ cũng sẽ cảnh giới trước bất kỳ sự bất thường nào từ các vùng nước sâu.
Kịch bản phản ứng của Triều Tiên có thể diễn ra theo nhiều hướng, nhưng theo Task thì nước này không phải một pháo đài bất khả xâm phạm.
Nếu Bình Nhưỡng lựa chọn tấn công trả đũa quy mô lớn, Mỹ sẽ đáp trả bằng các hành động quân sự mà Triều Tiên không thể giành chiến thắng. [4]
Trung - Triều vẫn gắn bó
Cá nhân người viết cho rằng, nếu có một giải pháp quân sự để Mỹ giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, thì cả Lầu Năm Góc lẫn Nhà Trắng sẽ phải cân nhắc rất kỹ bối cảnh, tác động ảnh hưởng của cuộc chiến, phản ứng của các bên, đặc biệt là Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong một chuyến thị sát tàu ngầm hải quân Triều Tiên, ảnh: Business Insider. |
Bất chấp việc đại sứ quán CHDCND Triều Tiên tại Bắc Kinh công khai tuyên bố Bình Nhưỡng đã sẵn sàng cho một cuộc chiến với Hoa Kỳ sau khi Ngoại trưởng nước sở tại, ông Vương Nghị kêu gọi 2 bên quay trở lại bàn đàm phán, quan hệ Trung - Triều vẫn không thay đổi.
Hôm 28/2, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đi Trung Quốc sau khi Bắc Kinh tuyên bố ngưng nhập khẩu than từ nước láng giềng này cho đến hết năm 2017. Ông Ri Kil-song đi Bắc Kinh theo lời mời của ông Vương Nghị và hội đàm với ông Nghị.
Dù bề ngoài Bình Nhưỡng vẫn luôn tỏ ra độc lập và thậm chí không ngại chỉ trích các phản ứng của Trung Quốc về vấn đề bán đảo, nhưng trên thực tế hầu hết các nhà quan sát đều tin rằng, chỉ cần Bắc Kinh "rút ống thở", nền kinh tế Triều Tiên sẽ sụp đổ. Nhưng Bắc Kinh không thể làm điều này.
Trái ngược với việc dùng truyền thông tạo sóng dư luận để dân chúng Trung Quốc tẩy chay hàng hóa, dịch vụ, doanh nghiệp và kể cả các ngôi sao giải trí của Hàn Quốc để gây sức ép với Seoul, Bắc Kinh vẫn kiểm soát rất chặt mọi thông tin, bình luận "tiêu cực" về Bình Nhưỡng.
Do đó chuyến đi Trung Quốc trong hai ngày 18/3, 19/3 này sẽ là đòn cân não với cả Trung Nam Hải lẫn Tòa Bạch Ốc. Donald Trump không chấp nhận thỏa hiệp để Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo.
Còn tại Hàn Quốc, đất nước này vẫn đang chìm trong khủng hoảng và chia rẽ sau khi Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất, cũng như việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Đó cũng là lực cản nếu Mỹ chọn giải pháp quân sự.
Nhưng nếu lúc này Bình Nhưỡng bồi thêm vài quả tên lửa hay một vụ thử hạt nhân, mọi thứ sẽ khác.
Rất có thể sau các cuộc hội đàm này mà không đạt kết quả, chỉ cần Bình Nhưỡng tiếp tục châm ngòi bằng các vụ thử tên lửa hay hạt nhân, thì kịch bản ông Tillerson không loại trừ hoàn toàn có thể xảy ra.
Trump - Tillerson không chia rẽ
The New York Times ngày 17/3 cho biết, hơn 50 ngày sau khi chính phủ của Tổng thống Donald Trump nhậm chức, ông Rex Tillerson chưa từng trình bày rõ ràng chính sách đối ngoại của tân chính phủ.
Thời báo Hoàn Cầu kêu gọi "dạy cho Hàn Quốc một bài học" |
Điều này khiến nhiều nhà quan sát hoài nghi ảnh hưởng của Ngoại trưởng trong Nhà Trắng. Thậm chí có người đặt câu hỏi về khả năng chia rẽ giữa Donald Trump với Rex Tillerson, khi ông liên tục vắng mặt trong các cuộc họp giữa Tổng thống và nguyên thủ các nước.
Cá nhân người viết thì cho rằng, không những chẳng có rạn nứt nào giữa Trump với Tillerson, mà bộ đôi này còn phối hợp rất ăn ý trong chính sách và chiến lược đối ngoại của Hoa Kỳ.
Cả hai ông đều là doanh nhân lần đầu tiên bước vào chính trường với những cách tiếp cận hoàn toàn mới, thoát khỏi lối mòn mà dư luận vẫn quen thuộc trong chính trị truyền thống.
Có lẽ với họ, làm thế nào để tối đa hóa hiệu quả và lợi ích, tối thiểu hóa rủi ro và chi phí mới là cái cần tính, chứ không phải dư luận đang bàn tán gì.
Việc ông Rex Tillerson vui vẻ chấp nhận để Tổng thống Donald Trump cắt giảm 28% ngân sách cho ngoại giao để lấy tiền bù cho quốc phòng là một minh chứng rõ nét. [5]
Thứ hai, cách làm của ông Rex Tillerson cũng không khác gì ông Donald Trump đã làm để từng bước nâng cao năng lực chiến đấu cho quân đội Mỹ.
Cũng những vũ khí hiện đại ấy, nhưng Tổng thống Trump sẽ đàm phán để mua chúng với giá rẻ hơn. Còn Ngoại trưởng Hoa Kỳ thì khẳng định: "Chúng tôi sẽ có thể làm được nhiều hơn với ít đô la hơn".
Người viết cũng cho rằng, không phải ngẫu nhiên trong thời gian này quân đội Nhật Bản tuyên bố sẽ đưa tàu sân bay trực thăng hiện đại nhất của họ đến Biển Đông 1 tháng.
Cũng không phải tự nhiên tàu sân bay Pháp hiện diện ở Tây Thái Bình Dương và tuyên bố sẽ vào Biển Đông, bắn thông điệp cứng rắn với Bắc Kinh lúc này. [6]
Có lẽ đó là những sự chuẩn bị chiến lược của Nhà Trẳng để Ngoại trưởng Rex Tillerson yên tâm đi Trung Quốc, không ai có thể đe dọa ông hay nước Mỹ ở châu Á. Mặc dù ngày hôm nay ông Tillerson có mặt ở Bắc Kinh, tàu sân bay Liêu Ninh cũng âm thầm xuất cảng. [7]
Mọi toan tính Mỹ bận chỗ này thì sẽ hở chỗ kia, có thể phạm sai lầm.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://international.caixin.com/2017-03-17/101067359.html
[2]http://global.dwnews.com/news/2017-03-17/59806079.html
[4]http://www.businessinsider.com/us-preemptive-strike-north-korea-2017-3/#so-how-does-this-all-end-9
[5]http://www.bbc.com/news/world-us-canada-39289416
[6]http://www.bbc.com/news/world-us-canada-39289416